Nhằm mục đích tạo cầu nối để giải đáp những nội dung mà bạn đọc quan tâm, Báo Tiền Phong tổ chức tọa đàm trực tuyến nhằm chia sẻ thông tin về chiến dịch tiêm phòng Sởi- Rubella cho trẻ từ 1-14 tuổi với chủ đề: “Hiệu quả chiến dịch tiêm phòng Sởi- Rubella”. Thời gian từ 9h30-11h30, ngày 19-12-2014.
Khách mời tham gia chương trình là các chuyên gia của Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) và Viện Vệ sinh Dịch tễ T.Ư, Chương trình Tiêm chủng mở rộng Quốc gia.
Buổi giao lưu trực tuyến bắt đầu
DANH SÁCH KHÁCH MỜI
-
Phó Ban điều hành Dự án Tiêm chủng mở rộng quốc gia
-
Trưởng phòng Quản lý vắc xin và Xét nghiệm, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế
Sau gần 3 tháng triển khai chiến dịch tiêm vắc xin sởi-rubella có quy mô lớn nhất từ trước tới nay với khoảng 23 triệu trẻ em từ 1-14 tuổi trên toàn quốc, vấn đề chất lượng vắc xin và an toàn tiêm chủng vẫn là mối quan tâm của nhiều người dân.
Nhằm mục đích tạo cầu nối để giải đáp những nội dung mà bạn đọc quan tâm, Báo Tiền Phong tổ chức tọa đàm trực tuyến nhằm chia sẻ thông tin về chiến dịch tiêm phòng Sởi - Rubella cho trẻ từ 1-14 tuổi với chủ đề: “Hiệu quả chiến dịch tiêm phòng Sởi - Rubella”. Thời gian từ 9h30-11h30, ngày 19/12.
Khách mời của chương trình gồm:
- Tiến sỹ Nguyễn Văn Cường, Phó Ban điều hành Dự án Tiêm chủng mở rộng quốc gia.
- ThS Nguyễn Xuân Tùng, Trưởng phòng Quản lý vắc xin và Xét nghiệm, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế.
Trân trọng mời bạn đọc đặt câu hỏi cho các chuyên gia xung quanh vấn đề này trên báo điện tử Tiền Phong.
- 1. Thời gian: Thứ sáu, ngày 19/12/2014 - 05:15
- 2. Địa điểm: Trụ sở Báo Tiền Phong
Trẻ nào được chống chỉ định hoặc hoãn tiêm vắc xin sởi – rubella?
Trẻ mắc bệnh AIDS, trẻ có phản ứng với bất cứ thành phần nào của vắc xin, trẻ có phản ứng mạnh với liều tiêm chủng vắc xin trước đó,... thuộc diện chống chỉ định đối với vắc xin sởi - rubella.
Những trẻ thuộc diện hoãn tiêm vắc xin sởi - rubella là trẻ đã tiêm vắc xin sởi, rubella, sởi - rubella hay sởi - quai bị - rubela (MMR) trong vòng một tháng,...
Trước khi tiêm chủng trẻ sẽ được cán bộ y tế khám sàng lọc để đưa ra chỉ định tiêm chủng, hoãn tiêm hay chống chỉ định đối với việc tiêm chủng vắc xin.
Cuộc giao lưu trực tuyến đến đây kết thúc. Trân trọng cảm ơn các vị khách mời và quý bạn đọc!
Xin hỏi chuyên gia, cho đến nay đã có bao nhiêu trẻ được tiêm phòng sởi -runella theo chương trình này? Có trường hợp nào xảy ra biến chứng nguy hiểm không? Làm cách nào để tránh tác dụng phụ có thể xảy ra sau khi tiêm vắc-xin?
Sau hơn 3 tháng triển khai chiến dịch tiêm vắc xin sởi - rubella cho trẻ từ 1 - 14 tuổi trong toàn quốc, đến nay đã có hơn 12 triệu trẻ được tiêm vắc xin này. Một vài trường hợp có phản ứng dị ứng mạnh với vắc xin sau tiêm chủng các trường hợp này đều được xử trí kịp thời và qua khỏi.
