Sáng 12/12, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật và Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam phối hợp tổ chức “Diễn đàn Kinh tế Việt Nam qua nửa nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng”.
Phát biểu khai mạc, TS. Nguyễn Công Dũng, Tổng Biên tập Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam nêu rõ, trong quá trình lãnh đạo, Đảng ta luôn chú trọng gắn kết chặt chẽ giữa công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.
TS.Nguyễn Công Dũng, Tổng Biên tập Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam phát biểu khai mạc Diễn đàn. |
Từ Đại hội XIII của Đảng đến nay, dấu ấn lãnh đạo kinh tế của Đảng được ghi nhận và thể hiện thông qua cương lĩnh, chiến lược và văn kiện chính thức của Đại hội cũng như các Nghị quyết chuyên đề nhằm cụ thể hóa các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng đã đề ra.
Năm 2023, Ban Chấp hành Trung ương và Ban Chấp hành Đảng bộ các Tỉnh ủy, Thành ủy tổ chức sơ kết giữa nhiệm kỳ Đại hội Đảng các cấp giai đoạn 2020 - 2025. Đây là dịp nhằm đánh giá khách quan, toàn diện, thực chất kết quả đạt được, hạn chế, khuyết điểm qua nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII cũng như Đại hội Đảng các cấp.
Diễn đàn là dịp để lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương, các chuyên gia trao đổi, đánh giá việc phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng trong phát triển kinh tế đất nước, từ đó nâng cao hơn nữa nhận thức về vai trò của Đảng trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai các nhiệm vụ liên quan đến việc quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế nhanh và bền vững.
“Xử lý một vụ, cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực”
Phát biểu tham luận, Thượng tướng Lương Tam Quang, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII đến nay, Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an đã tập trung triển khai mạnh mẽ 6 hướng công tác.
Thứ nhất là chủ động tham mưu cụ thể hóa các chủ trương, quan điểm về bảo vệ an ninh quốc gia, triển khai quyết liệt các phương án, kế hoạch bảo đảm an ninh, trật tự để phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn, vô hiệu hóa âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch, các loại tội phạm gây xáo trộn, mất an toàn, tạo bất bình đẳng trong đầu tư, kinh doanh.
Thứ hai, chủ động tham mưu với Chính phủ các giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành trong đàm phán, ký kết và triển khai các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, vừa bảo đảm vững chắc an ninh quốc gia, vừa tạo động lực mới cho phát triển, mở rộng và đa dạng hóa thị trường.
Thứ ba, phối hợp xác minh tư cách pháp nhân, khả năng tài chính, trình độ công nghệ và năng lực thực hiện của các công ty nước ngoài có dự án hợp tác, đầu tư vào Việt Nam; thẩm định, đánh giá tác động về an ninh đối với các dự án đầu tư trong nước, dự án nước ngoài trọng điểm. Qua đó, tham mưu lựa chọn đối tác có năng lực tài chính, công nghệ cao và chủ động ngăn chặn kịp thời các đối tượng lợi dụng đầu tư để lừa đảo.
Thượng tướng Lương Tam Quang, Thứ trưởng Bộ Công an |
Thứ tư là tăng cường đấu tranh phòng, chống tội phạm. Thượng tướng Lương Tam Quang cho biết mỗi năm, công an triệt xóa hàng nghìn ổ nhóm tội phạm, trong đó có hàng trăm nhóm tội phạm nguy hiểm “núp bóng” công ty, doanh nghiệp hoạt động phạm tội; nhiều đường dây tội phạm liên quan đấu thầu, đấu giá và cổ phần hóa, trục lợi chính sách.
Theo ông Quang, từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay đã phát hiện, khởi tố điều tra nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng, thu hồi cho Nhà nước hàng trăm nghìn tỷ đồng.
Thứ năm, Bộ Công an đã chủ động, đi đầu trong thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, cung cấp 25/25 dịch vụ công thiết yếu liên quan đến người dân; phối hợp cung cấp 4.460 dịch vụ công trực tuyến trên cổng dịch vụ công quốc gia, góp phần cải cách tối đa thủ tục hành chính, giảm thiểu tiêu cực.
Thứ sáu, Bộ Công an tập trung xây dựng lực lượng Công an thực sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, bố trí 4 cấp Công an, trong đó Công an xã trực tiếp giải quyết các vấn đề liên quan doanh nghiệp, người dân ngay từ cơ sở.
Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, thời gian tới, lực lượng công an sẽ tiếp tục chủ động đánh giá, nhận diện, dự báo các loại tội phạm mới trên các lĩnh vực kinh tế trọng điểm để triển khai các giải pháp đấu tranh, xử lý, phòng ngừa, ngăn chặn.
Đặc biệt, lực lượng công an sẽ tiếp tục đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm tham nhũng, kinh tế; đấu tranh quyết liệt với các hành vi đầu cơ, găm hàng, thao túng thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản, các loại tội phạm hình sự, nhất là băng, nhóm tội phạm “núp bóng” doanh nghiệp hoạt động bảo kê, siết nợ, cưỡng đoạt tài sản…
Đồng thời tập trung phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm tham nhũng, tiêu cực, theo đúng phương châm “xử lý một vụ, cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực” gắn với tăng cường hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, xử lý nghiêm minh mọi hành vi vi phạm pháp luật ảnh hưởng tiêu cực đến cạnh tranh lành mạnh, góp phần tạo môi trường đầu tư, kinh doanh lành mạnh, bình đẳng…