THƯƠNG

TP - Trong một thế giới xô lệch ngập tràn biến động, các nhà văn trẻ đương nhiên không tránh được tâm trạng hoang mang, bi quan. Có người lặng lẽ rời xa những chủ đề lớn liên quan đến đời sống nhân quần, chìm sâu vào cái tôi cá nhân. Trong bối cảnh đó, Hoàng Ngọc Thanh vẫn hướng cái nhìn về phía những giá trị nhân văn ổn định vững chắc.

Phải nói thật, viết về những chủ đề như thế không hề dễ, vì nó hay bị sa vào minh hoạ, luận đề, thậm chí giả. Hoàng Ngọc Thanh tránh được cái bẫy này. Truyện ngắn của chị tươi tắn, thuyết phục bởi những chi tiết sống – như cuộc sống vẫn thế, cái gì chân thật, dung dị thì trường tồn.

Tác giả Hoàng Ngọc Thanh sống và làm việc ở Thành phố Đà Lạt.

Gió đập mạnh vào khung cửa. Tiếng kẽo kẹt vang vọng trong không gian tĩnh mịch khiến Thương choàng tỉnh. Đầu váng vất bởi kiểu chập chờn nửa thức nửa ngủ. Chị lo lắng sờ đầu Sa, đứa con gái bên cạnh. Nóng quá. Thương vội nhúng khăn ấm lau người cho con, cẩn thận từng li từng tí sợ làm đau đứa trẻ yếu ớt này. Bên kia vách, Hậu lắng tai nghe ngóng động tĩnh, thấp thỏm theo từng tiếng động của hai mẹ con.

Một tiếng trôi qua, Sa không bớt nóng mà có biểu hiện co giật. Hốt hoảng. Thương thay vội áo quần cho con, vơ ít đồ cần thiết, ôm con đi cấp cứu. Vừa mở cửa đã thấy Hậu dắt xe đứng đó. “Lên xe anh chở cho kịp”.

Chiếc xe cũ kĩ dốc sức lao đi, xé toang màn đêm thành hai mảnh. “Sắp tới bệnh viện rồi, không sao đâu”. Giọng Hậu vang lên. Thương khẽ gật đầu. Sực nhớ ra mình ngồi sau bèn cất tiếng “Dạ”. Khi nguy cấp có Hậu bên cạnh, Thương cảm thấy an tâm hơn nhiều.

Đến bệnh viện, Thương bồn chồn nhìn bác sĩ bận rộn bên trong. Ngày hè mà cả người chị lạnh toát vì lo lắng. Hậu đặt tay lên vai Thương, truyền cho chị chút hơi ấm.

Thương nhớ như in bàn tay to ấm ấy. Bàn tay đã chìa ra kéo chị, lúc ngã bên đường. Hàng hoá văng tung toé, chiếc xe đè lên chân khiến Thương không đứng lên được. Người người vội vã lướt qua, chỉ có Hậu dừng lại, kéo chị dậy, đưa vào lề. Hậu len lỏi giữa dòng xe tấp nập, nhặt từng món hàng vương vãi giúp Thương. Chân chị đau không đi được. Hậu gửi xe, chở Thương đi giao hết số hàng mới đưa chị về nhà. Anh đến hiệu thuốc tây mua thuốc. Còn chu đáo mua thêm phần ăn tối, sợ Thương đi lại không tiện.

Những ngày sau đó, Hậu thường ghé thăm, xem Thương đỡ chưa. Lần nào đến không mang thức ăn thì đem trái cây. “Trên đường đi thấy ngon, mua ủng hộ”. Anh vừa nói vừa đưa túi lớn túi nhỏ cho chị.

Một ngày nọ, Hậu cùng mẹ anh chuyển đồ đến căn phòng trọ sát vách. Trước ánh mắt ngạc nhiên của Thương, Hậu tỉnh queo. “Giờ mình là hàng xóm”.

Gia đình Hậu nghèo khó, anh nghỉ học sớm đi làm, vừa nuôi mẹ già bệnh tật, vừa lo cho hai đứa em ăn học ở xa. Anh luôn vui vẻ, nhiệt tình giúp đỡ mọi người, không nề hà việc gì. Mẹ anh hiền hậu thương người. Bà thấy Thương đơn chiếc, thường bảo ban cách nuôi con nhỏ, giúp chăm bé khi chị bận rộn, có món ngon đều dành phần cho hai mẹ con. Hậu thì giúp Thương từ việc lớn đến việc nhỏ. Gần một năm qua Hậu luôn có mặt cùng Thương trong những tình huống cấp bách.

