Thước phim đưa đồng đội trở về

0:00 / 0:00
0:00
TP - “Tôi cũng như những anh em trong đoàn làm phim có nằm mơ cũng không nghĩ từ đây lại vẽ ra những nhân duyên mới trong cuộc đời. Không ngờ phía sau màn hình có thể giúp bao đồng đội ngã xuống được về gặp người thân”, ông Trần Chiến Chinh (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) bùi ngùi.

Ông Chinh là cựu chiến binh từng chiến đấu trên chiến trường Hòa Vang. Gần 10 năm trước, bộ phim “Một thời để nhớ” bắt đầu bấm máy dựa trên kịch bản là những trang nhật ký chiến trường của ông. Từ bộ phim này bao nhiêu gia đình đã tìm được hài cốt liệt sĩ.

Ði qua Hầm Xẻ, Dũng nằm lại đây

Thước phim đưa đồng đội trở về ảnh 1

Bộ phim “Một thời để nhớ” với dàn diễn viên là “những người trong cuộc” từng hoạt động trên chiến trường Hòa Vang

Năm 2013, trong dịp kỷ niệm 38 năm ngày giải phóng Đà Nẵng, ông Chinh có dịp ngồi lại cùng đồng đội ôn chuyện cũ ở chiến trường Hòa Vang. Những ký ức mưa bom bão đạn và sự hy sinh của đồng đội trong thời chiến ùa về khiến ông nảy ra ý định làm phim để lưu lại ký ức cho hậu thế. Gần một năm sau đó, một bộ phim dài hơn 30 phút mang tên “Một thời để nhớ” bấm máy với dàn diễn viên là chính ông và những người đồng đội cũ.

Bộ phim lấy kịch bản từ ba cuốn nhật ký chiến trường của ông, được tóm lược qua 300 câu hát bài chòi. Phim nhắc tên 200 đồng đội, mẹ Việt Nam anh hùng, em bé liên lạc, các cơ sở cách mạng và cả những hoạt động trên chiến trường Hòa Vang…

Dù là phim của dân tay ngang nhưng nhờ ngồn ngộn tư liệu lịch sử và cảm xúc thực, bộ phim khi mang đi chiếu ở nhiều nơi đã lấy nước mắt của bao người. Một số đài cũng đã mua bản quyền để phát sóng. Điều mà ông cùng những đồng đội cũ không ngờ tới, là bộ phim chính là mảnh ghép để mở ra hành trình mới. Hành trình đưa liệt sĩ về với gia đình.

Thước phim đưa đồng đội trở về ảnh 2

Thông tin về các liệt sĩ lưu trữ hàng chục năm qua được ông Trần Chiến Chinh biên soạn lại cụ thể, rõ ràng, trang trọng. Ảnh: Thanh Trần

Một tối nọ, ông Chinh nhận được cuộc điện thoại từ người lạ, tự giới thiệu ở tận TPHCM, vừa xem phim của ông trên Đài truyền hình thành phố. “Tưởng là khán giả gọi tới, nhưng nào ngờ, giọng bên kia run run. Đó là ông Phan Thuần, anh trai của liệt sĩ Phan Hữu Dũng, đại đội phó Đại đội 2 Hòa Vang, hy sinh năm 1971”, ông nhớ lại.

Gần nửa thế kỷ miệt mài đi tìm phần mộ của liệt sĩ Dũng, gia đình của anh đã bao lần trở về trong vô vọng. Thông tin duy nhất họ có là liệt sĩ Dũng hy sinh ở gần Hầm Xẻ, cứ manh mối đó tìm kiếm nhưng thất bại. Cho đến khi xem phim, nghe câu hát “Đi qua Hầm Xẻ, Cấm Đình/Tứ bề địch phục, Dũng nằm lại đây”. Cả nhà ông Thuần “rợn người”, như có ai mách bảo Hầm Xẻ này mới chính xác là nơi anh Dũng nằm lại.

Ông Chinh bảo rằng, chiến trường Hòa Vang ngày đó có rất nhiều Hầm Xẻ, những nơi trước đây gia đình anh tới đều không phải. Khi đối chiếu thông tin, ông chắc chắn đây là liệt sĩ Dũng. Lật dở trang nhật ký chiến trường năm 1971, những dòng chữ của ông viết rõ trong một trận Mỹ càn vào rạng sáng, anh Dũng đã hy sinh lúc 5h ngày 20/6/1971. Khi ấy bà con Hòa Vang đã an táng tại chỗ.

Ngay ngày hôm sau, ông tìm về hỏi vị trí và được bà con chỉ dẫn. Mọi người còn đánh dấu phần mộ liệt sĩ Dũng bằng một khối đá. Phần mộ được định vị cụ thể từ đỉnh Hầm Xẻ ở xã Hòa Phong (Hòa Vang) xuống 20m về phía bên phải là nơi Dũng nằm lại.

Ngày ông Thuần ra Đà Nẵng, ông Chinh cùng những người đồng đội cũ đã ôm chầm lấy ông Thuần. Bởi họ nhận ra những nét giống nhau trong người anh trai của đồng đội cũ. Sau khi các đơn vị chức năng như Sở LĐTB&XH, BCH QS Huyện Hòa Vang… xác minh, đối chiếu thông tin và hỗ trợ, cả đoàn cùng lên đường đến nơi liệt sĩ Dũng nằm lại. Mọi người tiến hành tìm kiếm theo thông tin mà ông lưu giữ suốt nửa thế kỷ qua, và đã thấy được hài cốt của liệt sĩ Dũng.

“Lúc đó ai cũng vỡ oà ra, vừa thương, vừa mừng vì sau ngần ấy thời gian cô quạnh, anh đã được về với gia đình”, ông xúc động.

