Thuốc nội thua vì tâm lý sính ngoại

Thuốc nội thua vì tâm lý sính ngoại
TP - Tại hội nghị Thuốc Việt lần thứ nhất tổ chức ngày 6-5 ở TPHCM, đại diện hơn 30 doanh nghiệp dược trong nước khẳng định thuốc Việt đã đáp ứng nhu cầu của thị trường, tuy nhiên vẫn chưa có chỗ đứng vững chắc do vấp phải tâm lý sính ngoại của nhiều người bệnh và việc bất cập trong kê đơn.

> Triển lãm kích cầu thuốc nội

Theo ông Nguyễn Việt Cường, Phó Cục trưởng Quản lý Dược (Bộ Y tế) thuốc sản xuất trong nước đã đáp ứng được hơn 50% nhu cầu thị trường. Tuy nhiên, hầu hết vẫn là thuốc trị các bệnh thông thường.

Ông Nguyễn Thế Kỷ, Tổng Giám đốc Cty Cổ phần Dược SPM, cho rằng, thuốc trong nước ngày càng được cải thiện, giá cả lại cạnh tranh nên đã lấy được lòng tin của người bệnh. “Không chỉ cung cấp cho các bệnh viện trong nước, nhiều sản phẩm của chúng tôi đã xuất ra được gần 10 nước trên thế giới”, ông Kỷ nói.

Nhiều loại thuốc nội đã được nhóm bác sĩ ở Bệnh viện Thống Nhất thử tương đương sinh học trong điều trị các bệnh và cho thấy không thua kém thuốc ngoại. Theo bác sĩ Vũ Đình Thắng, Bộ môn Hồi sức cấp cứu Trường Đại học Y dược TPHCM, nhiều loại thuốc kháng sinh của Cty Dược Pymepharco tương đương, thậm chí còn hơn thuốc ngoại trong điều trị viêm phổi.

Sau khi ra mắt thị trường Việt Nam từ cuối năm 2010, thuốc trị viêm gan siêu vi B, C mãn tính Pegnano của Cty TNHH Công nghệ sinh học dược Nanogen TPHCM được đánh giá là một trong những loại thuốc đặc trị hiếm hoi Việt Nam sản xuất được. Có giá chỉ bằng 1/3 thuốc ngoại, thuốc này đang trở thành đối thủ cạnh tranh của không ít thuốc đặc trị độc quyền của các hãng dược nước ngoài.

Theo dõi lâm sàng về tác dụng của thuốc này, bác sĩ Trương Bá Trung, Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM, cho biết, thuốc đã đáp ứng được các tiêu chí điều trị và tương đương thuốc ngoại. Nhiều loại thuốc điều trị tiểu đường, tăng huyết áp và kháng sinh của Cty Domesco Đồng Tháp qua thử tương đương sinh học cũng cho thấy đảm bảo tính an toàn và hiệu quả không thua thuốc cùng loại của Ấn Độ, Hàn Quốc.

Theo đại diện Cục Quản lý Dược, 101 công ty dược của Việt Nam đã có nhà máy đạt chuẩn GMP - WHO và sản xuất thuốc không thua kém thuốc ngoại. Ông Phạm Trung Nghĩa - Tổng Giám đốc Cty Cổ phần Dược phẩm Euvipharm, cho biết nơi đây có 200 số đăng ký thuốc và bán ra thị trường 110 loại. Nhiều mặt hàng của công ty được các bệnh viện chấp nhận thay thế cho thuốc ngoại sau khi kết quả điều trị đạt hơn thuốc ngoại.

PGS Lê Văn Truyền, chuyên gia cao cấp dược học, cho biết chỉ cần đầu tư công nghệ tốt, nguyên liệu tốt và con người vận hành tốt thì thuốc sản xuất trong nước chẳng thua kém thuốc ngoại nhập, thậm chí còn hơn thuốc của một số nước khác.

Theo Bộ Y tế, trên thị trường có khoảng 20 nghìn số đăng ký thuốc còn hiệu lực, trong đó thuốc ngoại chiếm hơn 10 nghìn số đăng ký với khoảng 1.000 hoạt chất; thuốc nội cũng có khoảng 10 nghìn số đăng ký nhưng chỉ với 500 hoạt chất.

Theo TS Cao Minh Quang, Thứ trưởng Bộ Y tế, việc tăng cường khả năng tiếp cận thuốc thiết yếu trong nước gặp nhiều khó khăn do thói quen sử dụng thuốc của người dân. Người bệnh mua thuốc ngoại giá đắt là gánh thêm chi trả lớn cho các công ty dược phẩm nước ngoài, trong đó nhức nhối là nạn chi hoa hồng cho bác sĩ kê đơn.

Bác sĩ muốn kê đơn biệt dược vì họ có lợi ích (tỷ lệ hoa hồng cao) còn nếu kê thuốc gốc thì không được gì. Với cùng một bệnh nhân, nếu được kê thuốc thiết yếu, có thể giảm được 60 - 70% chi phí so với tiền phải bỏ ra nếu bác sĩ kê thuốc biệt dược, trong khi giá trị, chất lượng điều trị của hai loại thuốc này tương đương.

PGS - TS Phạm Khánh Phong Lan, Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM, cho rằng thuốc Việt đang “lột xác” nhưng do tâm lý sính ngoại và tình trạng kê đơn bất hợp lý khiến cho thuốc nội vẫn đang gặp khó. “Thuốc sản xuất trong nước chỉ chiếm 30-35% ở tuyến bệnh viện TPHCM, trong khi ở các bệnh viện chuyên khoa ở TPHCM, tỷ lệ sử dụng thuốc nội chỉ chiếm 5-10%”, bà Lan cho biết.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG