Tia đất - Hóa giải hành vi thầy địa lý

Tia đất - Hóa giải hành vi thầy địa lý
TP - Kỹ sư Vũ Văn Bằng là người Việt Nam đầu tiên lập ra một doanh nghiệp đặc biệt, chuyên phát hiện tia đất và xử lý tia đất. Tia đất không nhìn thấy và gây lắm tai ương cho sức khỏe, mức độ cao nhất là ung thư.
Tia đất - Hóa giải hành vi thầy địa lý ảnh 1
Kỹ sư Vũ Văn Bằng đang đo tia đất tại km số 9 đường Pháp Vân – Cầu Giẽ. Ảnh: Phạm Yên

Ngày 20/1 tới, Viện Khoa học&Công nghệ Việt Nam (VASC) sẽ tổ chức nghiệm thu công trình hồ treo rộng 6.500 m2, dung tích 30.000 m3 trên núi đá xã Tả Lủng, Mèo Vạc trên núi đá ở tỉnh Hà Giang.

Tham gia báo cáo, có một nhà khoa học bình thường nhưng có một đóng góp không bình thường. Dùng kỹ thuật phát hiện cái gọi là Tia Đất.

Anh cùng các nhà khoa học thuộc các lĩnh vực khác tìm thấy một mỏ nước ngầm chơi vơi trên núi cao, “hóa giải kiếp nghìn năm khát nước” cho đồng bào.

Anh chính là người vừa vác máy đến đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, đoạn quốc lộ I qua Hà Nội và tỉnh Hà Tây, gây náo loạn dư luận với tuyên bố đoạn đường xảy ra nhiều tai nạn giao thông bí hiểm là do có tia đất.

KS Vũ Văn Bằng cũng là người Việt Nam đầu tiên lập ra một doanh nghiệp đặc biệt, chuyên phát hiện tia đất và xử lý tia đất.

Chiều hôm qua, 10/1, anh cùng chúng tôi trở lại hiện trường để tận thấy chiếc radar thủ công của anh quay tròn trong môi trường điện từ mạnh, nơi bảo từng xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông khó giải thích.

Hóa ra tia đất là thứ có khắp nơi. Oái oăm ở chỗ, nó là thứ không nhìn thấy và gây lắm tai ương cho sức khỏe, mức độ cao nhất là ung thư.

Oái oăm nữa, bao lâu nay, làm nghề phát hiện và khử thứ tia quái đản này lại là những nhân vật khoác cái tên không mấy dễ chịu: Thầy địa lý.

Dò tìm tia đất vốn là nghề rất phát đạt trong quá khứ ở nhiều quốc gia. Nhưng do có quá nhiều thầy địa lý rởm, gây nhiều tai họa không kém tia đất, một thời gian dài, chúng ta xa lánh đối tượng này và xa lánh luôn với hiện tượng vô hình kia đang tồn tại ngoài ý chí của chúng ta.

Ngược lại, thời gian qua, các nước Âu - Mỹ lại nghiên cứu rất kỹ những việc làm kỳ quái của các thầy địa lý (loại trừ những thầy rởm) và họ tìm ra nhiều điều thú vị.

Bác sĩ Hager thuộc Hội Khoa học Y tế Đức cùng với các đồng nghiệp Ba Lan tiến hành khảo sát nhà ở của 5.348 người chết vì bệnh ung thư ở thành phố Stettin, Ba Lan. Kết quả thật bất ngờ, hầu hết bệnh nhân ung thư từng sống và ngủ ở những nơi có tia đất rất mạnh.

Nước Đức coi trọng những phát hiện ấy đến mức họ đang thực hiện luật bổ sung về vấn đề mua bán nhà đất. Theo đó, người bán đất hay nhà ở khi làm thủ tục chuyển nhượng phải kèm theo chứng nhận ở đó không có tia đất độc hại.

KS Vũ Văn Bằng mở hẳn một Cty bên Ba Lan và làm ăn rất phát đạt dù bên đó có một doanh nghiệp của người bản địa, Cty Phong thủy Almaro, chuyên nghề này từ mươi năm trước.

Phong thủy - Dương trạch

Cuốn Earth Radiation (Phóng xạ Trái đất) của nhà dò tìm tia đất Katathe Bachler người Đức công bố mới đây cho thấy trên 11.000 giường ngủ của trên 3.000 nhà ở thuộc 14 nước khác nhau đều tồn tại tia đất.

