Tiền mất, bằng... tan

 Hùng (bên phải) cùng đồng bọn áo trắng chuyên cung cấp bằng giả cho người muốn mua
Hùng (bên phải) cùng đồng bọn áo trắng chuyên cung cấp bằng giả cho người muốn mua
TP - Nhiều người mua bằng cấp, chứng chỉ tiếng Anh quốc tế qua các đối tượng làm bằng giả ngậm quả đắng vì bị lừa. Trong khi đó, dịch vụ làm bằng giả các loại vẫn công khai mời chào tại TPHCM.

Mua bán công khai

Ngày 9/1, phóng viên có mặt ở quận Thủ Đức, TPHCM theo lời hẹn của Hùng, chủ nhân trang Facebook chuyên làm “Bằng cấp 3, trung cấp, đại học siêu rẻ”. Mới gặp, Hùng giới thiệu có thể làm được tất cả mọi bằng cấp, chứng chỉ, giấy tờ… theo nhu cầu của khách hàng ở tất cả tỉnh thành. “Nhiều người vì lý do này nọ không thể theo học để lấy bằng nên chúng tôi mở dịch vụ làm bằng để giúp họ có điều kiện kiếm cho mình một công việc tốt hơn, lương cao hơn, ổn định cuộc sống”- Hùng nói.

“Cả người mua lẫn người bán bằng, chứng chỉ giả là hành vi giả mạo giấy tờ, con dấu nên cả hai đều vi phạm pháp luật và có thể bị xử lý hành chính hoặc hình sự tùy theo mức độ vi phạm. Riêng đối với người sử dụng bằng giả, đặc biệt là cán bộ càng cao thì càng phải xử lý nghiêm vì nó làm ảnh hưởng đến cả quốc thể, danh dự của quốc gia…”.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu - Phó Chủ tịch

Hội Luật gia TPHCM

Chứng minh mình “làm ăn” uy tín, Hùng “nói xấu” các cơ sở làm bằng rao tràn lan trên mạng hiện nay. “Bạn hãy cẩn thận khi tiếp xúc với những nguồn giới thiệu làm bằng trên internet vì hay lừa đảo lắm”- Hùng cảnh báo. Hùng nói “cơ sở” làm bằng của mình gặp mặt khách giao dịch trực tiếp, không yêu cầu phải đặt cọc nên yên tâm không lo lừa đảo! “Sau khi cung cấp đầy đủ thông tin cho mình, 2 ngày sau nhận bằng. Nếu cần làm nhanh có thể lấy trong ngày. Các loại bằng có kèm theo bảng điểm và bảng công chứng, phôi thật tem thật, dấu giáp lai nổi và bao soi”, Hùng nói và cung cấp bảng giá: Bằng đại học chính quy, tại chức: 5,5 triệu đồng; Bằng đại học Quốc gia, đại học Bách khoa: 6 triệu đồng; Bằng cao đẳng: 4,5 triệu đồng… Khách hàng chỉ cần cung cấp các thông tin: Tên trường, ngành, hệ đào tạo, năm tốt nghiệp, 1 ảnh 3x4, 1 bản scan CMND, số điện thoại liên lạc và gửi qua email. “Bằng này là phôi thật, được lấy từ Trung Quốc nên yên tâm khi kiểm tra”, Hùng nói.

Trong khi đó, liên lạc với một số điện thoại 09384835... trên diễn đàn khác, giới thiệu nhận làm tất cả các loại bằng từ cấp 3 đến tiến sĩ, TOEIC…, chúng tôi được yêu cầu gửi thông tin qua email. Sau khi cung cấp thông tin cá nhân, loại bằng, ngành học và tên trường, người này gửi lại email cho phóng viên báo giá bằng cao đẳng là 4- 5 triệu đồng, đại học từ 6- 8 triệu đồng… đồng thời, yêu cầu chúng tôi đặt cọc trước 2 triệu đồng sau đó sẽ gửi scan bằng để xem mẫu. Nếu đồng ý, khi nào giao bằng sẽ giao luôn số tiền còn lại.

