Tiêm dịch vụ vắc-xin ngừa COVID-19: Tập trung nguồn lực công cho điều trị

0:00 / 0:00
0:00
Thành phố Móng Cái, Quảng Ninh tiêm vắc-xin cho cư dân biên giới Ảnh: Hoàng Dương
Thành phố Móng Cái, Quảng Ninh tiêm vắc-xin cho cư dân biên giới Ảnh: Hoàng Dương
TP - “Khâu tiêm chủng nên để cho hệ thống tiêm dịch vụ cùng triển khai, vì họ làm quen và đã có hệ thống tiêm chủng rồi, nên họ tổ chức sẽ bài bản. Còn nguồn lực chúng ta đang có tại hệ thống y tế cơ sở, các bệnh viện công thì tập trung vào khâu điều trị”, đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân (ảnh, đoàn TPHCM) trao đổi với phóng viên Tiền Phong.

+ Là một điểm nóng về dịch bệnh COVID-19, TPHCM đã kêu gọi thành phần tư nhân tham gia ra sao, thưa ông?

- Hiện tại ở TPHCM đã có bệnh viện tư nhân tham gia, chung sức điều trị dịch bệnh COVID-19. Hiện hệ thống bệnh viện tư nhân như Bệnh viện Việt Pháp, Đại học Y dược, rồi các trung tâm tiêm chủng như VNVC cũng đã hỗ trợ, tiêm vắc-xin cho người dân.

Với tiêm dịch vụ, để triển khai chủ trương này hiệu quả, theo tôi, cần huy động cả hệ thống công và tư. Còn với vắc-xin, hiện vẫn từ nguồn phân phối của Bộ Y tế. Khi các thành phần tư nhân tham gia tiêm chủng, đương nhiên người ta sẽ phải thu phí, nhưng chỉ với mức chi phí tối thiểu.

Các nguồn lực tư nhân họ đã có sẵn mạng lưới y tế, có cách làm linh hoạt nên thích ứng ngay với việc triển khai tiêm chủng này. Thực hiện xã hội hoá, để các nguồn lực tư nhân tham gia vào chiến dịch tiêm chủng trong bối cảnh cấp bách hiện nay là cần thiết. Lúc đó, ai có điều kiện, muốn tiêm dịch vụ thì đăng ký. Điều này cũng xuất phát từ tình hình thực tế, nhiều người cũng có nhu cầu được tiêm sớm nhưng lại chưa phải thành phần ưu tiên.

Tất nhiên, song song với tiêm dịch vụ, hệ thống nguồn lực công của chúng ta vẫn phải tiến hành đồng bộ. Qua đó, chúng ta vẫn tiêm cho các đối tượng ưu tiên, những người lớn tuổi, người có hoàn cảnh khó khăn, người có bệnh nền… Nói chung, y tế công vẫn duy trì hoạt động cùng với loại hình dịch vụ, ai có nguồn lực thì tham gia, và như vậy cũng không ai bị bỏ lại phía sau.

Tiêm dịch vụ vắc-xin ngừa COVID-19: Tập trung nguồn lực công cho điều trị ảnh 1

+ Theo ông, nếu áp dụng tiêm dịch vụ không chỉ đáp ứng nhu cầu thực tế, góp phần đẩy nhanh tiến độ miễn dịch cộng đồng, mà còn giúp giảm gánh nặng ngân sách nhà nước?

- Đúng vậy. Khi đã xã hội hóa, nguồn lực chúng ta đang có hiện nay tại hệ thống y tế cơ sở, bệnh viện công sẽ tập trung cho khâu điều trị. Còn khâu tiêm chủng nên để cho hệ thống tiêm dịch vụ cùng triển khai, vì họ làm quen rồi, tiêm chủng định kỳ hằng năm rồi, đã có hệ thống tiêm chủng rồi, nên họ tổ chức bài bản, chuyên nghiệp.

Trước đây, chúng ta lo nguồn vắc-xin. Bây giờ có vắc-xin rồi thì tiến hành tiêm cho dân càng sớm càng tốt. Tổng Bí thư đã có lời kêu gọi, Quốc hội đã có Nghị quyết, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện, giờ các địa phương phải tích cực triển khai. Theo tôi, chủ trương này rất phù hợp trong bối cảnh hiện nay.

+ Nhiều người vẫn còn tư tưởng chờ đợi loại vắc-xin họ thích để tiêm. Ông thấy sao về việc này?

