Tiêm phòng đầy đủ vắc - xin Sởi - Rubella: Hiệu quả bảo vệ 95%

Tư vấn trực tuyến hiệu quả chiến dịch tiêm phòng sởi - rubella tại tòa soạn báo Tiền Phong. Ảnh: Như Ý.
Tư vấn trực tuyến hiệu quả chiến dịch tiêm phòng sởi - rubella tại tòa soạn báo Tiền Phong. Ảnh: Như Ý.
TP - Ngày 19/12, báo Tiền Phong phối hợp với Bộ Y tế tổ chức buổi giao lưu trực tuyến với chủ đề “Hiệu quả chiến dịch tiêm phòng vắc - xin Sởi - Rubella” nhằm tạo cầu nối giải đáp nội dung bạn đọc quan tâm.

Tại buổi giao lưu trực tuyến TS Nguyễn Văn Cường, Phó Ban điều hành Dự án Tiêm chủng mở rộng quốc gia (Bộ Y tế) cho biết, sau gần 3 tháng triển khai chiến dịch tiêm vắc-xin Sởi - Rubella có quy mô lớn nhất từ trước tới nay với khoảng 23 triệu trẻ em từ 1-14 tuổi trên toàn quốc, vấn đề chất lượng vắc-xin và an toàn tiêm chủng vẫn là mối quan tâm của nhiều người dân.

Bộ Y tế  khẳng định, vắc-xin Sởi- Rubella có hiệu quả bảo vệ tương đối cao, tới 95% sau khi tiêm đủ mũi. Đối với các trường hợp được chẩn đoán xác định mắc bệnh Sởi - Rubella thì không cần tiêm vắc-xin này. Tuy nhiên, nếu chỉ bị sốt phát ban nghi Sởi hoặc Rubella hoặc chưa chắc chắn bị các bệnh này thì việc tiêm vắc-xin Sởi-Rubella trong chiến dịch là cần thiết.

Trong tiêm chủng dịch vụ hiện chưa có vắc-xin Sởi - Rubella. Nếu trẻ nằm trong diện tiêm chủng thì tốt nhất trẻ cần được tiêm vắc-xin Sởi - Rubella miễn phí trong chiến dịch hiện đang được triển khai vì đây là cơ hội tốt giúp trẻ sớm được bảo vệ phòng bệnh Sởi và bệnh Rubella. Ths Nguyễn Xuân Tùng, Trưởng phòng Quản lý vắc xin và Xét nghiệm, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, nếu vì bất cứ lý do gì trẻ không được tiêm vắc-xin Sởi - Rubella trong chiến dịch thì gia đình có thể cho trẻ tiêm vắc-xin Sởi- Quai bị -Rubella dịch vụ (phải trả tiền) càng sớm càng tốt.

Theo TS Cường, trong chiến dịch này, tất cả các trẻ từ 1-14 tuổi trên toàn quốc sẽ được tiêm 1 mũi vắc-xin Sởi - Rubella không kể tiền sử tiêm chủng vắc-xin Sởi, Sởi - Rubella, Sởi - Quai bị - Rubella trước đó. Đối với những trẻ đã được tiêm các loại vắc-xin này trong vòng 1 tháng đến khi tổ chức triển khai sẽ hoãn tiêm và được tiêm bù vào các tháng kế tiếp. 

Trong quá trình triển khai đã ghi nhận một số trường hợp nhức đầu, lo lắng do tâm lý sợ tiêm của các em học sinh. Có một số ít có hội chứng rối loạn phân ly (ngất xỉu). Ths Tùng cho hay, hiện tượng này không phải là sốc sau tiêm chủng vắc-xin mà các triệu chứng này đã được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo. 

Để hạn chế xảy ra các trường hợp trên, ngành y tế đã phối hợp với nhà trường tổ chức các điểm tiêm chủng hợp lý như bố trí phòng chờ trước tiêm riêng biệt, phòng khám sàng lọc, phòng thực hiện tiêm chủng và theo dõi xử lý phản ứng sau tiêm, hướng dẫn phụ huynh cho trẻ ăn no trước khi đi học hoặc trước khi tiêm 30 phút. Ngoài ra, tạo môi trường thân thiện tại phòng tiêm như treo tranh ảnh, phim để thu hút sự tập trung của trẻ, giảm tâm lý lo sợ khi tiêm.

TS Cường cũng khuyến cáo, trẻ trước khi tiêm chủng 30 phút hoặc trước khi đến trường cần được ăn no hoặc uống nước đường để tránh hiện tượng bị đói hoặc hạ đường huyết. Sau khi tiêm chủng cần được theo dõi 30 phút tại các điểm chủng, sau đó tiếp tục hướng dẫn cô giáo chủ nhiệm, các bậc phụ huynh theo dõi, chăm sóc trẻ ở trường học và ở nhà trong vòng 24h để phát hiện sớm và xử trí kịp thời các trường hợp phản ứng sau tiêm.

MỚI - NÓNG