Từ chợ đến mạng
Thực phẩm làm thủ công, bánh mứt tết nhà làm… được bán nhan nhản tại nhiều chợ truyền thống ở TPHCM. Trưa ngày 8/1, bên hông chợ Thủ Đức (Q.Thủ Đức), quầy hàng bán nguyên liệu làm dưa món các loại đồng giá 200.000 đồng/kg khá đắt khách. Chủ quầy chào mời: “Cà rốt, củ kiệu, đu đủ, xá bấu (củ cải muối)… do nhà tự xắt lát, phơi khô đảm bảo sạch sẽ và an toàn. Chỉ cần mua về đổ thêm nước mắm, nước đường trộn đều là có ngay món ngon không thể thiếu trong dịp Tết”. Do quảng cáo “nhà làm” nên nguyên liệu được đóng trong bao nhựa lớn, khách nào thích thì mua.
Còn tại chợ Xóm Chiếu (Q.4), nem nướng, giò chả, bánh chưng… của nhiều quầy hàng cũng khiến người tiêu dùng băn khoăn. Như sản phẩm nem nướng Hoàng Khang (cơ sở tại H.Hóc Môn) dù được ép chân không đẹp mắt nhưng nhãn mác lại dán bên ngoài, hạn sử dụng 2 ngày và không biết ngày sản xuất khi nào. Tương tự, bánh chưng cũng được dán nhãn bên ngoài với xuất xứ là quầy sạp kinh doanh chứ không phải nơi sản xuất.
Chủ quầy hàng giải thích: “Đây là thực phẩm làm thủ công, tất cả đều mới làm hôm nay thôi, sẽ bán hết trong ngày nên không cần ghi ngày sản xuất. Bây giờ sản phẩm tự làm mới sạch sẽ, an toàn chứ hàng công nghiệp, sản xuất hàng loạt chưa chắc đảm bảo. Giờ muốn nhãn gì mà chẳng có. Mình mua hàng thì tin chất lượng, tin người bán chứ sao lại tin cái nhãn”.
Khảo sát tại một số chợ lớn như Bình Tây, Bến Thành, An Đông, Gò Vấp… rất nhiều loại bánh, kẹo, mứt, tết bán dạng cân ký “3 không”: không nhãn mác, không nơi sản xuất, không hạn sử dụng.
Tại chợ Lê Hồng Phong (Q.10) - chợ sỉ bán đồ khô nhập từ Campuchia, Lào, đa số các gian hàng bày khô đặc sản ngoài trời, kê ngay đường chạy xe của khách ra vào chợ. Tất cả hàng ngoại này đều không có bao bì, nhãn mác, xuất xứ.
Trong khi đó, chợ tết online trên Zalo, Facebook cũng nhộn nhịp không kém với đủ mặt hàng từ ăn chơi như bò khô, mứt dừa, mứt mận đến cả bánh chưng, giò chả… Sản phẩm nào cũng đẹp lung linh, lại còn giao hàng tận nơi, khuyến mãi.
Ngoài hàng “3 không” còn có những sản phẩm hàng nhái, giống hàng thật từ kiểu dáng đến màu sắc. Mẫu mã, tên gọi trên bao bì cũng gần giống như hàng của các thương hiệu lớn. Nếu không để ý kỹ, người tiêu dùng rất dễ mua phải hàng kém chất lượng.
Siết từ gốc
Theo Cục An toàn thực phẩm Bộ Y tế, tình trạng cá nhân, tổ chức vì lợi nhuận cố tình vi phạm như sản xuất mà không công bố về sản phẩm, đưa thêm các chất không được phép sử dụng trong thực phẩm bảo vệ sức khỏe, quảng cáo quá mức… vẫn diễn ra thường xuyên. Tình trạng bán hàng thực phẩm online, hàng xách tay, quảng cáo qua mạng xã hội, đặt hàng qua điện thoại… đang là hình thức khá phổ biến gây rất nhiều khó khăn trong công tác đấu tranh, phòng ngừa nếu họ cố tình sản xuất, kinh doanh sản phẩm không đảm bảo an toàn.
Đặt vấn đề còn nhiều thực phẩm “3 không” trong chợ, bà Nguyễn Phan Bích Thủy, Phó phòng Kinh tế Q.4 thừa thừa nhận vẫn còn tồn tại tình trạng trên.
Trong khi đó, đại diện Ban Quản lý chợ Bình Tây cho biết, dù có tình trạng tiểu thương xé lẻ sản phẩm để bán cho người mua nhưng tất cả hàng hóa tại chợ đều có giấy tờ chứng minh nguồn gốc rõ ràng.
Bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban Quản lý An toàn thực phẩm TPHCM cho rằng, các loại giấy tờ, chứng từ là “chìa khóa” để truy ngược lại nguồn gốc sản phẩm, xem sản phẩm đó có an toàn hay không.
BS Trần Văn Ký, Hội Khoa học kỹ thuật An toàn thực phẩm Việt Nam chia sẻ, người tiêu dùng không nên mua những loại thực phẩm “3 không”, vì không thể biết nhà sản xuất chế biến từ nguyên liệu, phụ gia gì. Khi các chất phụ gia dùng không đúng cách, quá liều lượng sẽ gây hại cho sức khỏe người tiêu dùng.