Tiền chảy đi đâu khi lãi suất giảm sâu?

Hiện gửi tiền vào ngân hàng vẫn là kênh đầu tư an toàn và có lãi suất thực dương
Hiện gửi tiền vào ngân hàng vẫn là kênh đầu tư an toàn và có lãi suất thực dương
Các ngân hàng đang mạnh tay giảm lãi suất để kích thích tín dụng cuối năm. Tuy nhiên, nhiều ngân hàng lo ngại, lãi suất xuống đáy sẽ khiến dòng tiền chảy ra khỏi ngân hàng. Trên thực tế, huy động vốn 11 tháng qua đã có dấu hiệu giảm so với cùng kỳ năm ngoái.

Đua nhau giảm lãi suất, tín dụng tăng khả quan

Đầu tuần này, Ngân hàng TMCP Ngoại thương (Vietcombank) đã thông báo giảm thêm lãi suất huy động. Hai tháng gần đây, hàng loạt ngân hàng đua nhau giảm lãi suất huy động và cho vay. Hiện lãi suất huy động kỳ hạn 1 tháng của nhiều ngân hàng chỉ còn 4%/năm, kỳ hạn 1 năm còn 6%/năm. Lãi suất cho vay cũng được nhiều ngân hàng giảm còn 7-8%/năm. Các chương trình cho vay với lãi suất ưu đãi chỉ 4,9%/năm được nhiều ngân hàng tung ra.

Việc lãi suất giảm của các ngân hàng là để đón “mùa tín dụng” cuối năm. Một nguyên nhân nữa khiến ngân hàng phải ồ ạt giảm lãi suất, theo TPBank, là các ngân hàng dư thừa thanh khoản, tăng trưởng huy động vốn cao hơn tăng trưởng tín dụng. 

 “Mặc dù tín dụng cuối năm có xu hướng tăng, nhưng các ngân hàng vẫn khá thận trọng, tốc độ tăng dư nợ vẫn chậm hơn tăng vốn huy động, thanh khoản trên thị trường cũng khá dồi dào. Trong bối cảnh đó, các ngân hàng buộc phải giảm lãi suất để giảm bớt chi phí vốn”, vị này cho biết.

Ông Nguyễn Tiến Đông, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, tính đến thời điểm này, tăng trưởng tín dụng của ngành ngân hàng là 11%. Dự báo cả năm đạt khoảng 13%.

Cũng theo đại diện Ngân hàng Nhà nước, tín dụng tăng trưởng mạnh cuối năm một phần do kinh tế có dấu hiệu phục hồi rõ nét hơn. Bên cạnh đó, nhu cầu vay vốn sản xuất và mua sắm cuối năm cũng tăng mạnh theo quy luật.   

Theo thông tin của phóng viên Báo Đầu tư, hiện có nhiều ngân hàng tăng trưởng tín dụng đạt, hoặc vượt mục tiêu đề ra. Đơn cử, năm nay, TPBank tăng trưởng tín dụng đạt khoảng 50%, VIB tăng trưởng tín dụng đạt 3%...

Việc ngân hàng tăng mạnh tín dụng cuối năm làm dấy lên lo ngại nguy cơ rủi ro vì nới lỏng tín dụng. Song trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, đại diện TPBank khẳng định, ngân hàng này đảm bảo siết chặt kiểm soát tín dụng, không phát sinh nợ xấu mới và thu hồi được khá nhiều nợ xấu cũ. Được biết, tỷ lệ nợ xấu của TPBank tại  thời điểm này là khoảng 2%.

Có lo tiền chảy khỏi hệ thống ngân hàng?

Theo dự báo mới đây của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, lạm phát cả năm 2014 ước khoảng 3%. Đây là cơ sở để lãi suất có thể giảm thêm. Tuy nhiên, các ngân hàng cho rằng, khả năng này khó xảy ra, bởi nếu lãi suất giảm quá sâu, sẽ gây ảnh hưởng tới dòng tiền chảy vào các ngân hàng.

Ông Lê Quang Trung, Phó tổng giám đốc VIB cho biết: “Năm 2015, lãi suất khó giảm sâu thêm nữa. Trong 11 tháng đầu năm nay, huy động vốn tăng 13,3%, tuy vẫn cao hơn tăng trưởng tín dụng, song đã giảm nhẹ so với cùng kỳ (năm 2013, huy động vốn tăng 15%). Với lãi suất như hiện nay, dòng tiền sẽ có xu hướng quay lại thị trường”.

Cùng quan điểm, lãnh đạo một ngân hàng TMCP khác cũng cho rằng, lãi suất hiện nay đã chạm đáy và rất có khả năng dòng tiền sẽ chảy ra khỏi ngân hàng, đầu tư vào các kênh khác như chứng khoán, bất động sản, ngoại tệ... “Dòng tiền “không thông minh” sẽ vẫn ở lại ngân hàng, song sẽ có một luồng tiền tháo chạy”, vị lãnh đạo này nhận định.

Tuy nhiên, bên cạnh sự lo lắng của một số ngân hàng, vẫn có nhiều ý kiến lạc quan. Trả lời phóng viên Báo Đầu tư, đại diện TPBank cho rằng, lãi suất huy động vẫn hấp dẫn và chưa có mối lo nào về huy động vốn.

“Hiện gửi tiền vào ngân hàng vẫn là kênh đầu tư an toàn và có lãi suất thực dương, các kênh đầu tư khác vẫn chưa thực sự an tâm và đủ hấp dẫn, do đó, các ngân hàng chưa có gì phải lo ngại về cạnh tranh huy động vốn. Tuy vậy, lãi suất đang ở mặt bằng rất thấp, không còn nhiều dư địa để giảm thêm, việc tín dụng tăng trưởng chậm không xuất phát từ nguyên nhân lãi suất”, vị đại diện TPBank nói.

Theo các chuyên gia, dù mặt bằng lãi suất huy động hiện khá thấp, song người dân đang thiếu kênh đầu tư do vàng, chứng khoán, ngoại tệ… đều đang tỏ ra kém hấp dẫn. Trong năm 2015, dù lãi suất huy động khó giảm sâu thêm, song với với mức chênh lệch lãi suất huy động - cho vay hiện nay, các ngân hàng hoàn toàn có thể giảm sâu thêm lãi suất cho vay, đặc biệt là ngân hàng quốc doanh, bởi giá vốn của các ngân hàng này rất rẻ, thấp hơn nhiều trần lãi suất huy động.

Theo Theo baodautu.vn
MỚI - NÓNG