Thực hư việc Trung Quốc âm thầm phát triển máy bay tàng hình thứ 6

FC-31 đến nay vẫn là một tiêm kích tàng hình ở dạng thử nghiệm
FC-31 đến nay vẫn là một tiêm kích tàng hình ở dạng thử nghiệm
TPO - Trung Quốc có thể đang phát triển một máy bay chiến đấu tàng hình mới, theo một thông báo từ Tổ chức Hàng không Trung Quốc, một tổ chức nghiên cứu của chính phủ.

Đây có thể là máy bay chiến đấu chống radar có người lái thứ sáu đang hoạt động hoặc đang phát triển ở Trung Quốc.

Đặt trong bối cảnh đó, quốc gia sở hữu máy bay tàng hình hàng đầu thế giới, Mỹ, đã trang bị sáu loại máy bay tàng hình có người lái, năm trong số đó vẫn còn phục vụ là F-117, B-2, F-22 và ba biến thể rất đặc biệt của F-35.

Trong khi đó, các lực lượng vũ trang của Mỹ đang phát triển ba máy bay chiến đấu tàng hình có người lái mới, trong đó có hai tiêm kích và một máy bay ném bom. Tức là Mỹ 9 so với Trung Quốc 6.

Theo nhà phân tích David Axe viết trên Forbes, đừng quá xúc động với chiếc máy bay bí ẩn của Trung Quốc. Nó không phải là thứ sinh ra để thay đổi thế giới.

Blog hàng không Alert 5 là một trong trang đầu tiên ghi nhận thông báo của Tổ chức Hàng không Trung Quốc sau khi nó xuất hiện trên một nền tảng truyền thông xã hội Trung Quốc vào cuối tháng 6.

Tổ chức Hàng không Trung Quốc đã cử nhân viên đến Viện Thiết kế Máy bay Thẩm Dương và Viện Nghiên cứu số 29 của Tập đoàn Công nghệ Điện tử Trung Quốc để hỗ trợ một máy bay chiến đấu thế hệ mới dự kiến sẽ bay lần đầu vào năm 2021, theo bài viết trên mạng xã hội Trung Quốc.

Như Alert 5 đã chỉ ra, máy bay chiến đấu này có thể là một biến thể của một trong những loại máy bay tàng hình hiện có của Trung Quốc. Nó cũng có thể là một thiết kế mới. Dù thế nào, thông báo cho thấy những nỗ lực hiện đại hóa hàng không Trung Quốc. Bắc Kinh chỉ đứng sau Washington về sự đa dạng và tinh vi của các loại máy bay chiến đấu mới.

Nhưng cần phải nói rõ, dự án Thẩm Dương không phải là một bí mật. Truyền thông nhà nước tiết lộ sự tồn tại của nó từ năm 2018, trong một bản tin nói về việc nghiên cứu các vật liệu composite tiên tiến và cửa gió động cơ hình chữ S có mục đích giảm phát xạ tín hiệu radar.

Các phương tiện truyền thông nhà nước vào thời điểm đó đã tỏ ra thận trọng về bản chất chính xác của dự án. Một số nhà quan sát quân sự đã suy đoán rằng máy bay chiến đấu mới có thể là phiên bản nâng cấp, nội địa của loại tiêm kích FC-31, trong khi những người khác dự đoán nó có thể là một máy bay hoàn toàn khác, theo Hoàn cầu thời báo.

Không giống như J-20, được tài trợ bởi quân đội Trung Quốc và cho đến nay là tiêm kích tàng hình duy nhất đang phục vụ, máy bay hai động cơ FC-31 Thẩm Dương là sản phẩm của một liên doanh tư nhân.

Tập đoàn Thẩm Dương vẫn chưa tìm được người mua cho loại máy bay này, có hình dạng tương tự, nhưng nhỏ hơn F-22 của không quân Mỹ. Có tin đồn rằng Thẩm Dương hy vọng sẽ bán một biến thể FC-31 cho hải quân Trung Quốc để hoạt động trên các tàu sân bay mới của hạm đội.

Theo ông Axe, máy bay chiến đấu mới mà Tổ chức Hàng không Trung Quốc đề cập trong bài đăng trên phương tiện truyền thông xã hội có thể là chiếc FC-31 phiên bản hải quân này. Nó cũng có thể là máy bay ném bom JH-XX tàng hình mà Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ nói trong một báo cáo năm 2019.

Tất nhiên, nó cũng có thể là máy bay phản lực tàng hình J-18 ở dạng thử nghiệm (concept), chủ đề đồn đoán trên truyền thông Trung Quốc kể từ năm 2011.

Hoặc nó là một thiết kế hoàn toàn mới, chống radar, có khả năng là máy bay tàng hình thứ sáu sau các loại J-20, FC-31, J-18, JH-XX và H-20.

Nhưng cần nhắc lại rằng sau bao nhiêu năm và chừng đó thiết kế, Trung Quốc cho đến nay cũng mới chỉ vận hành vài chục chiếc J-20. Mọi thứ khác chỉ tồn tại trên giấy hoặc trong phòng thí nghiệm. Ngược lại, Lầu Năm Góc có hàng trăm máy bay chống radar rầm rộ trên khắp thế giới.

Không quân Mỹ đã cho nghỉ hưu những chiếc F-117 cổ điển của thập niên 1980 từ năm 2008, mặc dù một số máy bay này vẫn bay để hỗ trợ các thử nghiệm quân sự bí mật. Hai mươi máy bay ném bom tàng hình B-2 cổ điển thập niên 90 vẫn phục vụ trong không quân Mỹ, lực lượng đồng thời cũng sở hữu 185 chiếc F-22.

Không quân, Thủy quân lục chiến Mỹ và Hải quân Mỹ cùng nhau vận hành khoảng 400 chiếc F-35 trong khi yêu cầu 2.300. Máy bay ném bom tàng hình B-21 mới đang được chế tạo và có thể bay vào năm 2021. Không quân Mỹ muốn có ít nhất 100 chiếc B-21.

Trong khi đó, Không quân và Hải quân đang chi hàng tỷ đô la cho thiết kế máy bay chiến đấu tàng hình mới để kế tục F-35.

Vì vậy, Trung Quốc có thể có một thiết kế máy bay tàng hình mới. Nhưng điều này không gây ngạc nhiên, cũng không có nhiều ý nghĩa đối với cán cân sức mạnh thế giới.

MỚI - NÓNG