> Mập mờ giá viện phí mới ở nhiều nơi
“BV Việt Pháp chỉ cách BV Bạch Mai một bức tường”, nhưng bên Việt Pháp chắc chắn không có chuyện phong bì, không phải giáo dục y đức gì nhiều, mà thái độ phục vụ khác hẳn. Lần này Bộ trưởng Tiến đã tỏ rõ quan điểm về vấn đề này “cái gốc là khó khăn quá, lương thấp quá, nếu BV công cứ sai sót là đuổi việc thì lấy ai làm việc?”, theo báo Tuổi Trẻ.
Đúng như Bộ trưởng ví dụ, cùng trên đất nước Việt Nam, cùng là bệnh nhân người Việt, lại chỉ cách nhau một bức tường, nhưng hai chất lượng phục vụ khác biệt. Dân ta gọi nôm na là “tiền nào của ấy”, tức trả tiền nhiều thì được phục vụ tốt, tiền ít thì phải chấp nhận, không có tiền chắc... khó sống.
Nhưng theo quan điểm của Bộ trưởng Tiến, “cái gốc là... lương thấp quá” thì chắc cần phải bàn. Cứ cho rằng, vào một ngày nào đó các bệnh viện công của ta cũng trả lương cao như BV Việt Pháp, thử hỏi chất lượng phục vụ bệnh nhân có đạt được tiêu chuẩn như họ ? Chắc hẳn khó có vị giám đốc BV nào dám khẳng định ngay tắp lự.
Phân tích kỹ hơn, hẳn chúng ta đều đồng ý rằng, cái gốc của vấn đề ở đây phải là con người, là khoa học về quản lý, là y đức và tính chuyên nghiệp về cả chuyên môn và thái độ phục vụ.
Đó là một quá trình lâu dài có định hướng rõ ràng, chứ bỗng chốc có tiền cũng không thể thay đổi ngay được.
Trên thực tế, nhiều bác sĩ làm việc ở BV công có phòng mạch tư, không ai nghèo cả, nếu không muốn nói là có thu nhập khủng, rất giàu. Xin Bộ trưởng Y tế hãy một lần thử cải trang làm bệnh nhân của họ ở hai thời điểm khác nhau (trong giờ và ngoài giờ), hai địa điểm khác nhau (BV công và phòng mạch tư) xem sao. Xin dám chắc rằng, sẽ có sự khác nhau không nhỏ về thái độ phục vụ.
Và hẳn Bộ trưởng cũng biết, nhiều vị trong số này đang là lãnh đạo cấp khoa, cấp viện tại các BV công, tức là đa số các nhân viên cấp dưới cứ “noi gương” họ mà làm.
Như vậy, không hẳn cứ lương cao, thu nhập cao là sẽ giải quyết được mọi vấn đề, nhất là chuyện y đức. Môi trường sống và làm việc, văn hóa và pháp luật tại nơi đó, sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hành vi mỗi con người.
Bằng chứng là người Việt mình ra nước ngoài, mấy ai dám chen ngang, mấy ai dám vượt đèn đỏ. Cuba là một nước nghèo hơn ta, song người viết bài đã tận mắt thấy một BV phong quang, sạch sẽ, phục vụ bệnh nhân rất chu đáo tại thủ đô Havana.
Còn tại nhiều nước phát triển như Anh, Đức, không hiếm bà con người Việt mình bên đó được khám chữa bệnh tận tình giữa lúc thất nghiệp, không một xu dính túi.
Rõ ràng, tiền bạc và y đức không phải mặc nhiên tỷ lệ thuận. Cái gốc vấn đề nằm ở chỗ khác...