Thúc đẩy bình đẳng giới cho phụ nữ dân tộc thiểu số tại Điện Biên

0:00 / 0:00
0:00
Quỹ Vì Tầm Vóc Việt đã và đang triển khai các hoạt động nhằm thúc đẩy bình đẳng giới trong đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt liên quan đến khía cạnh phát triển kinh tế hộ gia đình tại huyện Mường Ảng, tỉnh Điện Biên.

Bản Na Luông (xã Ẳng Nưa, huyện Mường Ảng) nằm gọn trong thung lũng Mường Ảng của tỉnh Điện Biên, nơi được coi là vựa cà phê lớn nhất của vùng Tây Bắc. Cà phê Arabica Mường Ảng thơm ngon, có vị chua dịu, hương thơm đặc trưng.

Mấy năm trước, nhờ sự hỗ trợ của chính quyền địa phương và các đơn vị đồng hành, mô hình “Cà phê chị em” đã được thành lập. Thành viên mô hình này là các chị em trong bản Na Luông, với mục tiêu giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, tự mình làm chủ công nghệ, làm chủ chuỗi sản xuất và đưa được những hạt cà phê do người dân trồng tại địa phương đến với thị trường.

Chị Lò Thị T. (32 tuổi) là một trong những thành viên tích cực nhất trong nhóm sản xuất cà phê. Chị chia sẻ, hành trình của người phụ nữ tham gia sản xuất, phát triển kinh tế gia đình chẳng hề dễ dàng. “Phụ nữ ở bản từ trước đến nay lúc nào cũng chỉ quanh quẩn ở nhà, lo trông con, bếp núc, nội trợ. Vì vậy mà họ cũng chẳng có vai trò và tiếng nói gì trong gia đình chồng. Em muốn thay đổi điều đó.”, chị T. bộc bạch.

Sáng nay, sau khi hai vợ chồng sửa soạn xong xuôi hết việc nhà, chị T. và chồng chở nhau lên hội trường của Ủy ban Nhân dân xã. Hôm trước, nghe nói có lớp tập huấn về Bình đẳng giới và Phát triển kinh tế gia đình do Quỹ Vì Tầm Vóc Việt (VSF) phối hợp với Quỹ Phát triển cộng đồng (FCD), Hội Liên hiệp Phụ nữ và chính quyền xã Ẳng Nưa tổ chức, chị T. đã mạnh dạn đăng ký luôn cho mình và chồng tham gia.

Không chỉ có chị T. và chồng, lớp tập huấn về bình đẳng giới còn có sự tham gia của 50 tham dự viên khác. Những người tham gia lớp tập huấn này là cán bộ xã, trưởng thôn, trưởng bản và các thành viên của những mô hình phát triển kinh tế đang triển khai ở địa phương.

Lần lượt, các tham dự viên được chia ra thành các nhóm học tập. Nhóm của chị T. và chồng tham gia lấy tên là “Hoa Ban”, loài hoa đặc trưng của rừng núi Tây Bắc, cũng là biểu tượng của tỉnh Điện Biên, quê hương của chị.

Thúc đẩy bình đẳng giới cho phụ nữ dân tộc thiểu số tại Điện Biên ảnh 1

Hoạt động làm việc nhóm diễn ra rất sôi nổi và hiệu quả

Trong lớp tập huấn, các nhóm đã tìm hiểu những kiến thức liên quan đến giới, bình đẳng giới, định kiến giới hay khuôn mẫu giới. Mặc dù còn nhiều bỡ ngỡ với các khái niệm này, chị T. vẫn hăng hái giơ tay phát biểu ý kiến. Có một điều chị thấy lạ, là dù chị có trả lời đúng hay sai, giảng viên lúc nào cũng rất hoan nghênh ý kiến của chị, và cả lớp đều dành cho chị những tràng pháo tay. “Em rất vui vì ý kiến của em được giảng viên tôn trọng và cả lớp lắng nghe, hưởng ứng”, chị T. phấn khởi chia sẻ.

Thông qua các thảo luận nhóm, thuyết trình, phản biện và các trò chơi trải nghiệm, các nhóm tham gia tập huấn đã cùng nhau phác họa nên bức tranh về bình đẳng giới, từ đó nhận ra ý nghĩa và vai trò của bình đẳng giới trong phát triển kinh tế và hạnh phúc gia đình.

Bình đẳng giới có nghĩa là nam và nữ có vai trò bình đẳng như nhau, có quyền học tập cũng như cơ hội phát triển giống nhau và hưởng thụ lợi ích giống nhau. Qua lớp tập huấn hôm nay, tôi sẽ về nhà chia sẻ công việc với vợ để được đồng đều hơn”, anh Tòng Văn K. (34 tuổi), tham dự viên lớp tập huấn cho biết.

