“Ý thức tham gia giao thông của người dân ở một số nơi còn hạn chế, lực lượng quản lý chủ yếu là UBND và công an xã với số lượng rất mỏng, có nơi lực lượng này vào cuộc chưa thực sự quyết liệt”, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng, nói về thực trạng bùng phát tai nạn giao thông nông thôn dịp Tết (Tiền Phong phản ánh ngày 5/2).
Thiếu lực lượng “bọc lót” ở cấp xã
Bộ trưởng đánh giá thế nào về việc TNGT tuy đã giảm, nhưng vẫn còn ở mức cao trong dịp Tết vừa qua?
Theo tôi, lý do là ở một số địa phương, chính quyền cơ sở chưa quan tâm đúng mức. Công tác vận động, tuyên truyền, kiểm tra, giám sát việc tuân thủ pháp luật để kịp thời nhắc nhở, ngăn chặn các hành vi vi phạm của người điều khiển phương tiện chưa tốt.
Lực lượng tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm giao thông đường bộ đã tập trung tại các tuyến giao thông trọng điểm, các đầu mối giao thông, nhưng không đủ lực lượng và kinh phí để tuần tra, kiểm soát trên các tuyến đường giao thông nông thôn (GTNT); công tác phát hiện, ngăn chặn và xử lý chưa kịp thời.
Nhiều người điều khiển phương tiện cơ giới không tự giác chấp hành các quy định về bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT), vi phạm các quy định về nồng độ cồn, không đội mũ bảo hiểm, chở quá số người quy định. Bên cạnh đó, lưu lượng đi lại trong dịp Tết tại vùng nông thôn tăng lên cũng là một nguyên nhân.
Có ý kiến cho rằng, việc đi lại ở nông thôn như ngoài vòng pháp luật. Bộ trưởng đánh giá thế nào về nhận định này?
Mặc dù nhiều vụ TNGT xảy ra ở nông thôn, miền núi, nhưng theo tôi, đánh giá như vậy là không chính xác. Pháp luật về bảo đảm TTATGT quy định các hành vi vi phạm, mức xử phạt được áp dụng trên phạm vi toàn quốc đồng thời quy định rõ trách nhiệm của chính quyền cấp cơ sở.
Khi cấp ủy đảng, chính quyền địa phương thực sự quan tâm đến công tác bảo đảm TTATGT và có sự phối hợp chặt chẽ của các lực lượng chuyên trách thì người tham gia giao thông sẽ tự giác chấp hành các quy định, các hành vi vi phạm sẽ giảm, TNGT sẽ được kiềm chế.
Phát hành trái phiếu xây đường
Lâu nay, Chính phủ tập trung phát triển hạ tầng tại đô thị, quốc lộ, tỉnh lộ. Khi nào GTNT được quan tâm hơn?
Từ năm 2008 đến nay, Bộ GTVT huy động nguồn vốn ODA cho các dự án xây dựng GTNT để nâng cấp 5.160 km, bảo trì 17.000 km đường địa phương và đường GTNT. Ngoài ra, các địa phương xây dựng mới gần 20.000 km đường; sửa chữa, nâng cấp gần 75.000 km đường các loại. Như vậy, cùng với giao thông đô thị, quốc lộ, tỉnh lộ thì hạ tầng GTNT cũng được quan tâm đầu tư.
Bên cạnh đó, Ủy ban ATGT Quốc gia, Bộ GTVT đã phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân trên địa bàn nông thôn. Ngoài ra, Bộ Công an cũng chỉ đạo huy động các lực lượng, trong đó có lực lượng công an xã vào cuộc để bảo đảm TTATGT trên địa bàn nông thôn.
Giải pháp trước mắt và lâu dài để đảm bảo an toàn và phát triển hạ tầng giao thông ở nông thôn là gì, thưa ông?
Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng
“Tôi muốn gửi lời nhắn nhủ tới mọi người tham gia giao thông, đặc biệt là những người ở khu vực nông thôn rằng, dù đường sá đã tốt hơn trước, nhưng nguy cơ tiềm ẩn TNGT còn nhiều. Tai nạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào và hậu quả là rất nghiêm trọng đối với cá nhân, gia đình và toàn xã hội. Mỗi người tham gia giao thông, đặc biệt là người trẻ tuổi, cần tự giác chấp hành quy tắc giao thông, không phóng nhanh vượt ẩu, chú ý quan sát, chủ động trong xử lý các tình huống, đã uống rượu bia thì không lái xe, luôn đội mũ bảo hiểm, xe mô tô không quá 2 người”.
Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng
Chính phủ quan tâm phân bổ nguồn vốn trái phiếu để xây dựng đường ô tô về trung tâm xã. Bộ GTVT đã và đang huy động nguồn vốn ODA thông qua dự án nâng cấp đường tỉnh. Các địa phương huy động vốn từ ngân sách địa phương, đóng góp của các tổ chức, cá nhân (bao gồm cả kinh phí và công lao động để xây dựng GTNT).
Vừa qua, Bộ GTVT tổng kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, đã đánh giá phát triển GTNT là góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi trong chương trình xây dựng nông thôn mới.
Thời gian tới, Bộ GTVT phối hợp với Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính sớm triển khai phát hành trái phiếu để phát triển hạ tầng GTNT theo nguyên tắc Nhà nước sẽ hỗ trợ xi măng đồng thời tiếp tục huy động vốn từ ngân sách địa phương, đóng góp của các tổ chức, cá nhân về cả kinh phí và công lao động để phát triển GTNT hoàn chỉnh đề án “Xây dựng các cầu GTNT” trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để triển khai thực hiện.
Ủy ban ATGT Quốc gia sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo đảm TTATGT cho khu vực nông thôn, tập trung vào giới trẻ thông qua công tác giáo dục ATGT trong trường học và hoạt động của các tổ chức đoàn thể. Đồng thời, tiếp tục thực hiện các chương trình phối hợp về bảo đảm TTATGT đã ký với các tổ chức đoàn thể.
Muốn trưởng thôn quan tâm ATGT hơn
Đầu năm 2012, một nông dân viết thư cho Bộ trưởng nói rằng, nếu không còn đứng đầu Bộ GTVT, họ sẽ tín nhiệm Bộ trưởng làm trưởng thôn. Ông nghĩ sao về những tình cảm, kỳ vọng mà người nông dân dành cho mình?
Tôi xin cảm ơn những ý kiến đóng góp của người tham gia giao thông nói chung và người dân vùng nông thôn nói riêng. Tôi cũng luôn ý thức rằng, những ý kiến khen ngợi cũng là những lời động viên, khích lệ; những ý kiến phê bình cũng là những chia sẻ, góp ý, nhắc nhở để tôi hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ.
Tôi nghĩ làm trưởng thôn cũng không đơn giản mà có vai trò rất quan trọng. Bên cạnh nhiệm vụ nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân, bàn bạc các biện pháp phát triển kinh tế - xã hội cho người dân trong thôn thì các nhiệm vụ liên quan đến lĩnh vực trật tự, an toàn xã hội cũng rất nặng nề. Tôi mong muốn người trưởng thôn quan tâm nhiều hơn đến công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục nhằm nâng cao ý thức của người dân trong việc chấp hành pháp luật về TTATGT, thực hiện các biện pháp phòng, tránh TNGT khu vực nông thôn.
Cảm ơn ông!