Thượng đỉnh Mỹ - Triều trong con mắt của một cựu nhà báo

Hà Nội - Thành phố vì hòa bình, sẵn sàng cho Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều
Hà Nội - Thành phố vì hòa bình, sẵn sàng cho Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều
TP - Từ thân phận một đất nước trải qua chiến tranh bị quyết định số phận tại các cuộc đàm phán hòa bình quốc tế tại Geneva, Paris, Việt Nam chuẩn bị trở thành nơi diễn ra hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên, sự kiện vô cùng ý nghĩa đối với hòa bình khu vực và thế giới. Nếu hội nghị thành công, Việt Nam sẽ được nhớ đến với vai trò người xây cầu.

Đó là ý kiến của cựu nhà báo Phạm Phú Phúc, chuyên gia bình luận các vấn đề quốc tế, trong cuộc trao đổi với PV Tiền Phong về cuộc gặp của Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un từ ngày 27-28/2 tại Hà Nội.

Thượng đỉnh Mỹ - Triều trong con mắt của một cựu nhà báo ảnh 1 Ông Phạm Phú Phúc

PV: Việt Nam từ chỗ là một nước trải qua nhiều cuộc chiến tranh, số phận bị quyết định tại các hội nghị hòa bình ở Paris hay Geneva, nay trở thành nơi tổ chức một hội nghị thượng đỉnh có ý nghĩa quan trọng đối với tiến trình kiến tạo hòa bình trên bán đảo Triều Tiên. Ông đánh giá như thế nào về điều này?

Ông Phạm Phú Phúc: Điều bạn vừa nói cũng là một trong những lý do Tổng thống Mỹ Donald Trump chọn Việt Nam làm nơi tổ chức hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều, và cũng là lý do để Triều Tiên chấp nhận. Lý do thứ hai, Việt Nam từ một nước đói ăn, 70-80% dân số thiếu lương thực, nay vươn lên thành nước xuất khẩu gạo, một trong những thị trường xuất khẩu lớn của thế giới. Đó cũng là kinh nghiệm hay cho Triều Tiên từ bàn hội nghị lần này.

Hà Nội là thành phố vì hòa bình, ai từng đến đây một lần đều cảm thấy nơi đây rất yên bình, dễ chịu, con người tình cảm, thân thiện.

Việt Nam đang khẳng định mình là điểm đến của hòa bình và hữu nghị. Thế giới đã ghi nhận Việt Nam là nơi tổ chức và dẫn dắt nhiều hội nghị lớn như APEC, ASEAN hay ASEAN+ thành công. Nếu chỉ tổ chức mà không phát huy được vai trò chủ nhà, không phát huy được sức mạnh mềm thì có thể dẫn đến việc hội nghị không ra được tuyên bố chung khi không vượt qua được khó khăn, tranh cãi.

Đây là dịp nữa để Việt Nam nâng tầm mình và nâng tầm ASEAN. Việt Nam sau khi trở thành thành viên đã góp phần tạo nên sự ổn định, hợp tác trong khối. Hôm qua tôi đọc 2 tờ báo Ả-rập thấy họ nói rằng, qua sự kiện lần này, vị thế của Việt Nam sẽ được nâng lên rất nhiều.

Quan sát những diễn biến gần đây, ông dự báo như thế nào về kết quả hội nghị thượng đỉnh lần này?

Rất khó dự đoán kết quả một cuộc gặp lớn, quan trọng như hội nghị thượng đỉnh lần này.Nhưng trên cơ sở những gì đã thấy, tôi mạnh dạn đưa ra những dự báo như thế này.

Tôi cho rằng hội nghị lần này sẽ khác hội nghị lần một tại Singapore vào ngày 12/6/2018, nơi hai bên Mỹ và Triều Tiên đến để thăm dò nhau, chỉ đưa ra cam kết, hứa hẹn về đường hướng. Hội nghị lần này sẽ đi vào thực chất, sẽ đưa ra ràng buộc cụ thể, vì đó là nhu cầu của cả hai bên. Thương lượng quốc tế bao giờ cũng phải có 2 vế, như người Việt Nam thường nói: Ông đưa chân giò thì bà thò chai rượu.