Chị Tòng Thị Nòi, Chủ tịch Hội phụ nữ xã Ẳng Nưa, cũng có mặt tại lớp tập huấn. Hơn ai hết, chị là người hiểu rõ nhất về hiện trạng bình đẳng giới tại Nà Nuông nói riêng và toàn xã Ẳng Nưa nói chung. “Ở đây, nhiều chị em phụ nữ cũng còn rất tự ti, ít giao tiếp xã hội. Trong gia đình, họ không được quyết định những việc lớn, mà chỉ có đàn ông mới được đưa ra ý kiến của mình. Điều quý nhất của lớp tập huấn hôm nay là có cả những chị em còn chưa biết chữ cũng tham gia. Họ cũng đã được chia sẻ và nói lên tiếng nói của mình, điều mà từ trước đến giờ họ chưa được làm.”

Thúc đẩy bình đẳng giới cho phụ nữ dân tộc thiểu số tại Điện Biên ảnh 2

Nụ cười hạnh phúc của những thành viên tham gia lớp tập huấn

Trong phần tranh luận, giảng viên lớp tập huấn đã đưa ra những câu hỏi hết sức thiết thực để các tham dự viên trao đổi và tranh luận với nhau. Những câu hỏi rất gần gũi như “Việc nhà có phải là việc nhẹ?”, “Tại sao chúng ta giỏi một điều gì đó? Có phải vì chúng ta là nam hay nữ không?” hay “Bình đẳng có đem lại lợi ích cho nam giới không?” đã làm cả hội trường trở nên vỡ òa. Ai cũng hăng hái giơ tay để nói lên ý kiến của mình.

Người phụ nữ phải làm quần quật từ sáng sớm đến tối muộn. Sáng ra, nào thì đưa con đi học, đi chợ nấu cơm, cho gà lợn ăn. Chiều thì rửa bát dọn dẹp, giặt giũ, đón con. Phụ nữ chúng tôi chẳng có thời gian nghỉ ngơi”. Một nữ tham dự viên trong lớp tập huấn đưa ra ý kiến. Tất cả các chị em khác đều vỗ tay hưởng ứng. Những người đàn ông thì cũng gật gù, hiểu được rằng công việc của vợ mình cũng chẳng nhẹ nhàng gì.

“Đàn ông cũng cần bình đẳng vì họ cũng phải chịu rất nhiều những áp lực, đặc biệt là áp lực về trụ cột kinh tế, đi làm để nuôi gia đình. Phụ nữ chúng tôi có thể đi làm, kiếm ra tiền để chia sẻ trách nhiệm, chăm lo cho đời sống gia đình giống như các anh”. Một chị đưa ra ý kiến khác, cả hội trường lại rầm rầm tiếng vỗ tay.

Thúc đẩy bình đẳng giới cho phụ nữ dân tộc thiểu số tại Điện Biên ảnh 3

Các tham dự viên chia sẻ câu chuyện về bình đẳng giới của chính mình

Còn với chị T., chị kể lại câu chuyện của vợ chồng chị. Từ việc dám nghĩ dám làm, chủ động tham gia phát triển kinh tế, chị đã có tiếng nói hơn trong gia đình, chồng chị và gia đình chồng cũng yêu quý và tôn trọng chị hơn. Con cái cũng có điều kiện để được học tập đầy đủ hơn.

Vợ chồng tôi từ giờ sẽ cố gắng phấn đấu, bàn bạc với nhau từ việc lớn như sửa sang nhà cửa hay chia sẻ việc nhà như quét nhà rửa bát.”, anh Tòng Văn T., chồng chị T., tiếp lời vợ.

Bình đẳng giới trong phát triển kinh tế sẽ mang lại rất nhiều lợi ích. Thứ nhất, bình đẳng giới sẽ tạo điều kiện cho các thành viên trong gia đình, cả nam lẫn nữ, tham gia vào các hoạt động kinh tế. Thứ hai, bình đẳng giới trong gia đình sẽ giúp cho các thành viên phát huy hết tiềm năng, khả năng và khát vọng của họ, giúp cho kinh tế gia đình được cải thiện, thu nhập tăng lên. Thứ ba, khi mà các thành viên cùng chia sẻ các công việc, bao gồm việc nhà và việc phát triển kinh tế, thì sẽ tạo dựng được sự gắn kết, hòa thuận và yêu thương giữa các thành viên trong gia đình”, bà Trần Hồng Điệp, Giám đốc Quỹ Vì Tầm Vóc Việt, Giảng viên lớp tập huấn, phát biểu kết thúc lớp tập huấn.