Thương biết Hậu có ý với chị, mới dành sự quan tâm đặc biệt cho hai mẹ con như thế. Nghĩ mình không thể đáp lại, Thương đành vờ như không biết, không hay.

Qua vài hôm Sa khỏi bệnh. Thương tất bật thu dọn cho con về nhà. Cảm giác Hậu cứ nhìn mình, chị quay sang. Anh ấp úng mãi mới thốt nên câu. “Thương! Để anh chăm sóc hai mẹ con em”.

Thương bối rối, định mở miệng từ chối. Hậu liền cất tiếng. “Em không cần trả lời anh ngay. Anh chờ đến khi em mở lòng”.

Hậu nói vậy, Thương chỉ biết gật đầu, gượng cười che giấu tâm trạng ngổn ngang của mình.

Từ lâu Thương đã quen với cuộc sống cô độc, một mình xoay xở, một mình chịu đựng. Bỗng nhận được sự quan tâm của Hậu, Thương nghe tâm tình mình xao xuyến, ngóng trông. Ngày qua ngày, Thương biết lòng mình có anh. Những lúc cô đơn mệt mỏi, Thương nghĩ, hay mình góp gạo nấu cơm chung, cùng Hậu xây dựng một gia đình bình dị mà ấm áp…

Tiếng thạch sùng tặc lưỡi, nghe có chút thê lương. Phải chăng nó đang tiếc nuối vì bỏ lỡ điều gì. Còn Thương, nếu bỏ qua tâm tình của Hậu, bỏ qua mơ ước về một gia đình mình hằng khao khát, liệu chị có hối tiếc. Nhưng về chung một nhà, con anh con em, ban đầu tốt đẹp, sau đó ê chề. Thương sợ. Sợ con tim nhận thêm vết sẹo, lại lần nữa đau, như chim sảy chân sợ cành cong không dám đậu.

***

Mối tình đầu của Thương không lãng mạn như bao người khác. Hai con người đồng cảnh ngộ đến với nhau. Mỗi người tự mình dành dụm, định vài năm tích góp được chút đỉnh thì về chung một nhà. Mọi việc sẽ như kế hoạch, nếu không có sự xuất hiện của Sa.

“Thương! Nếu em nhất quyết giữ đứa bé. Thì anh và em chấm dứt”.

“Em sẽ lo cho nó. Anh không phải bận tâm gì cả”.

“Nhưng anh không thể làm cha của một đứa trẻ ốm đau quặt quẹo như thế”.

Thương nghẹn ngào nhìn Tuấn, mong tìm chút đồng cảm, chút tình thương nào đó được che giấu. Nhưng không. Thương chỉ thấy sự lạnh lùng kiên quyết trong đôi mắt anh.

Mặt Sa ửng hồng vì sốt. Hai tay bé tí huơ huơ muốn tìm chút hơi ấm. Đôi mắt lay láy nhìn Thương, như chờ đợi, như van nài. Hít một hơi thật sâu. Thương nhìn Tuấn, kiên định. “Em không bỏ nó được”.

Tuấn sửng sốt, không tin vào chọn lựa của Thương. Tuấn im lặng nhìn chị một lúc lâu, chờ chị đổi ý. Thật lâu sau chỉ nghe tiếng khóc oa oa cùng lời ru hời hoà quyện vào nhau.

“Sáng mai anh rời khỏi đây. Em giao nó cho mái ấm, đi cùng anh”. Tuấn để lại câu nói trước khi cất bước.

Đêm đó, Thương thức trắng, hoang mang đứng trước ngã rẽ cuộc đời. Xây dựng gia đình cùng người yêu ba năm nay, hay một mình làm mẹ đứa trẻ đỏ hỏn đầy bệnh tật. Thương nhớ lại quãng thời gian dài đăng đẳng mình ở mái ấm, nhớ cảm giác thắc thỏm trông ngóng mẹ cha đến tìm, nhớ giọt nước mắt tủi thân nhìn những đứa trẻ đầy đủ tình thương, nhớ những lần u đầu mẻ trán vì tranh nhau viên kẹo…

Thương ngồi im, nhìn nắng sớm len lỏi vào phòng, báo hiệu ngày mới bắt đầu. Giọt nắng chuyển từ mỏng manh sang gay gắt. Chị đếm nhịp tích tắc của đồng hồ, như bài ca tiễn biệt tình yêu đầu đời của mình.

***

Tuấn “giữ lời hứa”, không tin tức gì. Thương chật vật nuôi Sa, cùng con chiến đấu với bệnh tật. Trước đây Thương đi may cho công ty, sau giờ làm nhận giao đồ đến khuya, tiền bạc dù không dư dả cũng có đồng ra đồng vào. Từ khi có Sa, bao nhiêu chi phí, tã sữa, áo quần, đau bệnh. Đã thế Thương ôm con nhỏ không thể đi làm, chỉ nhận đồ về may ở nhà và làm thêm đồ ăn bán qua mạng. Mỗi lần con đau ốm hay đến hạn đóng tiền nhà, Thương chạy vạy vay mượn, đắp đổi qua ngày từ từ trả.