Trước khi tiêm chủng trẻ sẽ được cán bộ y tế khám sàng lọc để có chỉ định phù hợp. Gia đình trẻ cần thông báo cho cán bộ y tế biết về tình trạng sức khỏe và tiền sử tiêm chủng của trẻ.
Tính an toàn của vắc xin này ra sao, thưa các BS? Tôi nghe nói vắc xin có nguồn gốc Ấn Độ, được tài trợ miễn phí, nên tôi thấy không an tâm?
Vắc xin sởi - rubella hiện đang sử dụng tại Việt Nam do Viện Huyết thanh của Ấn Độ sản xuất. Vắc xin này được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thẩm định đáp ứng các yêu cầu bao gồm tính an toàn của vắc xin.
Vắc xin được WHO khuyến cáo các nước sử dụng trong tiêm chủng thường xuyên và tiêm chủng chiến dịch. Vắc xin sởi - rubella sử dụng trong chiến dịch 2014 - 2015 tại Việt Nam được Liên minh toàn cầu về vắc xin và tiêm chủng (GAVI) hỗ trợ thông qua việc cung ứng của Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF), sau hơn 3 tháng triển khai chiến dịch trên 12 triệu trẻ em đã được tiêm chủng vắc xin này.
Sau khi tiêm, những biểu hiện nào của trẻ là đáng lo ngại? Khi nào cần đưa trẻ đến trạm y tế để xử lý kịp thời?
Sau khi tiêm chủng, trẻ cần được theo dõi tại điểm tiêm chủng 30 phút và tiếp tục được theo dõi tại nhà 24 giờ sau đó. Sau tiêm chủng trẻ có thể có những phản ứng thông thường như đau tại chỗ tiêm, sốt nhẹ (dưới 38,5 độ C), các phản ứng khác như nổi hạch, đau khớp nhẹ hiếm gặp.
Đưa ngay trẻ tới bệnh viện hoặc các cơ sở y tế gần nhất nếu trẻ có một trong các dấu hiệu: Sốt cao trên 39 độ C; Co giật; Tím tái, khó thở; Phát ban; Có các biểu hiện bất thường khác về sức khỏe hoặc khi phản ứng thông thường kéo dài trên 1 ngày.
Nếu cha mẹ không yên tâm về sức khỏe của con mình sau khi tiêm chủng hãy trực tiếp đến gặp cán bộ y tế để được khám và tư vấn.
Các trẻ suy dinh dưỡng hay béo phì có lưu ý đặc biệt nào khi tiêm vắc xin?
Trẻ bị suy dinh dưỡng hoặc béo phì không thuộc diện chống chỉ định tiêm chủng, các cháu suy dinh dưỡng càng cần chủ động phòng bệnh hơn. Trẻ sẽ được cán bộ y tế khám sàng lọc trước khi được tiêm chủng để có chỉ định tiêm chủng thích hợp.
Có vắc xin sởi - rubella dịch vụ không, thưa các BS? Nếu có thì chất lượng có khác gì vắc xin tiêm chủng mở rộng không?
Vắc-xin này đã được kiểm định, cấp phép lưu hành tại Việt Nam, đảm bảo đúng quy định các lô vắc-xin khi nhập khẩu. Trước khi sử dụng đều được kiểm định chất lượng tại Viện kiểm định Quốc gia Vắc xin và Sinh phẩm y tế.
Vắc xin Sởi, Rubella được triển khai trong chương trình TCMR như thế nào?
Vắc xin sởi đã được triển khai trong chương trình tiêm chủng mở rộng cho trẻ em trong toàn quốc từ năm 1985. Vắc xin rubella được triển khai miễn phí trong chương trình tiêm chủng mở rộng dưới dạng vắc xin phối hợp sởi - rubella để phòng hai bệnh sởi - rubella cho trẻ từ 1 đến 14 tuổi trong toàn quốc năm 2014 - 2015.
Từ năm 2015 vắc xin sởi - rubella sẽ được sử dụng trong tiêm chủng thường xuyên cho trẻ em.
