Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết: Tinh thần điều chỉnh Quy chế đào tạo tiến sĩ lần này của Bộ GD&ĐT là siết chặt chất lượng, xem chất lượng là hàng đầu; thứ hai là phải phù hợp với hội nhập quốc tế. Cơ sở để triển khai là bám sát 2 Quyết định mà Thủ tướng vừa ban hành: Khung cơ cấu hệ thống và khung trình độ quốc gia.
Trong đó, khung cơ cấu hệ thống quy định tiến sĩ là nghiên cứu, thời gian đào tạo là 3-4 năm. Do trước đây không quy định tiến sĩ là nghiên cứu nên đề tài có thể không có gì mới, chỉ làm mấy thứ lặt vặt như thạc sĩ. Còn khung trình độ quốc gia quy định chuẩn đầu ra mà tiến sĩ phải đạt được như kiến thức, năng lực như thế nào...Như vậy trên cơ sở 2 văn bản này, quy chế sẽ bám sát để làm sao mục tiêu đào tạo, thời gian đào tạo đạt chuẩn đầu ra cho phù hợp.
Ngoại ngữ sẽ được quy định là chuẩn đầu vào
Vậy số lượng công trình công bố trên tạp chí có được quy định cứng trong quy chế sửa đổi lần này không, thưa ông?
Theo các chuyên gia đề xuất đề tài nghiên cứu của tiến sĩ phải có cái mới, điều này được thể hiện qua các bài báo hay những công trình và phải được đăng trên tạp chí quốc tế thì mới có giá trị. Do đó, quy định sắp tới sẽ yêu cầu các nghiên cứu sinh phải đăng bài báo trên tạp chí quốc tế. Còn nếu đăng trong nước thì phải bằng tiếng nước ngoài. Vì thực tế có những ngành đăng trên tạp chí nước ngoài rất khó.
Tức là sẽ có những tiêu chí riêng cho những ngành đặc thù?
Các chuyên gia đề xuất đề tài nghiên cứu của tiến sĩ phải có cái mới, điều này được thể hiện qua các bài báo hay những công trình và phải được đăng trên tạp chí quốc tế thì mới có giá trị.
Thứ trưởng GD&ĐT Bùi Văn Ga
Về bài báo đăng trên tạp chí nước ngoài, sẽ phân chia theo dải là từ thấp đến cao, đồng đều cho tất cả các lĩnh vực. Ngành khoa học tự nhiên đăng bài báo trên tạp chí nước ngoài thuận lợi hơn ngành khoa học xã hội, khối ngành kỹ thuật...sẽ có những quy định phù hợp với thực tế hơn. Bộ cũng đang chờ ý kiến phản biện của các ngành như nghệ thuật, khoa học tự nhiên, khoa học xã hội để tập hợp xây dựng quy định cho phù hợp.
Vậy còn trình độ ngoại ngữ sẽ được điều chỉnh ra sao, thưa ông?
Hiện nay chúng ta đang quy định chuẩn ngoại ngữ đầu ra của tiến sĩ. Như thế là không đúng mục tiêu. Thời gian tới, ngoại ngữ sẽ được quy định là chuẩn đầu vào. Tức là ngoại ngữ như công cụ để nghiên cứu sinh đọc sách, tìm tài liệu phục vụ đề tài nghiên cứu. Nhưng ngoại ngữ đối với nhà nghiên cứu không phải đánh giá bằng IELTS hay TOFLT mà đánh giá bằng năng lực thực tế của họ tức là đọc hiểu, trình bày báo cáo.
Tăng tự chủ cho cơ sở đào tạo
Thưa ông, Đề án đào tạo 20.000 tiến sĩ vào năm 2020 kết quả thế nào? Những thay đổi trong điều kiện đào tạo tiến sĩ có ảnh hưởng đến mục tiêu đặt ra không?
Thực ra đề án đào tạo 20.000 tiến sĩ được thực hiện bằng nhiều nguồn lực khác nhau không riêng nguồn lực nhà nước. Đến năm 2020 thì đạt mục tiêu đề ra. Vì vậy, việc ban hành Quy chế đào tạo tiến sĩ mới không ảnh hưởng đến mục tiêu đạt 2 vạn tiến sĩ vào năm 2020. Mục đích bây giờ là hạn chế số lượng, nâng cao chất lượng. Vì nguồn lực của chúng ta ít nên không thể đầu tư dàn trải. Hiện nay, nếu tính ra cả học phí và nhà nước hỗ trợ thì chi phí cho một nghiên cứu sinh một năm chỉ là 15 triệu đồng.
Mục tiêu sửa đổi quy chế lần này là siết chặt chất lượng thông qua quy định đầu vào của nghiên cứu sinh đồng thời tạo điều kiện mềm dẻo cho các cơ sở đào tạo. Các cơ sở có thể tuyển nghiên cứu sinh không theo đợt nữa mà bất cứ khi nào trường có tiền, có đề tài thì có thể “chào hàng” để tuyển nghiên cứu sinh. Ví dụ như các trường sẽ đưa lên mạng thông tin có đề tài A, nghiên cứu sinh nào đạt điều kiện tham gia nghiên cứu, sẽ được mỗi tháng bao tiền... Thông tin được công khai, nghiên cứu sinh nào đủ điều kiện sẽ đăng ký để trường tuyển chọn.
Hiện Bộ GD&ĐT đang giao quyền tự chủ cho các trường ĐH. Nút thắt về kinh phí đào tạo thấp sẽ được tháo gỡ như thế nào, thưa ông?
Hiện các trường tự chủ được thu cao hơn, có thể gấp 3 lần mức quy định. Nhưng vấn đề không trường nào dám thu kịch trần. Vì thu như thế, không có nghiên cứu sinh để đào tạo. Do đó, vẫn có sự hỗ trợ thêm của nhà nước. Thời gian tới, nhà nước không cấp kinh phí hỗ trợ theo “đầu” nghiên cứu sinh mà hỗ trợ cơ sở vật chất. Còn chi phí đào tạo phải đến từ các cơ quan có nhu cầu nghiên cứu, xã hội hóa, các nguồn khác. Ở các nước, kinh phí chủ yếu đến từ doanh nghiệp còn chúng ta lại rất hạn chế từ nguồn này.
Cảm ơn ông!