Ảnh minh họa. |
“Năng nhặt chặt bị” với mức lương Tiến sĩ
Không quá bất ngờ với mặt bằng lương chung của Tiến sĩ hiện nay, T.S X. (giảng dạy tại một trường Đại học trên địa bàn Hà Nội) cho biết: "Theo quy định của pháp luật về hệ số lương đối với tiến sĩ khởi điểm là hệ số 3.0. Đây là bậc lương của tiến sĩ khi làm trong các cơ quan nhà nước, nó sẽ thấp hơn nhiều với làm tư nhân ngoài. Tuy nhiên, khi đã xác định làm việc trong môi trường nhà nước và theo đuổi con đường học thuật, nghiên cứu, tôi buộc phải chấp nhận hưởng bậc lương, ngạch lương theo đúng quy định.
Ngoài lương cố định, tôi được nhận một khoản trợ cấp nhỏ và mức lương tăng thêm. Mức lương tăng thêm này còn phụ thuộc vào số giờ dạy thêm, độ hot của ngành, lượng sinh viên… nên mức lương tăng thêm của các giảng viên sẽ không giống nhau. Thậm chí, những người đã công tác lâu năm nếu không có số giờ dạy tăng thêm thì thu nhập cũng ở mức thấp".
Với tổng thu nhập dưới 10 triệu đồng/tháng, nhiều Tiến sĩ 'kêu trời' vì lương thấp trong bối cảnh vật giá ngày càng leo thang. So với mức sống ở các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM... Tiến sĩ chỉ có thể tiết kiệm chi tiêu và tối giản nhu cầu thì mới có thể trụ được.
Vẫn có Tiến sĩ thu nhập hơn 40 triệu đồng/tháng
Trao đổi thêm với Tiền Phong, Tiến sĩ T. Hải (giảng dạy ngành Hóa học) của một trường đại học top đầu cả nước cho biết: “Lương cố định của tôi cũng nhân theo hệ số chung: 3.0 x1,49. Riêng với ngôi trường tôi đang công tác đã tự chủ tài chính được gần 5 năm nay, giảng viên có thêm khoản lương tăng thêm (lương 2) phụ thuộc vào năng suất và số giờ giảng dạy. Môn học của tôi giảng dạy là môn học đại cương của khoa nên số tiết dạy nhiều hơn do lượng sinh viên đầu vào tương đối lớn. Trung bình, khoản lương 2 của tôi dao động từ 11 đến 15 triệu đồng/tháng và thay đổi theo kỳ.
Để cải thiện mức thu nhập tổng, tôi nhận thấy, một số tiến sĩ đã linh hoạt nhận thêm các đề tài nghiên cứu hay tư vấn chuyên môn cho doanh nghiệp. Cá nhân tôi cũng đang nhận thêm dự án nghiên cứu thời hạn 1 năm, mỗi tháng đem lại thu nhập khoảng 20 triệu đồng. Tuy nhiên, đây không phải con số bền vững, nó chỉ giới hạn theo thời gian của dự án”.
Tiến sĩ Việt ở nước ngoài lương bao nhiêu?
Chia sẻ thêm về thực hư thu nhập của Tiến sĩ thời đại 5.0, TS. Võ Đức Thắng (sinh năm 1987, hiện công tác tại Học viện Kỹ thuật, Trường Đại học Khoa học và Kỹ thuật Quốc lập Đài Loan) thông tin: “Bên Đài Loan, mức lương cơ bản của Tiến sĩ làm việc ở trường Đại học là khoảng gần 60 triệu đồng/tháng, lương sẽ tăng khoảng gần 1 triệu/ năm hoặc tùy theo chính sách tăng lương của chính phủ. Nếu được bổ nhiệm lên các vị trí Phó Giáo sư (Associate Professor) hay Giáo sư (Professor) thì lương sẽ có cấp nhảy bậc cao hơn. Ngoài ra, lương dành cho giảng viên dạy thí nghiệm thì sẽ thấp hơn nếu trường chỉ tuyển trình độ thạc sĩ cho các vị trí này.
Nếu tính mức cơ bản là bậc tiến sĩ mới tốt nghiệp làm việc ở vị trí Assistant Professor (trợ lý giáo sư) thì lương cũng không khác nhiều so với làm ở công ty bên ngoài, nhưng nếu tính thu nhập (cả tiền thưởng) thì có thể xem là thấp hơn nhiều. Làm ở trường thì tiền thưởng cố định theo quy định của chính phủ, khoảng 1.5 tháng lương, còn công ty bên ngoài thì tuỳ chính sách mỗi công ty.
Ngoài lương cơ bản, giảng viên cũng có thể nhận thêm một số nguồn lương khác như chủ nhiệm lớp cũng có lương thêm khoảng hơn 2 triệu/ tháng và tùy số lượng sinh viên lớp chủ nhiệm, với mỗi đề tài nghiên cứu thì cũng nhận được khoảng hơn 10 triệu đồng của Bộ Khoa học và Công nghệ”.
Ở một nước phát triển như Mỹ, mức lương cho Tiến sĩ cũng được đánh giá là thấp so với mặt bằng chung của quốc gia và thấp so với công sức học tập của Tiến sĩ. Cụ thể, anh Nguyễn Anh Hào (nghiên cứu sinh, giảng viên ngành Hóa học của Đại học Washington, Mỹ) cho hay: “Mức lương của Tiến sĩ phụ thuộc vào mức lương cơ bản của thành phố nên sẽ có nhiều chênh lệch. Ở thành phố Seattle, nếu có bằng tiến sĩ, làm giảng viên trường đại học, lương sẽ rơi vào khoảng $60.000/năm (gần 1,4 tỷ đồng). Với những Tiến sĩ chọn đi làm ở công ty thì lương sẽ rơi vào khoảng $150.000/năm (gần 3,5 tỷ đồng). Vì vậy, thường giảng viên sẽ là những người thích dạy hoặc có nghề tay trái”.
Nhận định một số nguyên nhân khách quan khiến nhiều người có bằng tiến sĩ ở nước ngoài về Việt Nam làm việc và “sốc” với mức lương hiện tại, anh Hào cho rằng:
“Có bằng tiến sĩ không có nghĩa là sẽ có nhiều cơ hội việc làm hơn, nên cơ bản xin việc ở nước ngoài vẫn khó. Ở Việt Nam, nghiên cứu khoa học vẫn chưa phát triển mạnh nên nhiều việc không yêu cầu bằng tiến sĩ (kiến thức chuyên sâu). Người học tiến sĩ thường chỉ chuyên một vài lĩnh vực nhỏ, nhưng thời gian và công sức bỏ vào lại rất nhiều, nên có nhiều trường hợp có bằng tiến sĩ nhưng thiếu kỹ năng cần thiết khi xin việc và làm việc.