Tác giả khẳng định tia đất có mặt ở khắp nơi và rất có hại.

Có nhà khoa học gọi tia đất là trường sinh địa, địa sinh học, ác xạ, sóng độc hại. Thậm chí có người gọi đó là trường địa điện từ.

Phát hiện và khử tia đất là việc chính của những người làm nghề với cụm từ dễ được chấp nhận hơn: Phong thủy. Khoa kiến trúc một số trường xây dựng hay trường kiến trúc mấy năm gần đây đưa hẳn môn này vào dạy cho sinh viên.

Đấy là chưa nói hàng đống sách về phong thủy do các cơ quan chính thống của Bộ Xây dựng viết bán đầy ở các quầy sách lớn. Nói thế để thấy xã hội ta đang dần “giải thiêng” cho cụm từ phong thủy nhạy cảm.

Điều đáng chú ý đầu tiên là nhiều người ở nước ta, khi nói đến phong thủy, thường chỉ chú ý đến âm trạch, tức phần huyệt mộ của người quá cố, mà không mấy để ý đến dương trạch, tức nơi cư trú của người sống.

Dân số tăng nhanh, đất đai làm nhà ngày càng ít, người ta càng có lý do để quên đi dương trạch.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia phong thủy, những vùng đất có tia đất mạnh hay còn gọi là đất xấu, tia đất đánh hẳn lên cả tầng trên của các toà chung cư chứ không chỉ đơn thuần tầng trệt.

Nắm vững lý luận phong thủy về dương trạch được xây dựng bởi chính người phương đông từ hàng nghìn năm trước, một số nhà khoa học nước ngoài mà người viết bài này có điều kiện tiếp xúc lại bảo Việt Nam có không ít nhà phong thủy tài ba.

Nghe kể về Thăng Long - Hà Nội, kinh đô bậc nhất của đế vương muôn đời, họ gọi Lý Thái Tổ, người quyết định dời đô từ Hoa Lư, Ninh Bình, cách đây gần 1.000 năm, là nhà phong thủy, nhà địa lý môi trường, đại tài.

“Tôi rất thích lý luận của các bậc tiên tri phương đông là vật kiến trúc phải hài hòa với tự nhiên” - Eva, chuyên gia báo chí Thụy Điển tấm tắc sau khi thăm một trang viên ở huyện Sóc Sơn, Hà Nội.

Vậy tia đất là gì? Hầu hết các nhà nghiên cứu về tia đất mới dừng ở mức xác định được sự hiện diện và mức độ ảnh hưởng của nó đến sức khỏe. Còn bản chất của tia đất vẫn bỏ ngỏ.

GS.TS Lugovenko, người Nga, cũng chỉ gọi đó là trường sinh địa và thừa nhận nguồn gốc của trường này hiện chưa rõ.

Cũng vì chưa hiểu rõ nên nhiều người vẫn thích dùng những tên “tiêu cực” như quỷ trạch, mũi tên thần bí, hung khí, ác khí, khí huyền bí, v.v...

Kinh nghiệm của các nhà địa chất cho thấy, tia đất thường xuất hiện ở vùng có các loại khoáng sản, nước ngầm, kể cả các dị thường nhân tạo như mồ mả, hài cốt dưới mặt đất.

Với chiếc “đũa thần” bằng kim loại và khung dây điện một chiều tự thiết kế, “thầy địa lý” Bằng và Cty mới một tuổi ở Việt Nam của anh đang hợp tác với Viện Địa chất, VASC, đi tìm tia đất và tìm mỏ nước ngầm ở vùng khô hạn.

Việc khác mà anh không muốn đưa lên báo vội là giúp nhiều gia đình xác định tia đất khi chọn đất làm nhà hoặc khi bố trí chỗ ngủ trong nhà để giảm thiểu tác hại của thứ sóng độc hại.

Dù thêm mấy “thầy địa lý” nữa đếm trên đầu ngón tay, chắc không phải là nhiều. Tia đất gần như là “mảnh đất hoang vu” chưa được mấy ai khai phá ở nước ta.

Một lần nữa chúng ta lại thực hiện công đoạn “chạy sau” so với các nước tiên tiến bất chấp tác hại tiềm ẩn của nó không hề thua kém các tác nhân gây bệnh khác.

MỚI - NÓNG