Thuốc 'đặc trị'... cuồng đất

0:00 / 0:00
0:00
TP - Cơn sốt đất tràn lan trên toàn quốc đến nay sau gần nửa năm bắt đầu có dấu hiệu tạm “cắt cơn”. Từ đất phía Nam, đất miền Trung, các tỉnh phía Bắc, đặc biệt các vùng ven Hà Nội bất ngờ lắng xuống một cách dịu dàng.

Dấu hiệu bớt sốt nữa còn thể hiện qua “kênh” dẫn vốn bất động sản là tiền từ ngân hàng cũng đột ngột ngừng “bơm” mạnh và thông điệp của Ngân hàng Nhà nước phát đi: sẽ siết tín dụng vào bất động sản khiến tâm trạng hưng phấn của nhiều cá nhân, tổ chức vì thế phần nào bị hãm lại.

“Cơn cuồng đất” diễn ra trên diện rộng, sốt từ Bắc chí Nam, từ đô thị tới nông thôn, đất dự án, đất ven sân bay đến khu công nghiệp. Cũng phải biểu dương Bộ Xây dựng và Tài nguyên môi trường, trong một phản ứng tình thế , đã kịp thời “bốc thuốc” đặc trị, kiểm soát tâm lý hưng phấn khắp các vùng miền thông qua kiểm soát giao dịch, kiểm soát thuế và yêu cầu các địa phương phải minh bạch thông tin. Cũng phải thừa nhận chính sách tiền tệ 5-6 năm nay của Ngân hàng Nhà nước luôn cảnh giác, không lơ là việc tiền ngân hàng chảy sang đầu cơ bất động sản, phần nào hạn chế những rủi ro cho đầu tư lĩnh vực này. (Nhưng dù vậy, thời gian qua, dịch bệnh COVID 19 đã làm thay đổi nhiều giá trị cũng như mang đến cơ hội đầu tư tài chính cho những “dòng tiền” nhàn rỗi đang chảy sang đất , sang chứng khoán).

Chúng ta đã chứng kiến cơn sốt đất thời gian qua, xé một cách công bằng, sự cảnh báo vào cuộc kịp thời của một số cơ quan truyền thông (trong đó có Tiền Phong có loạt bài “Giải mã cơn sốt đất toàn quốc”) và việc các cơ quan chức năng “tung” ra gói giải pháp thực sự là liều thuốc “đặc hiệu” ngăn chặn nhanh những rủi ro xấu đang tiềm ẩn. Chúng ta cũng chứng kiến tâm trạng hưng phấn của giới đầu tư khi mở mắt ra là nhìn thấy lợi nhuận, thấy tài sản từ đầu cơ đất sinh sôi nảy nở nhưng không quên nếu giá đất lên quá cao, hệ luỵ sẽ xảy ra đó là “bong bóng” bất động sản, và đến một ngưỡng không chịu được, thì những bong bóng đất sẽ nổ tung, gây sức ép tới toàn bộ nền kinh tế, tới tất cả các thị trường.

Tại buổi toạ đàm “Giải mã cơn sốt đất” do Báo Tiền Phong tổ chức hôm qua ngày 9/4, các đại diện tham dự đều thừa nhận: cơn sốt đất tại các tỉnh thành thời gian qua là có thật, việc giá đất bị đẩy lên cao là có thật, cũng như giao dịch thanh khoản kém, tiềm ẩn nguy cơ nợ xấu ngân hàng …tất cả đều là có thật. “Cắt cơn cuồng đất” giải pháp tình thế, cơ quan chức năng đã làm và thị trường có dấu hiệu “ngấm thuốc”, nhưng đó chỉ là trong ngắn hạn. Còn điều chúng ta hướng tới, là phải làm sao để trị tận gốc những cơn sốt ảo, những chiêu trục lợi, làm giá thị trường. Xét một cách căn cốt, lời giải này, phải chờ để các cơ quan chức năng từ Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên Môi trường, Ngân hàng Nhà nước cho tới UBND các tỉnh thành có sự vào cuộc phối hợp nhịp nhàng, nhận diện vấn đề và làm kỹ càng, bài bản.

Cũng đến lúc, cần ra một liều “kháng sinh” đặc trị “sốt đất” dứt điểm để chấm dứt tình trạng cứ vài năm lại rộ lên một cơn sốt khiến thị trường tăng động, ồn ã và phát triển méo mó.

MỚI - NÓNG