Thượng đế thời hậu Tết

Thượng đế thời hậu Tết
TP - Theo thông lệ, sau mấy ngày Tết vui chơi chẳng tầy gang, dân tình lại phải lao vào bể khổ. Khác nào bầy chim non ngơ ngác bị bủa vây khắp nơi bởi lưới tham.

Muốn đi xe thì phải mua vé gấp ba, đi chơi thì phải mướn khách sạn giá gấp ba, ăn bát bún vỉa hè cũng phải trả giá theo tỷ lệ đó. Quanh năm người bán có thể tán dương khách hàng là thượng đế nhưng cứ ăn Tết xong là khách thành tội nhân hết.

Thực ra thời kinh tế thị trường ban bố đã lâu, chẳng hiểu sao mà dân mãi chưa quen. Cái gì khan hiếm mà nhiều người đổ xô vào để có được nó, thì tất nó phải nâng giá thôi. Có kêu cũng chỉ dám kêu chất lượng dịch vụ.

Quả thực nếu người bán niêm yết giá trước thì công cuộc bán mua cứ thế diễn ra, nếu khách hàng thực sự có nhu cầu và đủ tiền. Cái khổ của dân ta ở đây là tiền vẫn mất mà vẫn bị đối xử như súc vật. Tỷ dụ đi xe thì bị bắt ngồi chỗ lối đi, thậm chí khoang chở hàng, đi tàu thì xin mời ngủ ở cửa nhà vệ sinh. Thế vẫn còn sướng chán. Còn có cảnh khi công an lên xe kiểm tra, khách mới dám tố nhà xe không chịu dừng cho xuống vệ sinh(!)

Vấn đề là đa số thượng đế vẫn chấp nhận cung cách phục vụ đó. Kể như vậy cũng là một dạng thuận mua vừa bán.

Nhưng còn có một bên có thể sẽ thấy tổn thương, là nhà nước. Nhà nước đã ra những quy định như xe được đi tốc độ bây nhiêu, được chở bây nhiêu khách với giá vé bây nhiêu... giờ bỗng bị chà đạp trắng trợn. Nhưng giả sử nhà nước cũng chả thấy tổn thương gì thì thôi xong.

Dân ta nên lường trước tình cảnh này để mà tự giữ lấy thân và túi tiền. Chẳng hạn Tết thì ở nhà thôi, đừng đi đâu chơi, có đi thì tốt nhất là đi bộ và mang theo bánh chưng ăn đường. Xa thì dùng phương tiện cá nhân. Mới mấy thập kỷ trước chứ đâu, ông cha ta có xe đạp đi từ tỉnh này sang tỉnh khác là oách lắm. Cứ thế sau một kỳ Tết, sức khỏe lại tăng cường chứ đùa.

MỚI - NÓNG