Thủ tướng yêu cầu xử lý nghiêm trường hợp không chấp hành cách ly

Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu rà soát, cập nhật phương án, kế hoạch cách ly trên diện rộng
Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu rà soát, cập nhật phương án, kế hoạch cách ly trên diện rộng
TPO - Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Tư pháp đề xuất các hình thức xử lý nghiêm khắc, đủ sức răn đe; chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế đề xuất xử lý các trường hợp vi phạm về khai báo y tế, không chấp hành cách ly.

Yêu cầu trên được Thủ tướng Chính phủ đưa ra tại Chỉ thị số 13 về việc tiếp tục đẩy mạnh phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới.

Kiểm soát chặt nguồn lây bệnh

Cho đến nay, dịch bệnh Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, xảy ra tại 105 quốc gia với 114 ngàn người nhiễm bệnh và chưa có dấu hiệu dừng lại. Trước diễn biến mới của dịch bệnh, để giảm thiểu tối đa lây lan, Thủ tướng chỉ thị các bộ, ngành, địa phương chuẩn bị tốt nhất, sẵn sàng cho mọi tình huống; tiếp tục quán triệt tinh thần “chống dịch như chống giặc”, sẵn sàng hy sinh lợi ích kinh tế để bảo vệ tốt nhất sức khỏe và tính mạng của nhân dân.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chủ động ngăn chặn, phát hiện nhanh và kiểm soát chặt chẽ nguồn lây bệnh; tổ chức cách ly hoặc giám sát người đã tiếp xúc với người bệnh theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế; rà soát người nhập cảnh trong 14 ngày qua nhưng không thuộc diện cách ly tập trung, phát hiện kịp thời nguồn lây bệnh.

Bên cạnh đó phải kiểm soát chặt chẽ người nhập cảnh qua các cửa khẩu hàng không, trên bộ, hàng hải; lưu ý kiểm soát chặt chẽ việc nhập cảnh qua biên giới Tây Nam; tạm dừng việc miễn thị thực đơn phương và hiệu lực giấy miễn thị thực đã cấp cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài và người nước ngoài là vợ, chồng, con của người Việt Nam tại các nước Đan Mạch, Na Uy, Phần Lan, Thụy Điển, Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha.

Thực hiện khai báo y tế bắt buộc đối với tất cả các hành khách nhập cảnh Việt Nam theo quy định, quản lý thông tin khai báo chặt chẽ, hiệu quả và phát hiện sớm để thực hiện cách ly đối với những trường hợp đến từ hoặc đi qua vùng dịch; hạn chế tối đa các chuyến bay giữa Việt Nam đến các vùng có dịch và ngược lại (kể cả của các hãng hàng không nước ngoài).

Quản lý chặt chẽ hoạt động du lịch, bảo đảm an toàn; phối hợp với các bộ liên quan kiểm tra, phát hiện và xử lý kịp thời nguy cơ lây nhiễm bệnh từ nước ngoài qua đường du lịch; tạm hoãn các đoàn đi công tác nước ngoài; trường hợp đặc biệt phải được Thủ tướng Chính phủ cho phép; khuyến cáo người dân không ra nước ngoài, nhất là đến các vùng có dịch.

Sẵn sàng phương án cách ly diện rộng

Thủ tướng yêu cầu thực hiện nghiêm việc cách ly và chuẩn bị sẵn sàng phương án cách ly trên diện rộng. Thực hiện các biện pháp cách ly phù hợp đối với tất cả các trường hợp nhập cảnh đến từ, đi qua vùng có dịch tại các cơ sở cách ly; thực hiện sàng lọc và áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp đối với từng loại trường hợp tại các khu cách ly tập trung, không để lây chéo.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao kịp thời công bố danh sách quốc gia, vùng lãnh thổ có dịch để áp dụng biện pháp cách ly tập trung đối với người nhập cảnh Việt Nam từ vùng dịch.

Cùng với đó, cần chăm lo bảo vệ sức khỏe, bảo đảm điều kiện sinh hoạt, không để lây nhiễm cho đội ngũ cán bộ, nhân viên, lực lượng vũ trang làm việc tại các khu cách ly tập trung; UBND các tỉnh, thành phố tổ chức khoanh vùng, cách ly và tiêu độc khử trùng ngay đối với những khu vực phát hiện có người nhiễm bệnh; kiểm soát chặt chẽ người ra vào khu vực cách ly.

Các Bộ Quốc phòng, Công an, Y tế, VHTT&DL, LĐTB&XH, UBND các tỉnh, thành phố đẩy nhanh việc chuẩn bị cơ sở vật chất, nhân lực để thực hiện việc cách ly; rà soát, cập nhật phương án, kế hoạch cách ly trên diện rộng; có phương án huy động khách sạn, cơ sở lưu trú…làm nơi cách ly tập trung.

Thủ tướng yêu cầu xử lý nghiêm, kể cả xử lý theo pháp luật hình sự các trường hợp đưa tin không đúng sự thật, gây hoang mang dư luận, mất ổn định xã hội và các hành vi găm hàng, tăng giá, gây bất ổn thị trường theo đúng quy định của pháp luật. Bộ Tư pháp đề xuất các hình thức xử lý nghiêm khắc, đủ sức răn đe; chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế đề xuất xử lý các trường hợp vi phạm về khai báo y tế, không chấp hành cách ly.

Người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp chủ động, tập trung chỉ đạo công tác phòng chống dịch coi đây là một nhiệm vụ trọng tâm; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân không thực hiện nghiêm túc chức trách, nhiệm vụ trong phòng, chống dịch bệnh…

Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cùng với việc quyết liệt phòng, chống dịch cần tích cực triển khai các giải pháp phòng chống dịch, đồng thời tập trung thực hiện quyết liệt các giải pháp cụ thể, hữu hiệu để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội.

MỚI - NÓNG
Thấy gì từ 9.000 tỷ đồng người dân gửi ngân hàng mỗi ngày?
Thấy gì từ 9.000 tỷ đồng người dân gửi ngân hàng mỗi ngày?
TPO - Theo thống kê mới nhất của Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối tháng 9 số tiền tiết kiệm được người dân và doanh nghiệp gửi vào ngân hàng là hơn 14 triệu tỷ đồng, tương đương hơn 9.000 tỷ đồng tiền gửi mỗi ngày. Theo chuyên gia, tiết kiệm vẫn sẽ là “hầm trú ẩn” an toàn của dòng tiền ở hiện tại khi nhìn vào con số tiền gửi vào ngân hàng.