Tịch thu xe vi phạm giao thông: Khó thực thi

CSGT kiểm tra nồng độ cồn của lái xe. Ảnh: Hồng Vĩnh.
CSGT kiểm tra nồng độ cồn của lái xe. Ảnh: Hồng Vĩnh.
TP - Đó là khẳng định của Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật Bộ Tư pháp, Lê Hồng Sơn, khi trao đổi với PV Tiền Phong, xung quanh đề xuất của Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia về xử lý người vi phạm giao thông.

Phát sinh nhiều tình huống phức tạp

Chiều 5/3, ông Lê Hồng Sơn khẳng định, đồng ý chuyện vi phạm giao thông là vi phạm hành chính, có thể bị xử phạt, thậm chí phạt nặng, nhưng không có nghĩa đề xuất nội dung gì cũng có thể triển khai được. “Đây là câu chuyện đụng đến quyền sở hữu, chứ không thể đơn giản được. Việc họ trình lên Chính phủ thì cứ trình, song cơ quan có thẩm quyền chắc chắn sẽ cân nhắc, xem xét có đúng, phù hợp với pháp luật hiện hành cùng các yếu tố khác hay không” – ông Sơn nói.

Bổ sung ý kiến trên, luật sư Nguyễn Đức Toàn (Cty Luật Vimax Asia, Hà Nội) cho rằng, việc cơ quan chức năng ra quyết định tịch thu xe, ngay lập tức sẽ phát sinh đến các hệ thống pháp luật liên quan đến quan hệ sở hữu.

Ở góc độ tài sản, ô tô được xem là khối tài sản lớn, nên việc tịch thu chắc chắn sẽ có những tác động không nhỏ đến chủ sở hữu. Tất nhiên, vi phạm là bị xử lý, nhưng cũng cần xem xét đến tính tương xứng. Ở góc độ sở hữu, có hàng trăm các tình huống có thể xảy ra, gây tranh chấp hoặc phức tạp đối với quyết định tịch thu xe khi người điều khiển vượt quá nồng độ cồn cho phép.

“Tôi chỉ cần lấy ví dụ nhỏ thôi. Người bố có chiếc ô tô, nhưng người con mượn đi chơi. Người con đi ăn nhậu cùng bạn bè quá chén, rồi bị lực lượng chức năng tịch thu ô tô do vi phạm về nồng độ cồn. Vậy, liệu có xử lý được không? Tịch thu có thỏa đáng không?” - luật sư Toàn đặt câu hỏi.

Cùng quan điểm, luật sư Đào Liên (Cty Luật Tiền Phong, Hà Nội) khẳng định, sẽ nảy sinh nhiều tranh chấp, thậm chí là đơn thư khiếu kiện, khi cơ quan chức năng tịch thu xe. “Chỉ cần đặt giả thiết chiếc xe đó là tài sản chung của vợ chồng, khi một trong hai người đó vi phạm, nếu tịch thu, sẽ liên quan đến yếu tố đồng sở hữu. Như vậy, chắc chắn nảy sinh tranh chấp trong quá trình giải quyết vụ việc” - luật sư Liên giả thiết.

Luật đã có nhưng khó thực thi

Không đồng tình với nhóm ý kiến trên, luật sư Vi Văn A (Văn phòng luật sư số 7, Hà Nội) khẳng định, đối chiếu với hệ thống pháp luật hiện hành, nội dung đề xuất của Ủy ban ATGT Quốc gia, không phải không có cơ sở.

Theo luật sư Vi Văn A, nếu xét về nguyên tắc xử phạt, Điều 21 của Luật Xử lý vi phạm hành chính (năm 2012) đã nêu các hình thức xử phạt, có tịch thu tang vật vi phạm hành chính, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính. Hoặc, Điều 26 của Luật này cũng nêu: “Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính là việc sung vào ngân sách nhà nước vật, tiền, hàng hóa, phương tiện có liên quan trực tiếp đến vi phạm hành chính, được áp dụng đối với vi phạm hành chính nghiêm trọng do lỗi cố ý của cá nhân, tổ chức”. Cũng theo luật sư A, việc bán đấu giá các phương tiện vi phạm cũng đã được quy định rất cụ thể tại Điều 82 của Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Với những dẫn chứng nói trên, nhiều chuyên gia pháp lý đồng tình với quan điểm của luật sư A cho rằng, không có xung đột với hệ thống pháp luật nếu tịch thu phương tiện vi phạm, chỉ có điều trên thực tế lại rất khó triển khai.

“Việc xây dựng luật hay các chế định dưới luật cũng cần xem xét đến yếu tố thực tế, đạo đức và dư luận. Bởi đối với rất nhiều gia đình, chiếc xe máy hoặc ô tô là tài sản quá lớn với họ. Nếu chỉ vì những vi phạm giao thông mà tịch thu, cuộc sống của họ sẽ ra sao?” - luật sư Phạm Thanh Sơn (Văn phòng luật sư Nam Hà Nội) nêu vấn đề.

Theo luật sư Sơn, giải pháp tịch thu phương tiện được coi là “biện pháp mạnh” của nhà quản lý, mục đích để cho người vi phạm nhớ, sợ, từ đó sẽ giảm được các vụ TNGT. Ông Sơn cho rằng còn có những giải pháp khác, cũng có thể được xem đến và có hiệu quả tương tự, như tăng thời hạn giữ giấy phép lái xe, hoặc phạt thật nặng các trường hợp vi phạm…

Trả lời câu hỏi, liệu đề xuất của Ủy ban ATGT Quốc gia có đảm bảo tính nhân văn khi tịch thu xe của người vi phạm, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia cho rằng: Uống rượu bia đến mức không kiểm soát hành vi, gây nguy hiểm đến tính mạng bản thân người điều khiển phương tiện và người tham gia giao thông. Việc tăng nặng hình thức xử lý như tịch thu phương tiện mới là nhân văn. “Khi đề nghị Chính phủ, chúng tôi coi chiếc ô tô, xe máy đó là phương tiện vi phạm; không xem đó là tài sản có giá trị cao hay thấp. Ở Nhật Bản, với hành vi tương tự, người điều khiển, chủ xe, thậm chí người ngồi cùng xe đều bị phạt tù. Hình thức tịch thu phương tiện vẫn chưa phải là nặng so với các nước” – ông Hùng nói. 

Sỹ Lực

MỚI - NÓNG