Kết quả tính đến ngày 25/11/2014 đã tiêm được hơn 9,5 triệu trẻ. Hầu hết các phản ứng sau tiêm ghi nhận được là những trường hợp phản ứng nhẹ, thông thường như sốt nhẹ, đau tại chỗ tiêm, các phản ứng này không phải xử lý gì và tự khỏi sau 2 - 3 ngày. Các điểm tiêm đều thực hiện nghiêm túc khám sàng lọc trước tiêm chủng, số hoãn tiêm, chống chỉ định chiếm 2% số đối tượng.
Dự án Tiêm chủng mở rộng quốc gia cũng đã phối hợp với Viện Quốc gia Kiểm định vắc-xin và Sinh phẩm y tế lấy mẫu vắc-xin ngẫu nhiên tại các điểm tiêm chủng của 8 tỉnh/thành phố. Kết quả kiểm định cho thấy tất cả các mẫu vắc-xin được kiểm tra ngẫu nhiên đều đạt chất lượng an toàn, vắc-xin được vận chuyển và bảo quản theo đúng quy định từ tuyến Trung ương đến các địa phương và đến điểm tiêm chủng.
TS Hiển cho biết thêm, trong tháng 11 và tháng 12, đợt 2 chiến dịch được tổ chức tại 63/63 tỉnh, thành phố. Đến nay đã có 37/63 tỉnh/thành phố triển khai hoạt động này. Đợt 3 chiến dịch sẽ được tổ chức trong tháng 1-2/2015. Đối tượng của đợt 2 và đợt 3 đa phần là học sinh tiểu học và trung học cơ sở. Đây là nhóm trẻ dễ bị ảnh hưởng tâm lý và có thể xảy ra tình trạng phản ứng tập thể lo sợ. Do vậy, cần có sự chỉ đạo thống nhất của các tuyến, sự phối hợp chặt chẽ giữa trạm y tế và trường học để truyền thông đầy đủ đến các em học sinh, các bậc phụ huynh trước khi triển khai tiêm chủng chiến dịch. Đồng thời, ngành y tế cũng đã hướng dẫn các địa phương bố trí điểm tiêm, phòng tiêm không quá đông. Nơi chờ tiêm chủng thoáng mát, giảm thời gian chờ đợi trước tiêm.
Phòng tiêm chủng được bố trí riêng biệt đảm bảo việc chuẩn bị vắc-xin, quá trình tiêm chủng không nằm trong tầm nhìn của các cháu đang chờ tiêm chủng và việc tiêm vắc-xin được thực hiện cho từng đối tượng tránh làm ảnh hưởng tới các đối tượng khác. Theo dõi các trẻ sau tiêm chủng cần được bố trí riêng tránh tập trung quá đông, gây căng thẳng cho trẻ được theo dõi, nên phối hợp với cô giáo quản lý học sinh. Cán bộ y tế cũng đã được tập huấn để xử trí đúng và kịp thời khi có phản ứng tâm lý.