Theo ông Đỗ Xuân Tuyên, đợt bùng phát dịch lần thứ 4, địa bàn TPHCM là nơi chịu tác động nặng nề nhất. Dịch bùng phát trong bối cảnh chưa có vắc xin, nhưng Chính phủ và các bộ ngành đã linh hoạt ứng phó bằng nhiều giải pháp, đến nay cơ bản đã kiểm soát được dịch bệnh, tạo điều kiện tiên quyết để phát triển kinh tế xã hội.
Người bệnh điều trị COVID-19 tại Bệnh viện Dã chiến số 13 (ảnh: Phạm Nguyễn) |
Tuy nhiên, tình hình dịch trong nước và thế giới còn diễn biến phức tạp, do đó các địa phương cần thực hiện nghiêm túc phương án “Sản xuất phải an toàn và an toàn mới sản xuất”. Vừa qua, Bộ Y tế đã tham mưu chính phủ các biện pháp phòng chống dịch dựa trên nền tảng khoa học cũng như kinh nghiệm chống dịch đã diễn ra trong nước và trên toàn thế giới để bảo vệ sức khỏe của cộng đồng.
Trải qua đợt bùng phát dịch lần thứ 4, năng lực ứng phó của hệ thống y tế đặc biệt là lĩnh vực dự phòng và y tế cơ sở đã được cải thiện rõ nét. Đến nay, Việt Nam đang có những tiền đề quan trọng cho cuộc chiến chống dịch trong thời gian tới khi tỷ lệ người trưởng thành tiêm mũi 1 trên cả nước đã đạt 98%; mũi 2 là 78%; trẻ em từ 12 đến 17 tuổi tiêm mũi 1 đạt 64% mũi 2 là 15%. Trong đó, TPHCM là địa phương tiêm nhanh nhất, cơ bản đã hoàn thành tiêm chủng 2 mũi cho những người trong độ tuổi có chỉ định. Bộ Y tế đang có chiến lược tiêm vắc xin cho trẻ từ 5 đến 11 tuổi vào năm 2022.
Ở hệ thống điều trị, năng lực chuyên môn, trang thiết bị đã được củng cố góp phần kéo giảm tỷ lệ bệnh trở nặng, tử vong. “Hiện nay, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cho COVID-19 nhưng đã có thuốc kháng virus mang lại hiệu quả điều trị cao. Bên cạnh đó, ý thức người dân tăng cao là cơ sở để chuyển hướng các giải pháp chống dịch, chuyển sang giai đoạn thích ứng, sản xuất an toàn trong điều kiện có dịch” – Thứ trưởng Bộ Y tế nói.
Tuy nhiên, dịch còn diễn biến phức tạp, biến chủng mới xuất hiện đã xâm nhập nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ. Đại diện Bộ Y tế đề nghị các địa phương cần tăng cường các biện pháp chống dịch để đáp ứng mục tiêu vừa phát triển kinh tế vừa an toàn chống dịch. Hoạt động phân cấp, phân quyền cần được thực hiện để các thành phố thực hiện chủ động hơn phù hợp với khả năng kinh tế và tình hình dịch tại địa phương.
Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên khẳng định, Bộ Y tế đang soạn thảo kế hoạch tổng thể với các phương án bảo vệ tối đa sức khỏe của người dân giúp ổn định an sinh xã hội, phát triển kinh tế các địa phương. Chính phủ và Bộ Y tế luôn quan tâm đến những tỉnh, thành phố có tình hình dịch diễn biến phức tạp để kịp thời hỗ trợ, chi viện, không để bất kỳ địa phương nào, bất kỳ ai phải bỏ lại ở phía sau.