Thúc đẩy bình đẳng giới cho phụ nữ dân tộc thiểu số tại Điện Biên ảnh 4

Toàn cảnh lớp tập huấn về Bình đẳng giới và Phát triển kinh tế gia đình

Thông qua những kiến thức đã học trong buổi tập huấn, tôi sẽ chia sẻ với những người phụ nữ ở trong bản. Từ đó để ngày càng có nhiều phụ nữ được sống trong môi trường bình đẳng, được nói lên tiếng nói của mình và có vai trò, vị trí trong gia đình”, chị T. chia sẻ.

Lớp tập huấn vừa kết thúc cũng là lúc cơn mưa rào đầu mùa vừa tạnh. Trời hửng nắng. Lúc dắt xe ra về, ai cũng nở một nụ cười tươi trên môi.

Bản Na Luông nằm trong thung lũng, vây quanh bởi những dãy núi trùng điệp, ấp ôm và che chở cho con người nơi đây. Thế nhưng, với nỗ lực của chính quyền địa phương, của Quỹ Vì Tầm Vóc Việt, Quỹ Phát triển cộng đồng và các tổ chức khác, trong một tương lai không xa, những con người ấy, đặc biệt là phụ nữ, sẽ không còn bị vây quanh bởi khuôn mẫu, định kiến để có thể chủ động tham gia làm kinh tế, phát triển mọi mặt cuộc sống của gia đình.

Khóa tập huấn về bình đẳng giới trong mối liên hệ với phát triển kinh tế gia đình do Quỹ Vì Tầm Vóc Việt (VSF) phối hợp với Quỹ Phát triển cộng đồng (FCD), Hội Liên hiệp Phụ nữ và chính quyền xã Ẳng Nưa tổ chức ngày 15-16/5. Đây là một hoạt động trong khuôn khổ dự án “Góp tiếng nói - Thêm bình đẳng” được thực hiện từ nguồn tài trợ của Tập đoàn TH và chương trình “Lan toả hạnh phúc đích thực” của VSF. Tham dự viên của khóa tập huấn là 52 phụ nữ và nam giới dân tộc Thái và Mông của xã Ẳng Nưa, trong đó có 15 phụ nữ đã được hỗ trợ vốn vay không lãi suất từ chiến dịch Tô cam 2023. Theo kế hoạch, dự án “Góp tiếng nói - Thêm bình đẳng” sẽ tiếp tục tổ chức khóa tập huấn về phòng chống bạo lực gia đình và ngày hội bình đẳng giới tại xã Ẳng Nưa trong thời gian tới.

Trước đó, trong tháng 2/2024, Quỹ Vì Tầm Vóc Việt (VSF) thông qua Quỹ phát triển cộng đồng (FCD) và Hội phụ nữ xã Ẳng Nưa – Huyện Mường Ảng, tỉnh Điện Biên đã tiến hành giải ngân vốn vay cho cho 15 chị em phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, thành viên mô hình Cà phê Chị Em tại địa bàn, với tổng số tiền là 300 triệu đồng. Nguồn vốn hỗ trợ sinh kế cho phụ nữ dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn đến từ Chiến dịch "Tô cam - Hành động chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em". Đây là chiến dịch do Tập đoàn TH, Ngân hàng TMCP Bắc Á, UN Women và Quỹ Vì Tầm Vóc Việt phối hợp triển khai từ ngày 15/11 - 15/12/2023, với mục đích nâng cao nhận thức cộng đồng về vấn đề bạo lực với phụ nữ và trẻ em, đồng thời thúc đẩy các hành động thiết thực để hỗ trợ cho nạn nhân của bạo lực.

MỚI - NÓNG
Phó Chủ tịch ICDV gọi núi Bà Đen là “thiên đường” khi đến tham quan và thảo luận về Vesak 2025
Phó Chủ tịch ICDV gọi núi Bà Đen là “thiên đường” khi đến tham quan và thảo luận về Vesak 2025
Ngày 28/9/2024, khu du lịch núi Bà Đen Tây Ninh đón Ban tổ chức cùng đoàn đại biểu của Ủy ban Tổ chức Quốc tế Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc (ICDV) đến thăm và Thảo luận chương trình Đại lễ Vesak 2025. Tại đây, các đại biểu đồng nhất cho rằng núi Bà Đen sẽ là điểm phải đến của hàng nghìn đại biểu trong dịp Đại lễ Vesak.