Thủ tướng: Phản ứng chính sách chậm trễ gây thiếu nguồn cung xăng dầu

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Thủ tướng cho rằng các cơ quan chức năng chậm điều chỉnh định mức chi phí, sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu chưa thật sự hiệu quả, dẫn đến hoạt động kinh doanh khó khăn, gây thiếu nguồn cung tại một số địa phương.
Thủ tướng: Phản ứng chính sách chậm trễ gây thiếu nguồn cung xăng dầu ảnh 1

Thủ tướng Phạm Minh Chính. Ảnh: Như Ý

Nâng mức dự trữ quốc gia về xăng dầu

Chiều 5/11, báo cáo giải trình trước Quốc hội, Thủ tướng Phạm Minh Chính điểm lại những kết quả về kinh tế, xã hội thời gian qua.

Về công tác điều hành giá và bảo đảm nguồn cung xăng dầu, Thủ tướng cho biết, trước tình hình biến động của mặt hàng này, Chính phủ đã chủ động kịp thời giảm thuế nhập khẩu xăng dầu theo thẩm quyền và đề xuất Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, điều chỉnh giảm thuế bảo vệ môi trường 2 lần đối với xăng dầu để giảm giá, hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp. Chủ động chỉ đạo quyết liệt sản xuất của 2 nhà máy lọc hóa dầu trong nước đang vận hành ở công suất tối đa (đáp ứng khoảng 70 - 80% nhu cầu).

Thủ tướng: Phản ứng chính sách chậm trễ gây thiếu nguồn cung xăng dầu ảnh 2

Quốc hội tiến hành chất vấn Thủ tướng Chính phủ. Ảnh: Như Ý

Tuy nhiên, thời gian gần đây, do giá và nguồn cung xăng dầu tiếp tục biến động nhanh, chu kỳ ngắn, khó dự báo, chi phí đầu vào tăng; trong khi đó các cơ quan chức năng chậm điều chỉnh định mức chi phí, sử dụng Quỹ Bình ổn giá chưa thật sự hiệu quả, dẫn đến hoạt động kinh doanh khó khăn, gây thiếu nguồn cung tại một số địa phương.

“Sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý còn thiếu chặt chẽ, chưa kịp thời ứng phó hiệu quả với diễn biến nhanh, phức tạp của thị trường quốc tế, trong nước về xăng dầu", Thủ tướng Phạm Minh Chính.

"Các quy định thiết lập trong tình hình bình thường. Đến khi tình hình không bình thường thì chúng ta vẫn sử dụng biện pháp bình thường, dẫn đến phản ứng chậm trễ”, Thủ tướng nói.

Trước tình hình, Thủ tướng cho biết đang chỉ đạo các cơ quan liên quan phản ứng chính sách kịp thời, phối hợp hiệu quả để khắc phục bằng được hạn chế, yếu kém nêu trên, bảo đảm cung ứng đủ xăng dầu cho sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng trong mọi tình huống.

Cùng với đó, khẩn trương rà soát, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật liên quan, bảo đảm tính chủ động, linh hoạt, hiệu quả trong quản lý hoạt động kinh doanh xăng dầu. Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước; tăng cường phòng chống buôn lậu, đầu cơ xăng dầu và công tác giám sát, kiểm tra, xác định trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan để xử lý nghiêm vi phạm theo quy định của pháp luật. Nghiên cứu, thực hiện nâng tổng mức dự trữ quốc gia và tăng cường năng lực sản xuất trong nước.

Bảo đảm thị trường chứng khoán, trái phiếu lành mạnh

Đối với thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản, Thủ tướng cho biết, Chính phủ đã tập trung chỉ đạo từng bước hoàn thiện khung khổ pháp lý để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, thúc đẩy các thị trường này phát triển. Đến nay, thị trường vốn đã cơ bản phát triển đầy đủ với các cấu phần gồm thị trường cổ phiếu, trái phiếu và chứng khoán phái sinh. Quy mô các thị trường này và thị trường bất động sản tăng mạnh.

Thủ tướng: Phản ứng chính sách chậm trễ gây thiếu nguồn cung xăng dầu ảnh 3

Thủ tướng Phạm Minh Chính báo cáo giải trình một số vấn đề trong phiên chất vấn

Tuy nhiên, thời gian gần đây các thị trường này tăng trưởng nóng, tiềm ẩn rủi ro. Nguyên nhân chủ yếu là do nhu cầu huy động vốn của doanh nghiệp tăng cao trong khi tiếp cận vốn tín dụng được kiểm soát chặt chẽ; đa số các nhà đầu tư là nhỏ lẻ, thiếu kinh nghiệm, kỹ năng hạn chế.

"Một số ít doanh nghiệp vi phạm quy định trong phát hành trái phiếu. Thị trường bất động sản có cơ cấu chưa hợp lý, mặt bằng giá tăng cao và thanh khoản gặp khó khăn", Thủ tướng Phạm Minh Chính.

Cùng với việc tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các vi phạm, Thủ tướng cho biết đã chỉ đạo sửa đổi các quy định pháp luật liên quan và thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp khắc phục tình trạng yếu kém; đồng thời có giải pháp phù hợp, hiệu quả bảo đảm các thị trường này hoạt động minh bạch, lành mạnh, bền vững theo quy định của pháp luật.

Thời gian tới, Chính phủ tiếp tục tập trung chỉ đạo rà soát, hoàn thiện thể chế, trước hết là đề xuất Quốc hội sửa đổi pháp luật về chứng khoán, doanh nghiệp và sửa một số nghị định, thông tư liên quan. Tăng cường công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình, tính tuân thủ của các doanh nghiệp, đối tác tham gia thị trường. Rà soát, có giải pháp chấn chỉnh, nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức đầu tư, cung cấp dịch vụ. Kiểm soát tốt hơn hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất, huy động vốn của các doanh nghiệp bất động sản.

MỚI - NÓNG