Miễn dịch sau tiêm vắc xin Sởi – Rubella có bền vững suốt đời không?
Cũng như các vắc xin khác, khi tiêm vắc xin sởi - rubella không có hiệu quả phòng bệnh 100%. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nếu tiêm tiêm một mũi vắc xin sởi - rubella sẽ có tác dụng bảo vệ khoảng 90 - 95%, nếu tiêm hai mũi vắc xin sẽ có tác dụng bảo vệ trên 95%.
Tiêm chủng vắc xin đúng lịch là cách tốt nhất để bảo vệ phòng bệnh cho trẻ.
Trẻ em 14 tuổi có được tiêm vắc xin sởi - rubella, nếu đi tiêm thì tại thời điểm này có bị chậm không?
Lịch tiêm vắc xin sởi cho trẻ em là lúc 9 tháng tuổi và 18 tháng tuổi. Hiện nay chiến dịch tiêm vắc xin sởi - rubella cho trẻ từ 1 đến 14 tuổi trong toàn quốc đang được triển khai. Cháu 14 tuổi thì gia đình cần cho cháu tiêm vắc xin sởi - rubella để phòng bệnh sởi và bệnh rubella.
Tôi có con trai 9 tuổi, đã từng tiêm vắc xin Sở - Rubella, nhưng do thông tin giữa gia đình với cơ sở y tế nơi cháu học chưa tốt nên mới đây y bác sĩ ở đây lại tiêm cho cháu mũi vắc xin Sởi - Rubella nữa. Xin hỏi như vậy có ảnh hưởng tới sức khỏe cháu sau này không? Cảm ơn
Trong chiến dịch này, tất cả các trẻ em từ 1-14 tuổi đều được tiêm một mũi vắc xin Sởi - Rubella không kể tiền sử tiêm chủng vắc xin Sởi, vắc xin Rubella,, vắc xin Sởi - quai bị - Rubella.
Đối với các trẻ đã được tiêm các vắc xin trên trong vòng 1 tháng đến khi tổ chức tiêm sẽ hoãn tiêm và được tiêm bù vào các tháng tiếp theo. Tuy nhiên, câu hỏi của bạn không rõ con bạn đã được tiêm vắc xin Sởi - Rubella được bao lâu, do vậy bạn đưa con đến cơ sở tiêm chủng để được tư vấn khám sàng lọc trước khi tiêm.
Trong trường hợp con bạn đã tiêm trước 1 tháng thì hoàn toàn thuộc diện tiêm chủng trong đợt này.
Vì sao vừa qua nhiều cháu tiêm vắc xin sởi- rubella lại bị ngất xỉu ở trường? Gia đình, nhà trường cần chuẩn bị những gì? xin các BS giải đáp.
Trong thời gian vừa qua khi tổ chức chiến dịch tiêm vắc xin sởi - rubella cho trẻ từ 1 đến 14 tuổi có xẩy ra hiện tượng đau đầu, mệt xỉu,... đối với một số học sinh khi tham gia tiêm chủng tại điểm tiêm trong nhà trường. Hiện tượng trên thường gặp ở nhóm trẻ lớn độ tuổi từ 10 - 14 tuổi. Đây là hiện tượng tâm lý tập thể có thể xảy ra đối với các cháu quá lo sợ khi tiêm chủng tác động đến tâm lý.
Gia đình và các thầy cô giáo cần chuẩn bị tâm lý tốt cho trẻ trước khi tiêm chủng, đồng thời phát hiện sớm và phối hợp với cán bộ y tế kịp thời giải thích động viên để các em yên tâm khi có hiện tượng phản ứng tâm lý xảy ra.
Vì sao đã tiến hành tập huấn nhưng vẫn có sai sót rất cơ bản như đã xảy ra với 60 trẻ tại điểm tiêm ở Đồng Tháp?
