Quy hoạch lễ hội: Lại về vạch xuất phát

Khốc liệt cảnh tranh lộc, cướp ấn tại Lễ hội đền Trần, Nam Định. Ảnh: Công Khanh
Khốc liệt cảnh tranh lộc, cướp ấn tại Lễ hội đền Trần, Nam Định. Ảnh: Công Khanh
TP - Dự thảo Quy hoạch Lễ hội do Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VH-TT&DL) tưởng đã xong xuôi trình Thủ tướng. Vào phút chót, bị đình lại.

Phóng viên trao đổi với ông Ngô Hoài Chung, Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở xung quanh dự thảo quy hoạch, được kỳ vọng điều chỉnh bất cập trong mùa lễ hội.

Đề án quy hoạch lễ hội từ 2012-2020, tầm nhìn đến 2030 đáng ra phải xong cuối 2013. Được biết, dù được hội đồng thông qua với đa số phiếu, nhưng vẫn còn một số tranh luận. Về cơ bản, Cục Văn hóa cơ sở xây dựng đề án này trên tiêu chí nào?

Chúng tôi hi vọng thông qua việc Thủ tướng phê duyệt đề án, chúng ta xác định lại quy mô, tần suất cũng như phân cấp đối với công tác tổ chức lễ hội. Từ đó làm cơ sở pháp lí, khung pháp lí để các địa phương quy hoạch chi tiết lễ hội, khiến các hiện tượng phản cảm giảm dần. Tuy nhiên, việc phê duyệt và quy hoạch lễ hội không phải chiếc đũa thần để giải quyết mọi vấn nạn, tiêu cực trong tổ chức và quản lí lễ hội hiện nay.

Từ 3 năm nay, Bộ đưa phương án tổ chức lễ khai ấn, phát ấn đền Trần kiểu mới. Theo đà này, Bộ tiếp tục lấy một số lễ hội ra làm điểm, để có chuẩn chất lượng tổ chức lễ hội?

Lễ hội là sản phẩm văn hóa gắn với phong tục tập quán, mỗi địa phương lại có phong tục khác nhau, cho nên không thể có một kịch bản chung, nhất là lễ hội dân gian. Cho nên, quy hoạch lễ hội chỉ quy định quy mô, trình thức chung nhất, còn lại tùy theo truyền thống địa phương mà thực hiện.

Sau quy hoạch, Bộ có tính đến cách giảm số lượng?

Nước ta có hơn 8.000 lễ hội, trong đó 80% lễ hội dân gian. Quan điểm quy hoạch không phải là giảm bớt hay tăng số lượng. Các lễ hội dân gian hình thành qua hàng ngàn năm, gắn với cộng đồng, phong tục tập quán của các làng xã Việt Nam, cho nên phải bảo tồn, giữ gìn những giá trị đặc sắc. Đồng thời từng bước làm rõ vai trò của các cấp chính quyền đối với lễ hội lớn, lễ hội vùng, lễ hội cấp quốc gia.

Hiện nay phần lớn lễ hội dân gian, hội làng là của dân, do dân tổ chức, vai trò của các cấp quản lí không nhiều. Có thể nói những lễ hội ấy rất có giá trị, phải bảo tồn. Với các lễ hội quy mô cấp huyện trở lên, chắc chắn phải hài hòa- một mặt phát huy vai trò của các cấp quản lí, đồng thời cố gắng phát huy phần hội, trò chơi, trò diễn dân gian để nâng cao tính hấp dẫn, văn minh trong lễ hội.

Lễ hội xưa vốn chỉ bó hẹp trong cộng đồng nhỏ. Kể cả khai và phát ấn đền Trần, lễ hội chùa Hương. Tuy nhiên, có thể thấy hiện tượng mở rộng quy mô ở hầu khắp các lễ hội. Địa phương lấy số du khách trẩy hội như thành tích báo cáo. Vậy, sau quy hoạch, chúng ta có biện pháp để các lễ hội này không bị quá tải?

Sau khi phê duyệt, chúng ta đi theo hướng cố gắng giữ những giá trị đặc sắc, vốn có đã được lịch sử khẳng định. Đồng thời tranh thủ ý kiến các nhà khoa học, các nhà chuyên môn để chắt lọc những giá trị còn phù hợp để bảo tồn. Quan điểm của chúng tôi là không khuếch trương quy mô lễ hội. Tuy nhiên thực tế là nhu cầu của dân đến lễ hội rất đông là có thật, cho thấy năng lực tổ chức cũng như dự báo trước những yếu tố này của các cấp có những bất cập, dẫn đến quá tải, phản cảm, tiêu cực.

Xưa đi hội để hưởng thụ không gian văn hóa, tâm linh, tín ngưỡng. Nhưng nay, lễ hội phần lớn biến tướng đến mức khó chấp nhận. Quy hoạch lễ hội có đặt vấn đề giải quyết vấn nạn này không?