Triều Tiên muốn được cởi trói để phát triển kinh tế. Còn Mỹ muốn đóng tập hồ sơ của Triều Tiên lại. Hơn ai hết, ông Trump hiểu rằng đó là vấn đề nhức nhối trong xã hội Mỹ, vấn đề nhức nhối đối với hòa bình của khu vực Đông Bắc Á và thế giới nói chung, và cũng là nhức nhối của chính Tổng thống Mỹ khi ông chuẩn bị bước vào tranh cử nhiệm kỳ 2.

Cá nhân tôi đoán hội nghị lần này chưa hẳn đi đến giải pháp cuối cùng, nhưng sẽ có những chấm phá rất cụ thể. Mỹ sẽ phải cam kết cụ thể sẽ cởi trói cho Triều Tiên những gì, về công nghệ hay kinh tế hay hàng không...Còn phía Triều Tiên cũng phải có bước đi cụ thể để phi hạt nhân hóa, chứ không thể chỉ dừng thử hạt nhân, tên lửa trong 15 tháng, không chỉ phá dỡ lò hạt nhân Yongbyon. Vấn đề hạt nhân vô cùng phức tạp, Triều Tiên sẽ phải rút bớt dần quy trình đó đi để người Mỹ và thế giới thấy rằng họ đang thực tâm tiến tới phi hạt nhân hóa.

Hội nghị lần này nếu thành công sẽ tác động như thế nào đến tình hình khu vực?

Tôi cũng đoán sau hội nghị này, quan hệ liên Triều sẽ được đẩy lên, là động lực để thúc đẩy quan hệ Mỹ - Triều. Đông Bắc Á sau hội nghị lần này nhìn chung khu vực sẽ tốt lên, các bên sẽ hiểu nhau hơn. Quan hệ cá nhân Trump - Kim cũng sẽ tốt hơn nhiều, từ đó tốt cho quan hệ Mỹ - Triều và quan hệ liên Triều.

Đối với Việt Nam, kết quả đó sẽ có ý nghĩa như thế nào?

Việt Nam là nước chủ nhà, cái được không chỉ là lợi ích kinh tế. Dù phải chi ra một khoản để tổ chức, hình ảnh của Việt Nam sẽ được cả thế giới biết đến, kéo theo quan hệ kinh tế, đầu tư... Trong suốt thời gian trước, trong và sau hội nghị, hình ảnh Việt Nam sẽ được nhắc đến liên tục trên các phương tiện thông tin đại chúng khắp thế giới.

Nếu kết quả đúng như tôi dự đoán ở trên, Việt Nam rõ ràng là người xây cây cầu Mỹ - Triều Tiên. Điều đó sẽ được Mỹ, Triều Tiên và thế giới ghi nhận. Một lần nữa thế giới sẽ thấy người Việt Nam hữu nghị bác ái, sẵn sàng bỏ qua quá khứ (trong quan hệ với Mỹ), gác lại đau thương để bắc cây cầu xây dựng hòa bình hữu nghị. Điều đó càng khẳng định Hà Nội đúng là thành phố hòa bình. Đó là những cái được vô hình mà không tiền bạc nào mua được.

Điều đó cũng khẳng định tính đúng đắn trong chính sách đối ngoại của chúng ta. Việt Nam hòa bình, hữu nghị, muốn làm bạn với tất cả các nước. Chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước ta là muốn trở thành chiến sĩ xây dựng hòa bình quốc tế, không liên minh với nước này để chống nước kia. Việt Nam cũng sẵn sàng gánh vác nghĩa vụ quốc tế của mình.

Cảm ơn ông.

MỚI - NÓNG