Mỗi năm ba lần, vào ngày 27/7, 22/12 và ra Tết, ông cùng đồng đội về chiến trường xưa làm mâm cơm cúng cho người ngã xuống. Họ còn xây nhà, tặng quà, chăm nom cho đồng đội, mẹ liệt sĩ có hoàn cảnh khó khăn.

An lòng trước khi nhắm mắt

Đó chỉ là một trong rất nhiều gia đình tìm được liệt sĩ sau khi xem phim “Một thời để nhớ”.

Gia đình liệt sĩ Trần Xuân Tích (quê Nam Định) cũng gọi điện cho ông sau khi xem những thước phim về chiến trường nơi ông tham gia.

Ông Chinh còn lưu kỹ trong nhật ký, liệt sĩ Tích hy sinh ngày 9/9/1972. Trong trận đánh hôm ấy, ông Chinh cùng liệt sĩ Tích và một người động đội khác rơi vào ổ phục kích của quân địch. Liệt sĩ Tích trúng đạn hy sinh được bà Hạc là người dân địa phương xin xác về chôn cất. Hiện giờ, gia đình liệt sĩ Tích đã để anh nằm lại nghĩa trang xã Điện Tiến (thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) và nhờ ông Chinh hương khói.

Đến nay đã có 6 trường hợp sau khi xem phim liên hệ trực tiếp với ông Chinh để nhờ tìm kiếm mộ liệt sĩ. Ông bảo thân nhân các anh khi đọc lại những thời khắc các anh đã trải qua không kìm được nước mắt. Cũng có trường hợp khi khai quật để tìm một liệt sĩ thì ra 4, 5 hài cốt. Ông nói thêm, dù “ôm” cả kho tư liệu, thông tin quý báu nhưng để được lên đường tìm mộ thì phải báo cáo, xin phép các đơn vị chức năng.

Bà Nguyễn Thị Sự (quận Gò Vấp, TPHCM), em gái liệt sĩ Nguyễn Hồng Lịch hy sinh ngày 16/9/1974, bày tỏ lòng biết ơn vô bờ khi nhờ ông cùng những đồng đội cũ của anh trai còn sống mà biết được nơi anh nằm lại. “Thật sự cảm kích tấm lòng nghĩa tình của anh Chinh với đồng đội. Nhờ có anh, chúng tôi mới biết thêm một thời quá khứ oanh liệt của cha anh mình”, bà nói.

“Giống như một sự nhiệm màu, anh linh các anh phù hộ chúng tôi tìm đến đâu gặp thuận lợi đến đó. Cũng có những lúc thật sự bế tắc vì các anh nằm giữa trùng trùng điệp điệp núi non, tưởng chừng như bỏ cuộc nhưng rồi khó đến đâu, mọi người cùng gỡ đến đó. Ai cũng quyết làm hết khả năng để đưa các anh về với gia đình”. Cựu chiến binh Trần Chiến Chinh

Nhiều gia đình khác không có số điện thoại của cựu binh tay ngang làm phim đã liên hệ với Sở LĐTB&XH TP Đà Nẵng để được hỗ trợ. Tất nhiên ông sẵn lòng cung cấp tất cả thông tin mà mình có.

Ông Thái Đình Hoàng, nguyên Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH TP Đà Nẵng, nguyên Phó Trưởng Ban Chỉ đạo tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ, đã đồng hành cùng ông Chinh và cả chục chuyến khác băng rừng xẻ núi để đưa các liệt sĩ về với gia đình. Ông nhìn nhận, những thông tin mà ông Chinh gìn giữ cả nửa thế kỷ qua về các trận đánh, thời gian, vị trí các chiến sĩ hy sinh, người chôn cất… rất quan trọng, đóng góp không nhỏ trong quá trình tìm kiếm hài cốt liệt sĩ.

“Khi tôi còn công tác tại Sở, đã có hơn chục trường hợp tìm được hài cốt liệt sĩ từ thông tin hữu ích của anh Chinh. Anh ấy tuổi đã cao nhưng cũng rất xông xáo, dù đường sá xa xôi, trèo đèo lội suối vất vả, miễn có sức là anh sẵn sàng lên đường”, ông Hoàng cảm phục.

Năm nay, ông đã ngoài 70 tuổi, những trang nhật ký chiến trường, hồ sơ liệt sĩ, tấm hình, cánh thư… vẫn được ông nâng niu như báu vật. Ông tâm tình, ông cũng như đồng đội đã tạm an lòng ở cái tuổi gần đất xa trời, khi kết nối được ngày hôm qua đau thương mà hào hùng với ngày hôm nay.

“Tôi chỉ mong những gì mình gìn giữ sẽ giúp ích cho việc tìm kiếm các liệt sĩ, để họ về với người thân”, ông kỳ vọng.

MỚI - NÓNG
Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2024
Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2024
TPO - Từ tháng 4/2024, nhiều chính sách mới có hiệu lực như: sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông; không xét danh hiệu “Lao động tiên tiến” với người tuyển dụng dưới 6 tháng; quy định mới về xét danh hiệu "Thầy thuốc nhân dân", "Thầy thuốc ưu tú"...
Công an thông tin về vụ múc đất cao tốc mang đi bán
Công an thông tin về vụ múc đất cao tốc mang đi bán
TPO - Lãnh đạo Công an huyện Krông Pắc (Đắk Lắk) cho biết, việc khởi tố 2 bị can liên quan múc đất công trình cao tốc Khánh Hoà - Buôn Ma Thuột mang đi bán là hồi chuông cảnh báo. Công an huyện sẽ kiểm tra, xử lý các xe quá khổ, quá tải, nhất là việc múc đất của dự án đổ đi nơi khác không đúng quy định.