Trong điều kiện kinh tế xã hội hiện nay, có một bộ phận nhân dân hiểu chưa đúng về lễ hội. Nhiều người đến lễ hội theo nhu cầu tự phát, thiếu hiểu biết đầy đủ về di tích, nhân vật thờ tự, ý nghĩa lễ hội cho nên mang tư duy thương mại không lành mạnh. Ngay các di tích cũng chưa thông qua hệ thống bảng tin tuyên truyền, chưa phổ biến đầy đủ ý nghĩa di tích. 

Do hiểu không đầy đủ dẫn đến hành vi sai lệch, cộng với cơ chế thị trường, háo danh, bệnh thành tích, tâm lí a dua, nên dẫn đến việc người dân đến hội một cách ồ ạt, làm những việc ngay cả bản thân họ cũng không hiểu, mang tính chất phong trào, đua đòi. Thế mới có chuyện giẫm đạp lên nhau giật ấn, chen lấn xô đẩy, gài tiền lên tay tượng Phật và gốc cây, cắm hương khắp nơi trong di tích.

Sau quy hoạch, vẫn phải tiến hành song song: Trách nhiệm của cơ quan quản lí là phổ biến thông tin đến người dân. Về phía cộng đồng, về với cội nguồn phải tìm hiểu nội dung đầy đủ di tích, nhân vật thờ tự, để thực hiện văn minh lễ hội.

Dễ nhận thấy hiện tượng “quan làm hư dân” như nhiều người nhận định. Ở lễ phát ấn chẳng hạn, dù đã giải thiêng lá ấn rằng không có chuyện xin, phát ấn để thăng quan tiến chức nhưng dân tình lại thấy sự xuất hiện của các vị quan chức đầu ngành ở lễ khai, phát ấn nên mới nảy sinh tâm lí quyết giành giật một lá ấn. Hiện tượng này có phần lớn trách nhiệm của địa phương: Không hiếm nơi cố khuếch trương quy mô bằng được. Với những địa phương này, Bộ đành bó tay?

Bộ căn cứ vào các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành để xử lí. Thứ nhất là nhắc nhở, đến biện pháp xử phạt hành chính nếu có vi phạm trong hoạt động lễ hội. Hiện Bộ đang tham mưu cho Chính phủ ra nghị định 158 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực VHTT và quảng cáo. Thực tế, chúng ta đang nghiêng về biện pháp tuyên truyền, cảnh cáo nhiều hơn là xử phạt.

Công tác tổ chức ở một số nơi đầu năm nay có vài chuyển biến tích cực. Khi thanh tra đến họ chấp hành nghiêm chỉnh, sau đó lại xảy ra hiện tượng phản cảm. Chuyện nhét tiền lẻ qua khe cửa ở đền Bà chúa Kho, hay đổi tiền lẻ ngang nhiên ở chùa Hương chẳng hạn. Thanh tra Bộ sức người có hạn, chẳng lẽ chúng ta không có chế tài xử phạt?

Có đấy chứ. Công điện 162 của Thủ tướng Chính phủ nêu rõ, Chủ tịch UBND các tỉnh thành phố trực thuộc T.Ư, chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về công tác tổ chức lễ hội. Hiện tượng như nêu trên, tôi cho rằng đó là cách làm đối phó, thiếu trách nhiệm, có sự buông lỏng. Có thể nhận thấy có hiện tượng lợi ích cục bộ, nhằm thu lệ phí bến bãi, hàng quán, và phí tham quan của du khách vào ngân sách địa phương, cho nên lờ đi những hiện tượng phản cảm.

Vấn đề nhạy cảm?

Câu chuyện quy hoạch lễ hội được đặt lên bàn hội nghị, hội thảo nhiều lần, lấy ý kiến các cấp và chuyên gia từ gần 2 năm nay. Năm người mười ý, cho nên đến nay dự thảo này chưa thể hoàn thiện. Cán bộ phụ trách của Cục Văn hóa cơ sở nói rằng, đây là vấn đề nhạy cảm, thật sự khó, muốn đưa ra quy hoạch phải có ý kiến chính thống, cần phải làm lại quy hoạch.

Khi được hỏi vướng mắc ở khâu nào, vị này trả lời hiện có yêu cầu làm rõ tiêu chí phân biệt các loại lễ hội, đồng thời lấy thêm ý kiến. “Nói thật là xây dựng tiêu chí lễ hội không đơn giản chút nào. Có 6 loại hình lễ hội, bây giờ phát sinh thêm loại hình lễ hội mới”. Cán bộ này nói, nhân viên dưới quyền được giao việc, sau 4 tháng trả lại nguyên xi vì không làm được.

Đầu năm 2013, trong cuộc trao đổi với Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở Phạm Văn Thủy, ông đưa ra bản dự thảo cơ bản nêu ra lộ trình, hướng quy hoạch: giai đoạn 2012-2015 quy hoạch 10 lễ hội cấp vùng, 300 lễ hội có quy mô cấp tỉnh, thành. Hà cớ gì sau một năm, bản dự thảo lại bị dán mác chưa thể hoàn thiện? Quy hoạch lễ hội vẫn dậm chân tại chỗ.

Khi hỏi dồn, liệu bao giờ có thể xong bản quy hoạch này, cán bộ phụ trách nói: “Nếu năm nay tập trung thì có thể làm được”.

MỚI - NÓNG