Thuê nhà ở để gom tiền mua 5 miếng đất

0:00 / 0:00
0:00
Thuê nhà ở để gom tiền mua 5 miếng đất
Thu nhập thuộc dạng cao nhưng vợ chồng anh bạn tôi vẫn đi ở thuê để mua đất ở Vân Phong, Tây Ninh, Long Thành...

Tôi có một anh bạn, chơi với nhau từ thời Đại học, nhưng thực sự tôi không hiểu được tư duy kinh tế của anh. Anh năm nay 35 tuổi và đã lập gia đình cách đây ba năm. Hai vợ chồng anh đang ở nhà thuê tại Hà Nội. Căn phòng có diện tích khoảng 15 m2 và số tiền thuê hàng tháng là hai triệu đồng.

Cuộc sống của hai vợ chồng anh cũng khá ổn vì làm tự do. Với bản tính năng động nên mấy năm trước, thu nhập của anh cũng thuộc dạng tốt. Anh làm tư vấn cho một hãng sơn lớn tại Hà Nội và cũng đi cung cấp cho các đại lý bóng đèn trần cho một vài cửa hàng điện dân dụng. Cộng thêm việc chưa có con nên đây cũng là điều kiện để anh tập trung phát triển kinh tế. Vợ anh làm giáo viên mầm non cho một trường tư thục gần nơi thuê ở.

Năm 2016-2017, khi nhà nước có chủ trương về việc thành lập đặc khu kinh tế Bắc Vân Phong (Khánh Hòa), giá đất ở đó ngày ấy tăng chóng mặt. Anh cũng quyết tâm mua một miếng đất nhỏ với giá 1,2 tỷ đồng (cách biển gần một km). Anh nói rằng "hy vọng sau này khi Bắc Vân Phong lên đặc khu kinh tế thì sẽ thắng lợi trong khoản đầu tư bất động sản này". Tuy nhiên, hiện nay, việc thành lập các đặc khu kinh tế ở nước ta đã không thành hiện thực. Và giá đất tại Bắc Vân Phong cũng đã bị giảm sút.

Cũng ngay sau năm đó (khoảng năm 2018), dự án sân bay Long Thành tại tỉnh Đồng Nai cũng được giới chức Việt Nam bàn thảo xây dựng rầm rộ. Thông qua mối quan hệ từ một người quen làm địa chính tại huyện Long Thành, anh bạn tôi cũng đã mua số đất khoảng một tỷ đồng ở đó. Thế nhưng, đến nay, sân bay Long Thành vẫn đang trong quá trình xây dựng, còn để đưa vào khai thác và vận hành thì vẫn còn phải chờ một khoảng rất lâu nữa (có lẽ phải khoảng 5 năm nữa mới hoàn thiện).

Vậy nên, việc đầu tư đất này, tôi cũng chưa hiểu mục đích sâu xa là gì? Ngoài ra, phải nói thêm rằng, anh bạn tôi có hai chị gái ruột, sinh sống và buôn bán tạp hóa tại tỉnh Tây Ninh. Sau những lời mời mọc vào đó làm ăn của hai người chị gái, anh cũng đã đầu tư mua số đất trị giá 800 triệu đồng trong năm 2019 tại mặt đường liên huyện của tỉnh Tây Ninh.

Khi nói chuyện với vợ anh về các quyết định của chồng mình, chị bảo luôn ủng hộ chồng. Tôi mừng cho anh chị vì có nhiều đất đai. Vợ chồng anh và nhiều người Việt vẫn hay quan niệm như thế là có của ăn, của để. Tuy nhiên, suy cho cùng, những bất động sản này không phải ở những vùng đô thị phát triển.

Và gần đây nhất, năm 2020, anh quyết định đầu tư mua nhiều cây gỗ sưa với tuổi đời 10-20 năm tuổi về trồng tại vườn nhà ở tỉnh Nam Định. Cây to nhất bằng bắp đùi của một người đàn ông trưởng thành. Anh cho biết cũng tiêu tốn khoảng gần một tỷ đồng cho phi vụ trồng gỗ làm giàu này. Việc đầu tư này kéo theo phải xây tường cao nhằm tránh mất trộm cây ở quê. Cùng với đó là hệ thống camera và tưới tiêu tự động (loại cũng vừa tiền), thuê xe và người vận chuyển, cũng như chăm sóc cây. Những lần gặp tôi, anh đều tự hảo mở điện thoại quay cảnh vườn gỗ xưa ở quê nhà và nói với tôi rằng "chỉ cần chờ đợi thì sau này sẽ có nhiều tỷ bạc trong tay".

Năm nay, tình hình dịch bệnh Covid-19 gây ra khó khăn trong việc làm ăn ở tất cả các ngành nghề và mọi lĩnh vực. Hai vợ chồng anh cũng làm ăn không thuận lợi như trước. Anh theo người bạn của mình đầu tư vào ngoại hối và có rủ tôi tham gia. Tôi chưa có kiến thức về tài chính và tiền điện tử nên không dám theo, mặc dù anh nói đã kiếm được một tỷ từ loại hình làm ăn này. Tôi nghĩ chắc giờ anh cũng không còn nhiều tiền mặt vì có bao nhiêu cũng nghĩ cách đem đi đầu tư hết chỗ này đến chỗ kia cả rồi.

Trong lần gặp cách đây một tuần, anh nói một năm nữa sẽ mua nhà Hà Nội khoảng dưới ba tỷ đồng ở khu vực nội thành. Tôi rất mừng vì điều này, nhưng cũng không dám hỏi sâu về nguồn tiền, do bán các đám đất kia hay do đầu tư ngoại hối? Tôi chỉ băn khoăn, với cách đầu tư khắp nơi của anh trong những năm qua thì liệu rằng những dự định ấy có thành hiện thực trong tương lại được không?

Theo VnExpres
MỚI - NÓNG
Dải công viên ven sông Sài Gòn sắp có 'áo mới' đón tết Ất tỵ 2025
Dải công viên ven sông Sài Gòn sắp có 'áo mới' đón tết Ất tỵ 2025
TPO - Công viên chạy dọc từ cầu Ba Son đến cầu Thủ Thiêm với chiều dài hơn 1 km, tổng diện tích 10ha được đề xuất thực hiện để nối dài tổ hợp công viên ven sông Sài Gòn tạo nên sân chơi công cộng có sức chứa lớn, nhiều hoạt động mới lạ, thu hút người dân và du khách đến tham quan, giải trí, tận hưởng dòng sông.