Sa ốm đau từ lúc lọt lòng. Viêm phổi, nôn ói, khó thở như cơm bữa. Thương ôm con đi bệnh viện đến mòn chân, quen mặt hết thảy y tá bác sĩ khoa nhi và khoa cấp cứu. Lần nào Sa bệnh, Thương đều căng như dây đàn, sợ con không qua khỏi, sợ sinh mệnh bé bỏng ấy rời bỏ mình. Một mình nuôi con đã khó, nuôi đứa trẻ bệnh tật liên miên khó gấp bội. Những đêm thức trắng chăm con, cùng những căng thẳng lo chuyện tiền nong khiến Thương tiều tụy.

Những ngày con không bệnh cũng không dễ dàng. Sa khó ngủ, Thương ẵm trên tay, ấp trên người mới giúp con yên giấc. Chỉ cần đặt xuống là Sa giật mình khóc ré lên. Nhiều đêm Thương ngủ gật vẫn không dám rời con. Thậm chí đi vệ sinh phải bế con đi cùng.

Tiếng chim líu ríu, kéo Thương khỏi hồi ức. Thấy bóng Hậu ngoài sân, Sa lững chững chạy ra đòi bế. Hậu một tay bế Sa, một tay xách phần ăn sáng, đi vô nhà. “Anh mua gà hầm thuốc bắc, cho con bồi dưỡng”.

“Sa ăn ít, anh để tí cho bé rồi đem về cho bác dùng”.

“Anh có phần cho mẹ rồi, cái này của hai mẹ con em”.

Không đợi phản ứng của Thương, Hậu thuần thục xé nhỏ gà, đút cho Sa ăn. Con bé cũng lạ, mẹ đút cho không nuốt, Hậu đút thì nuốt lấy nuốt để. Hậu cười khoái chí. “Nó thích anh”.

Sa suy dinh dưỡng, lên ba mà trông nhỏ choắt như mới tròn tuổi. Gần đây Sa có tiến triển, ăn uống được, Thương hết sức vui mừng.

***

Sa quấn mẹ, không chịu gửi hàng xóm. Với lại gửi hoài Thương thấy ngại, hai mẹ con chở nhau đi giao hàng. Tuy cực mà vui. Sa đang bi bô tập nói, trên đường líu lo giúp Thương quên mệt nhọc.

THƯƠNG ảnh 1

Minh họa: Hiệp Nguyễn

“Chiều nay giao hàng xong, mẹ cho con đi ăn gà rán”. Thương thì thầm với con khi chờ đèn.

Rầm.

Chiếc xe vượt đèn đỏ đâm vào hai mẹ con. Thương choáng váng. Sa văng ra bất động. Không để ý đến vết thương của mình. Thương run rẩy gào khóc nhờ người đi đường đưa con đi cấp cứu. Trên đường chị sợ hãi gọi Hậu. Anh bỏ việc, chạy vội đến cùng hai mẹ con.

“Bé ngất vì chấn động, không bị thương nghiêm trọng”. Bác sĩ nói.

Thương và Hậu cùng thở phào.

“Nhưng chúng tôi phát hiện bé bị bệnh tim bẩm sinh. Nên phẫu thuật sớm, để lâu sẽ nguy hiểm. Gia đình cần chuẩn bị chi phí”.

Thương mềm nhũn ngồi phịch xuống sàn. Chị lấy đâu ra tiền cứu con. Số tiền lớn như vậy, biết vay mượn ai.

Hậu nắm tay Thương. Tay chị lạnh buốt. Bất lực vì túng thiếu, sợ hãi mất con, khiến Thương ngã quỵ.

Sa xuất viện chờ ngày phẫu thuật. Thương ôm con về nhà, nước mắt rơi mãi khi nghĩ đến bệnh tình của đứa con tội nghiệp. Mấy ngày liền, không thấy bóng dáng Hậu đâu. Thương không còn tâm trí mà để ý. Hơn tháng sau vẫn không thấy Hậu cùng mẹ anh. Thương mỉm cười chua chát, có lẽ gia đình họ đã chuyển đi nơi khác.

***

Một sáng, Thương chuẩn bị chở con đi giao hàng, thì Hậu và mẹ đi vô, tay xách nách mang, có vẻ vừa từ quê lên. Chị mỉm cười chào hỏi, vội đi cho kịp.