Trên cột điện ở đường Huỳnh Tấn Phát, quận 7, nhiều tờ giấy A4 dán lên cột với tên người làm bằng và điện thoại liên hệ kèm nội dung “nhận làm bằng đại học, thạc sĩ, tiến sĩ...”. Ngoài giá cả từ 10-20 triệu đồng cho các loại bằng, tờ quảng cáo còn khẳng định là “bằng thật, xin vào nhà nước không bị phát hiện” và “tuyển cộng tác viên làm bằng”.

Đe dọa người mua

Sau khi chuyển tiền đầy đủ, anh Lê Văn Nam, sinh viên hệ cao đẳng của một trường đại học ở quận 3, TPHCM vẫn không nhận được bằng, gọi lại thì máy không liên lạc được. Anh Nam mua bằng để bổ sung hồ sơ đi làm sớm. Liên lạc với một số điện thoại 0938483... người giới thiệu tên Minh yêu cầu anh Nam gửi thông tin cá nhân qua email. Sau khi có được thông tin, Minh báo giá bằng cao đẳng của anh Nam là 6 triệu đồng, đồng thời yêu cầu đặt cọc trước 2 triệu đồng, 3 ngày sau sẽ có bằng. Tin lời, anh Nam gửi 2 triệu đồng vào tài khoản được Minh yêu cầu tên Hồ Văn Thành, mở tại ngân hàng Sacombank.

Tiền mất, bằng... tan ảnh 1

Một trang web công khai mua bán bằng

Đến ngày thứ 3, Minh gọi cho anh Nam yêu cầu chuyển hết số tiền còn lại rồi mới giao bằng vì sợ bị công an theo dõi. Anh Nam chuyển tiếp số tiền còn lại vào tài khoản trên nhưng đợi mãi vẫn không thấy bằng đâu, gọi điện không liên lạc được, mới biết mình bị lừa. “Họ lừa bài bản lắm. Để tạo lòng tin với em, người này gọi cho em, hỏi em có phải Quang không, chiều đến trường lấy bằng nhưng em bảo không phải Quang thì họ nói xin lỗi anh nhầm máy, bằng em chưa xong”, anh Nam kể.

Nạn nhân khác là anh Trần Văn Khoa, vừa tốt nghiệp một trường đại học ở Hà Nội, đang muốn học lên cao học ở TPHCM nhưng chưa có chứng chỉ Ngoại ngữ quốc tế để được miễn thi ngoại ngữ chuyên ngành. Tương tự như trường hợp anh Nam, sau khi anh Khoa chuyển 3 triệu đồng mua chứng chỉ TOEIC, đối tượng lặn mất tăm cùng với số tiền. “Người tiếp cận làm bằng cho mình nhiệt tình lắm, họ hướng dẫn rất cụ thể. Rồi trên trang web của họ thông tin rất đầy đủ về giá cả, loại bằng và hứa hẹn đây là bằng phôi thật, nếu có sự cố họ sẽ bồi hoàn 70% giá trị của tấm bằng nên mình mới tin tưởng, ai ngờ bị lừa”, anh Khoa kể.

Anh Khoa còn uất ức hơn khi đối tượng trả lời qua email với giọng điệu đe dọa: Nếu muốn làm to chuyện thì mình công khai thông tin bạn cũng không khó. Còn số tài khoản của mình, bạn nghĩ mình lại dùng tên thật, giấy chứng minh thư thật và tài khoản thật để giao dịch những công việc nhạy cảm này à? Đôi lời nhắn gửi đến bạn, còn tùy bạn muốn làm gì thì làm. Nhưng hãy nghĩ đến lâu dài”. Sau khi biết mình bị lừa, anh Khoa đã thông báo đến đường dây nóng của công an TPHCM, tuy nhiên, đến nay vẫn chưa thấy kết quả gì?

MỚI - NÓNG