- Tôi không rành lắm về chuyên môn nên không dám khẳng định vắc-xin loại nào tốt hơn loại nào. Nhưng cho dù là vắc-xin gì đi nữa, nếu đã được Bộ Y tế kiểm định, cấp phép thì cũng nên tiếp cận và tiêm càng sớm càng tốt. Dịch bệnh đang nghiêm trọng như vậy, càng tiêm sớm sẽ càng có lợi.

Tại TPHCM, hiện đang tiêm vắc-xin AstraZeneca, Moderna, Pfizer chứ chưa triển khai tiêm loại Sinopharm. Tiến độ tiêm vắc-xin ở TPHCM vẫn đang tốt. Điều quan trọng là khi tiêm phải thông tin rõ ràng, minh bạch và cho người dân coi rõ loại vắc-xin đó. Tiêm vắc-xin là tự nguyện, miễn phí, ai đồng ý mới tiêm. Vắc-xin phải được WHO (Tổ chức Y tế Thế giới) và Việt Nam cấp phép mới được triển khai tiêm.

Cảm ơn ông.

Giảm gánh nặng ngân sách

Lãnh đạo một doanh nghiệp chuyên nhập vắc-xin COVID-19 ở TPHCM cho rằng, việc cho doanh nghiệp, hệ thống y tế tư nhân tìm nguồn vắc-xin nhập về tiêm dịch vụ sẽ giảm áp lực cho hệ thống y tế công đang phải gồng mình; khi có y tế tư chia lửa, nhân viên bệnh viện công sẽ tập trung nhiều hơn cho điều trị và chăm sóc F0 tại nhà. Chuyên gia y tế Nguyễn Văn Tuấn cho rằng, muốn có độ phủ rộng vắc-xin để nhanh chóng đạt miễn dịch cộng đồng, cần thiết cho doanh nghiệp, bệnh viện nhập và tiêm vắc-xin dịch vụ.

“Nếu bệnh viện có nguồn để đàm phán nhập vắc-xin về, Nhà nước nên hỗ trợ thủ tục để hoàn thiện cấp phép, sau đó cho họ tiêm dịch vụ với giá được kê khai rõ ràng. Thái Lan đã làm điều này và họ thành công”, ông Tuấn nói với phóng viên Tiền Phong.

Ông Đặng Hồng Anh, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam vừa gửi đơn đến lãnh đạo TPHCM đề nghị lãnh đạo Thành ủy, UBND TPHCM tạo điều kiện phân bổ số lượng vắc-xin cho Hội.

“Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam sẽ kết hợp với VNVC cùng một số cơ sở y tế tư nhân triển khai tiêm vắc-xin phòng COVID-19 cho các doanh nghiệp thành viên của Hội tại TPHCM”, ông nói. Theo ông Hồng Anh, với công suất tiêm chủng khoảng 80.000 người/ngày, hệ thống của VNVC và một số cơ sở y tế tư nhân của Hội sẽ giúp đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng và giảm áp lực về nguồn nhân lực cũng như chi phí lên hệ thống y tế nhà nước.

Bà Nguyễn Thanh Mai, đại diện Bệnh viện FV, cho rằng, Bộ Y tế nên nghiên cứu phương án cho phép thu phí dịch vụ tiêm chủng. “Ngoài khoản chi rất lớn để trang bị hệ thống trữ lạnh âm sâu và kho lạnh hiện đại để bảo quản vắc-xin, bệnh viện còn phải trả lương cho y bác sĩ điều dưỡng và các chi phí cho các hoạt động phụ trợ…

Ngoài ra, khi tham gia tiêm chủng, bệnh viện sẽ phải dừng các hoạt động của một số bộ phận khác để điều chuyển nhân sự ưu tiên cho công tác tiêm chủng đang cấp bách. Việc thu phí là điều kiện cần thiết để bệnh viện cân đối ngân sách trong bối cảnh khó khăn chung”, bà Mai nói.

Lâm Trần- Vân Sơn

Đại diện Hệ thống tiêm chủng VNVC cho rằng, nếu hàng nghìn doanh nghiệp được phân bổ vắc-xin từ Nhà nước hoặc tự tìm được nguồn vắc-xin và họ được tự chọn cơ sở y tế tư nhân đủ điều kiện tiêm chủng cho người lao động, thì rất tốt. “Nếu có cơ chế này, Hệ thống VNVC tại TPHCM sẽ sẵn sàng tham gia, tổ chức tiêm chủng đến 21h hằng ngày. Mỗi ngày, chỉ tính riêng với các trung tâm tại TPHCM, hệ thống này sẽ tiêm vắc-xin COVID-19 cho khoảng 50.000 - 80.000”, đại diện VNVC nói.

MỚI - NÓNG