“Thương! Vô nhà nói chuyện chút đi em”.

Thương tần ngần. Chị không biết anh muốn nói gì. Mẹ Hậu mỉm cười bước tới. Thương đành dắt Sa trở vô nhà.

“Anh có tiền cho Sa phẫu thuật rồi”.

Thương ngước lên nhìn Hậu, ngẫm nghĩ những lời anh vừa nói, chưa hiểu rõ nội dung.

“Vừa qua anh về quê, nhờ người bán phần đất của ba để lại. Giờ có tiền cho Sa rồi”.

Hậu nói cặn kẽ. Thương nhìn mẹ Hậu, bà mỉm cười gật đầu. Chị quá ngạc nhiên trước tin này. Thương biết gia cảnh của Hậu, phần đất đó là tài sản duy nhất của anh. Chị dùng số tiền đó, thật không phải.

Biết Thương băn khoăn. Mẹ Hậu lên tiếng. “Hậu nó đã quyết, bác ủng hộ. Tiền bạc từ từ kiếm lại. Cứu mạng con Sa quan trọng hơn”.

Thương rơi nước mắt, chị quá đỗi vui mừng. Thật không ngờ Hậu dốc cả gia tài, dốc cả lòng mình cho mẹ con chị như vậy. Thương mong có phép màu, chỉ không ngờ ông bụt lại chính là gia đình Hậu.

“Em sẽ cố gắng trả dần cho anh”.

“Em nói vậy là anh giận đó. Đây là anh cho Sa. Thôi mau thu xếp, mai anh đưa hai mẹ con lên bệnh viện”.

Niềm cảm kích dâng trào, Thương ôm chầm Hậu và mẹ anh. Sa thấy vậy cũng lạch bạch chạy đến níu chân. Những giọt nước mắt ấm áp rơi xuống.

***

“Bé thuộc nhóm máu hiếm. Đề phòng thiếu máu trong quá trình phẫu thuật, người nhà làm xét nghiệm để sẵn sàng hiến máu”. Bác sĩ nói với Thương sau khi kiểm tra cho Sa.

Thương lơ ngơ không phản ứng. Hậu nghĩ Thương chưa nghe rõ, dạ với bác sĩ rồi quay sang nhắc. “Em vô xét nghiệm máu đi”.

Thương vô phòng lấy máu.

“Máu của chị và bé không tương thích”.

Thương tái xanh mặt. Phải làm sao đây?

“Để tôi xét nghiệm thử”. Hậu nghe vậy lật đật nói với y tá.

Kết quả không dùng được.

“Biết là khó. Nhưng em thử liên lạc với người thân của Sa xem có được không”. Hậu dè dặt nói với Thương, sợ chạm vào nỗi đau của chị.

Thương cắn môi. “Sa không có người thân nào khác”.

Hậu định nói tiếp, ngập ngừng lựa lời. Biết Hậu nghĩ gì, Thương thở hắt ra. “Sa không phải con ruột em”.

Hậu thảng thốt nhìn Thương, cố tiêu hoá thông tin vừa nghe được.

Cô y tá hiểu ra vấn đề. “Để tôi liên hệ ngân hàng máu. Chắc lùi vài ngày. Phẫu thuật được, anh chị yên tâm”.

Thương nhẹ nhõm. Quay sang nhìn Hậu còn đang ngơ ngác. Thương bồi hồi kể lại.

Ba năm trước. Buổi chiều trễ giờ giao hàng, em đi tắt qua bãi rác. Nghe tiếng khóc rất nhỏ. Đi về phía phát ra âm thanh, em thấy có gì đó đang ngọ nguậy trong chiếc giỏ. Một đứa trẻ mới sinh nhỏ bằng nắm tay bị bỏ rơi, tím tái. Em vội đưa bé đến bệnh viện. Bác sĩ nói nếu trễ vài tiếng sẽ không cứu được. Hơn tháng sau bé mới hồi phục. Lúc đó em hoang mang lắm, không biết làm sao. Cuối cùng em quyết định nuôi con.

Hậu ôm chặt Thương, vỗ về chị đang xúc động. Hậu khâm phục Thương, càng thương chị nhiều hơn. Anh cứ ngỡ Sa là con của Thương và Tuấn. Con của mình thì Thương mới khổ cực như thế. Không ngờ, Thương hy sinh tình yêu, vất vả nuôi dưỡng một đứa trẻ xa lạ.

“Thương! Từ nay về sau, em và con có anh. Chúng ta là một gia đình hoàn chỉnh”.

Thương nép vào lòng Hậu, mỉm cười. Gia đình! Niềm khát khao bao năm, nay đã thành hiện thực.