Tiền và bóng đá

Tiền và bóng đá
Lâu nay nhiều người vẫn quên rằng, kiếm tiền cho bóng đá khác với việc kiếm tiền từ bóng đá…

Những năm đầu 1990, khi mon men vào nghề báo, tôi khá ấn tượng với hình ảnh ông Phó Chủ tịch tài chính LĐBĐVN Nguyễn Tấn Minh ngồi dưới gầm sân Thống Nhất (TPHCM), vừa rít tẩu một cách điệu nghệ vừa nói: "Bóng đá mà không có tiền thì vứt đi, lâu nay mấy người từng vỗ ngực mình là dân làm bóng đá lại chẳng có ai biết kiếm tiền từ bóng đá…".

Ông nói một cách sảng khoái khi nhìn các cầu thủ Laisun của Hồng Kông đang thi đấu với Cảng Sài Gòn - một trong những chuyến giao hữu quốc tế hiếm hoi có "tiền chầu" và tự hạch toán mang lời về, chứ không chỉ là mời đá hữu nghị rồi phủi tay.

Ấn tượng ban đầu ấy của tôi cũng như bao người đang làm bóng đá bao cấp thời bấy giờ, khi cả nước nhìn vào LĐBĐ TPHCM xem ông Tư Minh (tên thường gọi của ông Nguyễn Tấn Minh) kiếm tiền từ cái sân bóng đá được Sở TDTT giao…

Tiền và bóng đá ảnh 1
Tiền tỉ ông Lê Hùng Dũng mang lại từ bóng đá bước đầu phản tác dụng.

Sau khúc dạo đầu ấy, ông Tư Minh tiến hành làm một lô việc và sự kiện đổi máu trong làng bóng Việt Nam.

Ông lấy danh nghĩa LĐBĐVN ký hàng loạt hợp đồng cho đội tuyển và cho giải quốc gia. Cái áo cho các cầu thủ mặc lâu nay chỉ có khái niệm giới thiệu tên địa phương của đội bóng ở trước ngực cũng được ông khai thác. Cầu thủ phấn khởi hẳn lên với đồng ra đồng vào, ngoài cái phần lương bao cấp, ăn cơm nhà nước đá bóng và ngủ giường tập thể nhà khách.

Đồng tiền chính thức bước vào môi trường bóng đá từ đấy, khác hẳn với kiểu đồng tiền đi trước mà thời bóng đá bao cấp dùng tiền mặt (cũng của Nhà nước) thay tiền đạo và dùng những xe gạo, lạng vàng chở thẳng từ miền Tây ra Hà Nội để chung chi cho một trận chung kết.

Năm 1995, khi bóng đá Việt Nam trở về từ đấu trường Chiang Mai tại SEA Games 18 (Thái Lan) với chiếc huy chương bạc quý hơn vàng, nhiều người đã tự hỏi điều gì làm nên một đội bóng có tinh thần thi đấu quật khởi và điều gì làm nên sức mạnh của cơn lốc đỏ?

Có nhiều cách lý giải, nhưng không ai có thể phủ nhận một điều, đồng tiền khi ấy đã có nhiều mặt tác động tích cực. Một HLV ngoại được Strata trả lương xuyên suốt để dẫn dắt. Một chuyến tập huấn Châu Âu trị giá tiền tỉ, với hàng loạt các trận đấu cọ xát với những đối tượng mạnh và một khoản lương, thưởng nhất định qua nhiều ký kết hợp đồng tài trợ. Cầu thủ đi Thái Lan thi đấu thời điểm ấy không còn phải lo cái xe mang về hay giàn đầu máy kiếm lời như SEA Games 16 và 17.

Từ một nền bóng đá xin xỏ, từ một đội tuyển quốc gia phải ký các hợp đồng qua quen biết hơn là thương hiệu và từ các CLB phải năn nỉ đối tác để có thêm tiền…, bóng đá đã có một chỗ đứng nhất định.

Bóng đá Việt Nam sau những chiếc huy chương bạc và đồng trong khu vực, được sự quan tâm lớn lao của người hâm mộ, lại được xem là "con bò sữa". Và đã có 1.001 cái cách để khai thác quanh con bò ấy.

… đến kiếm tiền từ bóng đá

Sau khó khăn từ việc kiếm tiền cho bóng đá, để rồi bóng đá Việt Nam đã xác lập được thương hiệu, thì sự tồn tại giữa bóng đá và tiền lại phát triển theo hướng khác.