Vắc xin sởi - rubella bao gồm 2 thành phần là vắc xin đông khô dạng bột được đóng trong lọ riêng và dung môi dạng dung dịch được đóng trong một lọ khác. Khi sử dụng cần phải pha toàn bộ số dung môi trong lọ với vắc xin đông khô dạng bột. Trong số hàng vạn điểm tiêm chủng trên toàn quốc sự việc chỉ tiêm dung môi của vắc xin cho trẻ tại một điểm tiêm chủng ở Đồng Tháp là sự việc rất đáng tiếc.
Sự việc này đã được rút kinh nghiệm chấn chỉnh trong công tác thực hành tiêm chủng. Cho tới nay sau hơn 3 tháng triển khai chiến dịch hơn 12 triệu trẻ đã được tiêm vắc xin sởi - rubella Đồng Tháp là nơi duy nhất xảy ra việc đó.
Chiến dịch tiêm phòng sởi-rubella đến thời điểm này đã đạt kết quả thế nào, thưa ông?
Đến ngày 17/12/2014, tất cả các tỉnh, thành phố trên cả nước đã kết thúc đợt 1 của chiến dịch và đang triển khai đợt 2 chiến dịch tiêm chủng với trên 12 triệu trẻ được tiêm Sởi-Rubella. Tất cả các đối tượng hoãn tiêm đều được tiêm bù trong đợt 2. Trong quá trình triển khai đợt 1 đã ghi nhận một số ít các trường hợp có triệu chứng như nhức đầu, lo lắng do tâm lý sợ tiêm của các em. Các triệu chứng này đã được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo và có tỷ lệ thấp hơn theo thống kê của WHO.
Tiêm chủng vắc xin sởi - rubella thời điểm nào (độ tuổi nào) là hiệu quả và an toàn nhất?
Vắc xin sởi - rubella cần được tiêm chủng theo đúng lịch tiêm chủng được khuyến cáo của nhà sản xuất vắc xin và phù hợp với khuyến cáo của Bộ Y tế.
Trẻ từ 12 tháng tuổi trở lên nếu chưa được tiêm vắc xin theo lịch tiêm chủng thì cần được tiêm chủng vắc xin sởi - rubella để phòng bệnh cho trẻ. Cũng như các vắc xin khác vắc xin sởi - rubella là vắc xin an toàn. Trẻ sẽ được cán bộ y tế khám sàng lọc trước khi được tiêm chủng để có chỉ định thích hợp.
Có lưu ý gì về chế độ dinh dưỡng ngay trước và sau khi tiêm?
Trẻ trước khi tiêm chủng 30 phút hoặc trước khi đến trường cần được ăn no hoặc uống nước đường để tránh hiện tượng bị đói hoặc hạ đường huyết.
Sau khi tiêm chủng cần được theo dõi 30 phút tại các điểm chủng, sau đó tiếp tục hướng dẫn cô giáo chủ nhiệm, các bậc phụ huynh theo dõi, chăm sóc trẻ ở trường học và ở nhà trong vòng 24h để phát hiện sớm và xử trí kịp thời các trường hợp phản ứng sau tiêm.
Nếu bảo quản vắc xin sởi - rubella không đúng yêu cầu thì vắc xin này sẽ biến đổi như thế nào? Nếu tiêm cho trẻ vắc xin đó, tác hại như thế nào?
Vắc xin sởi - rubella cần được bảo quản ở 2 độ C đến 8 độ C. Nếu bảo quản vắc xin sởi - rubella không đúng yêu cầu thì sẽ ảnh hưởng tới chất lượng của vắc xin. Nếu tiêm vắc xin kém chất lượng đó cho trẻ thì khả năng phòng bệnh sau khi được tiêm vắc xin sẽ giảm.
Trên mỗi lọ vắc xin sởi - rubella đều có gắn chỉ thị nhiệt độ giúp cho việc nhận biết vắc xin có bị hỏng khi tiếp xúc với nhiệt độ cao trong quá trình bảo quản, vận chuyển hay không điều này giúp cho cán bộ y tế trong quá trình sử dụng đảm bảo chất lượng vắc xin trước khi tiêm chủng.
