Báo cáo tại cuộc làm việc, Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan thẳng thắn nêu ra những điểm nghẽn lớn của sản xuất nông nghiệp hiện nay. Đó là sự manh mún, tự phát, nhỏ lẻ trong nền sản xuất nông nghiệp. “Nếu không giải quyết được được điều này này thì sự phát triển của nông nghiệp sẽ luôn đụng trần, cả về năng suất, sản lượng, giá trị gia tăng, sức cạnh tranh hàng hóa…”, ông Hoan nói.
Đề cập đến giải pháp, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, phải chuyển từ tư duy “sản xuất nông nghiệp” sang tư duy “kinh tế nông nghiệp”; Chuyển từ “chuỗi liên kết cung ứng nông sản” sang “chuỗi liên kết giá trị ngành hàng”; Chuyển từ “nền nông nghiệp sản lượng cao” sang “nền nông nghiệp công nghệ cao, sinh thái, trách nhiệm, bền vững”…
Đặc biệt, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT nhấn mạnh đến việc chuyển từ mục tiêu “hỗ trợ kinh tế hộ” sang “hỗ trợ kinh tế tập thể”, tập trung nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của HTX nông nghiệp và các hình thức hợp tác khác; từng bước chuyên nghiệp hoá hoạt động của các chủ thể.
Chia sẻ với những giải pháp mà Bộ NN&PTNT nêu ra, Thủ tướng Pham Minh Chính nhấn mạnh rằng: “Nghĩ phải thật, nói phải thật, làm phải thật, hiệu quả thật, người nông dân được hưởng thụ thật”.
Theo Thủ tướng, phải xác định trụ cột chính của ngành là nông nghiệp, nông thôn và nông dân, các trụ cột này sẽ góp phần tiếp tục ổn định chính trị và thúc đẩy phát triển công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước. “Người nông dân phải là chủ thể, là trung tâm. Mọi hoạt động của các đồng chí phải xoay quanh người nông dân, phải nâng cao đời sống tinh thần vật chất cho họ”, Thủ tướng nêu rõ.
Khẳng định, tư tưởng rất quan trọng, mà “tư tưởng không thông thì bình tông cũng nặng”, Thủ tướng lấy ví dụ về dự án một hồ chứa nước ở Quảng Ninh, bị “treo” nhiều năm do thiếu vốn giải phóng mặt bằng, nhưng khi tư tưởng người dân đã thông, đã hiểu rõ lợi ích của hồ chứa nước đối với mình, thì chỉ 1 tháng sau là hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng mà không mất một đồng vốn, do người dân tự nguyện hiến đất.
Về nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, Thủ tướng cho rằng, cần phát triển mạnh mẽ, hợp lý hệ thống hợp tác xã gắn với tái cơ cấu ngành NN&PTNT, nhất trí cho rằng cần xây dựng một nghị quyết của Chính phủ về vấn đề này.
Tán thành đề xuất của Bộ NN&PTNT về chương trình OCOP (mỗi xã một sản phẩm) quốc gia 2021 – 2025, Thủ tướng cho rằng, chương trình góp phần thúc đẩy sản xuất quy mô lớn. Chương trình cần xác định 5 điểm quan trọng: xác định thương hiệu sản phẩm; quy hoạch vùng nguyên liệu; có doanh nghiệp để có đầu vào, đầu ra; phải có sự tham gia của ngân hàng; áp dụng khoa học công nghệ.