Nếu khoá I Ban Chấp hành LĐBĐVN ông Lê Thế Thọ phải đi xin Mạnh Thường Quân có được 2 triệu làm lộ phí cho ban chấp hành họp ở Nha Trang và người ta không đánh nhau vì tiền, thì khoá III, khoá IV lại xâu xé nhau nhiều ở cái mảng tài chính.

Bóng đá Việt Nam sau những chiếc huy chương bạc và đồng trong khu vực, được sự quan tâm lớn lao của người hâm mộ, lại được xem là "con bò sữa". Và đã có 1.001 cái cách để khai thác quanh con bò ấy.

Đại hội Ban chấp hành khoá V cũng phần lớn chịu ảnh hưởng theo cái xu hướng ấy. Nó ra đời trong hoàn cảnh bóng đá nước nhà đang rối ren sau khi trắng tay ở Tiger Cup và ông Trưởng ban Thanh tra tài chính chơi không lại với cái công ty con VFD của mình.

Chức vụ trưởng ban thanh tra nhiệm kỳ mới (cơ cấu làm phó chủ tịch) vì thế còn bỏ ngỏ, còn là cuộc chạy đua của những người mà người ta đang cân nhắc giữa tài, tầm và tâm. Nhưng chỉ một lời hứa sẽ có sáu tỉ cho chức vô địch SEA Games và 20.000USD cho mỗi cầu thủ vô địch, đã chuyển hướng lá phiếu sang cho người hứa - lại cũng là ông Trưởng ban tài chính nhiệm kỳ III - Lê Hùng Dũng.

Một chiến dịch vận động bắt đầu từ tiền, nhưng đó chưa phải là tất cả. Tệ hơn là tất cả đã chạy theo đồng tiền cho cái gọi là "bơm" tinh thần chiến đấu cho cầu thủ và lấp đi khoảng cách thua thiệt về chuyên môn.

Tiền đổ về vùng trũng cho bóng đá thật lớn và thật ngợp. Nó làm choáng cả Uỷ ban TDTT khi lở cả núi tiền xin Nhà nước làm kinh phí và cho cơ chế thưởng VĐV đoàn Việt Nam, nhưng bao nhiêu cũng chẳng thấm vào đâu khi nhìn sang bóng đá. Ngay đến các tuyển thủ nữ nhiều khi cũng tủi thân, dù họ xác định hai lần vô địch Đông Nam Á trước mình không có và không vì tiền, nhưng vẫn ấm ức.

Tiền có lúc đã được phủ xuống để che cả những xấu xa đang được bóc dần trong vụ án bóng đá, mà hai chiếc cúp LG và Agribank đã xoa dịu đi phần nào.

Một thời gian cực ngắn từ ngày ra mắt ban chấp hành mới, với số tiền vận động lên đến chục tỉ là một kỷ lục, nhưng cái khái niệm về tiền ấy đã làm mất đi sự cân bằng trong tinh thần, trạng thái và màu cờ sắc áo của chính các tuyển thủ. Họ bị phân tâm bởi những khoản thưởng được hứa hơn là ngày mai chúng ta bước ra sân với Malaysia ở bán kết và hơn cả cái đích cuối là chiếc huy chương vàng mà bóng đá Việt Nam đã chờ đợi suốt 46 năm.

Xét cho cùng thì cầu thủ cũng chỉ là nạn nhân của việc đồng tiền chảy vào bầu sữa bóng đá, mà họ chỉ là một phần nhỏ trong cái dịch vụ "được hưởng" từ những "dịch vụ" khai thác.

Lâu nay chẳng ai đánh đòn các cầu thủ hư hỏng cả, nhưng xét cho cùng thì những người kiếm tiền hoặc mang tiền về cho họ lại chưa bao giờ xứng đáng là những người bề trên, người thầy một cách đúng mực…

Ném tiền lên làm động lực cho cầu thủ đã là dở, để các cầu thủ phân tâm vì cho rằng chia chác tiền không rõ ràng và không giữ đúng lời hứa lại càng dở hơn.

Theo Nguyễn Nguyên
Lao động

MỚI - NÓNG
Phát hiện một tiệm vàng vi phạm
Phát hiện một tiệm vàng vi phạm
TPO - Cục Quản lý thị trường tỉnh Cà Mau vừa kiểm tra và phát hiện một doanh nghiệp treo biển hiệu tiệm vàng kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ là trang sức kim loại màu vàng (vàng nữ trang).