Tôi có con gái sinh năm 2005, lúc nhỏ cháu đã được tiêm vắc xin phòng sởi. Tuy nhiên, do thời gian đã lâu nên tôi không nhớ cháu đã được tiêm mũi sởi - rubella chưa. Nên tôi xin được hỏi các Bác sĩ, con gái tôi có nên tiêm mũi sởi - rubella tại thời điểm này không?
Cháu đã được 9 tuổi mà mới chỉ được tiêm một mũi vắc xin phòng bệnh sởi thì cần được tiêm vắc xin sởi - rubella. Hiện chiến dịch tiêm vắc xin sởi - rubella cho trẻ từ 1 đến 14 tuổi đang được triển khai trẻ toàn quốc gia đình cần liên hệ với cơ sở y tế gần nhất để cháu được tiêm vắc xin sởi - rubella miễn phí trong chiến dịch.
Vừa qua đã xảy ra một số trường hợp trẻ bị ngất xỉu sau tiêm tại điểm tiêm chủng trường học Xin chuyên gia giải thích hiện tượng này và cho biết giải pháp để hạn chế?.
Trong quá trình triển khai đã ghi nhận một số trường hợp nhức đầu, lo lắng do tâm lý sợ tiêm của các em học sinh. Có một số ít có hội chứng rối loạn phân ly (ngất xỉu). Phải khẳng định đây không phải là sốc sau tiêm chủng vắc xin mà các triệu chứng này đã được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo.
Để hạn chế xảy ra các trường hợp trên, ngành y tế đã phối hợp với nhà trường tổ chức các điểm tiêm chủng hợp lý như bố trí phòng chờ trước tiêm riêng biệt, phòng khám sàng lọc, phòng thực hiện tiêm chủng và theo dõi xử lý phản ứng sau tiêm, hướng dẫn phụ huynh cho trẻ ăn no trước khi đi học hoặc trước khi tiêm 30 phút. Ngoài ra, tạo môi trường thân thiện tại phòng tiêm như treo tranh ảnh, phim để thu hút sự tập trung của trẻ, giảm tâm lý lo sợ khi tiêm..
Nếu đã tiêm mũi 1 là sởi-quai bị-rubella (dịch vụ) có tiêm vắc xin sởi-rubella trong chiến dịch này không?
Trong chiến dịch này, tất cả các trẻ từ 1-14 tuổi trên toàn quốc sẽ được tiêm 1 mũi vắc-xin Sởi-Rubella không kể tiền sử tiêm chủng vắc-xin Sởi, Sởi-Rubella, Sởi-quai bị-Rubella trước đó. Đối với những trẻ đã được tiêm các loại vắc – xin này trong vòng 1 tháng đến khi tổ chức triển khai sẽ hoãn tiêm và được tiêm bù vào các tháng kế tiếp.
Như vậy, nếu đã tiêm 1 mũi Sởi-quai bị-rubella (dịch vụ) như bạn hỏi thì vẫn cần tiêm vắc – xin trong chiến dịch. Việc tiêm này không gây tác dụng phụ nào về sức khỏe của trẻ.
Nếu trẻ đã được tiêm chủng hai liều vắc xin sởi, có cần phải tiêm phòng vắc xin sởi - rubella nữa không?
Trong tiêm chủng dịch vụ hiện chưa có vắc xin sởi - rubella. Nếu trẻ nằm trong diện tiêm chủng thì tốt nhất trẻ cần được tiêm vắc xin sởi - rubella miễn phí trong chiến dịch hiện đang được triển khai vì đây là cơ hội tốt giúp trẻ sớm được bảo vệ phòng bệnh sởi và bệnh rubella.
Ngoài ra, nếu vì bất cứ lý do gì trẻ không được tiêm vắc xin sởi - rubella trong chiến dịch thì gia đình có thể cho trẻ tiêm vắc xin sởi - quai bị - rubella dịch vụ (phải trả tiền) càng sớm càng tốt.
Nếu trẻ đã được tiêm vắc xin sởi thì có thể trẻ sẽ có miễn dịch phòng bệnh sởi. Nếu trẻ được tiêm vắc xin sởi - rubella thì sẽ giúp trẻ phòng bệnh rubella và phòng bệnh sởi.
Nếu trẻ đã được tiêm chủng hai lần vắc xin sởi, thì trong chiến dịch tiêm vắc xin sởi - rubella hiện đang được triển khai trẻ cần được tiêm vắc xin sởi - rubella. Việc tiêm vắc xin sởi - rubella sẽ giúp trẻ phòng bệnh rubella và phòng bệnh sởi tốt hơn.
Có cách nào để biết trước là trẻ có dị ứng/phản ứng với vắc xin sắp được tiêm không, thưa các bác sĩ? Vì tôi thấy nhiều trường hợp có phản ứng sau tiêm thì được bộ y tế giải thích là do cơ địa quá mẫn, bác sĩ giải thích thêm cho tôi điều này.
Nếu trẻ bị dị ứng đối với bất cứ thành phần nào của của vắc xin hoặc có phản ứng mạnh khi tiêm vắc xin liều trước đó thì sẽ có thể có phản ứng đối với vắc xin sắp được tiêm.
Việc xác định các đối tượng sắp được tiêm vắc xin có phản ứng với liều tiêm vắc xin là rất khó. Không phải tất cả mọi người đều có phản ứng với các thành phần của vắc xin như nhau. Gia đình cần thông báo cho cán bộ y tế khi khám sàng lọc trước tiêm chủng về tiền sử dị ứng cũng như tiền sử phản ứng của trẻ.
Đồng thời sau tiêm chủng trẻ cần được theo dõi tại cơ sở tiêm chủng 30 phút và tiếp tục được theo dõi tại nhà trong vòng ngày đầu sau tiêm chủng để phát hiện sớm các biểu hiện bất thường và được xử trí kịp thời tại cơ sở y tế.
Có nên tiêm vắc xin đối với người đã từng mắc Sởi hoặc Rubella?
Vắc-xin Sởi – Rubella có hiệu quả bảo vệ tương đối cao tới 95% sau khi tiêm đủ mũi. Đối với các trường hợp được chuẩn đoán xác định mắc bệnh Sởi – Rubella thì không cần tiêm vắc xin này. Tuy nhiên, nếu chỉ bị sốt phát ban nghi Sởi hoặc Rubella hoặc chưa chắc chắn bị các bệnh này thì việc tiêm vắc-xin Sởi – Rubella trong chiến dịch là cần thiết.
Có thể tiêm vắc xin Sởi – Rubella đồng thời với các vắc xin khác không?
Vắc-xin Sởi và Rubella là vắc-xin sống, giảm độc lực gồm 2 kháng nguyên: Sởi và Rubella. Vắc-xin này an toàn và có thể tiêm đồng thời với vắc-xin khác không phải là dạng vắc-xin sống như viêm gan, viêm gan B, Vắc-xin uốn ván v.v… Đặc biệt, việc tiêm này không được trộn các loại Vắc-xin với nhau để tiêm và không được tiêm ở cùng một vị trí. Tuy nhiên, trẻ cần được đưa đến cơ sở tiêm chủng để được tư vấn trước khi tiêm.
Bà mẹ cần làm gì khi đưa trẻ đi tiêm vắc xin Sởi - Rubella?
Cũng như khi đưa trẻ đi tiêm chủng các loại vắc xin khác người mẹ cần nói với cán bộ y tế về tiền sử bệnh tật và tiền sử tiêm chủng của trẻ bao gồm tiền sử tiêm chủng vắc xin sởi, rubella nếu có.
Thông báo về tình trạng sức khoẻ của trẻ hiện tại và phối hợp với cán bộ y tế trong việc cung cấp thông tin trong quá trình khám sàng lọc trước tiêm chủng.
Khi đưa con đi tiêm chủng các bà mẹ nhớ mang theo giấy mời tiêm chủng và sổ hoặc phiếu tiêm chủng nếu có. Chú ý trong giấy mời có ghi rõ ngày giờ và địa điểm tiêm chủng.