Tối 21/6 diễn ra Lễ trao giải báo chí Quốc gia lần thứ XIII năm 2018. Đến dự chương trình có Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, Nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng, Trưởng ban Tổ chức T.Ư Phạm Minh Chính, Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư Võ Văn Thưởng...
Phản ánh sinh động đời sống xã hội
Theo Chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam Thuận Hữu, qua 13 năm tổ chức, đến nay, Giải Báo chí quốc gia ngày càng thu hút sự tham gia chủ động, tích cực, hào hứng của các cấp Hội, các cơ quan báo chí, hội viên nhà báo, cộng tác viên trong cả nước. Hội đồng sơ khảo đã lựa chọn, trình lên Hội đồng chung khảo danh sách 147 tác phẩm thuộc 11 loại giải, được lựa chọn từ 1.671 tác phẩm đủ điều kiện dự Giải. Đây là năm có số lượng tác phẩm dự giải ở mức cao từ trước đến nay. Trong số 147 tác phẩm lọt vào vòng chung khảo, hội đồng đã chọn được 106 tác phẩm xuất sắc để trao 6 giải A, 24 giải B, 42 giải C và 34 giải Khuyến khích.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại lễ trao giải. Ảnh: Như Ý
Phát biểu tại Lễ trao giải, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, trong năm qua, báo chí nước nhà bám sát chủ trương đường lối của Đảng, Nhà nước, phản ánh sinh động mọi mặt đời sống chính trị, kinh tế, xã hội, tích cực tuyên truyền giá trị tốt đẹp, những nhân tố mới, mô hình, cách làm hay, biểu dương tấm gương người tốt việc tốt, hình ảnh đất nước con người Việt Nam thân thiện, hòa bình, hữu nghị đến với bạn bè thế giới.
“Các nhà báo là những chiến sĩ xung kích, đi đầu trên mặt trận đấu tranh phản bác những luận điệu xuyên tạc, sai trái, góp phần bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc, cũng như bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ XHCN, tích cực đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, phê phán những biểu hiện suy thoái đạo đức, lối sống trong xã hội. Qua đó góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế xã hội, củng cố quốc phòng an ninh của đất nước thời gian vừa qua”, Thủ tướng nói.
Theo Thủ tướng, báo chí đã trở thành lực lượng xung kích tin cậy của Đảng, Nhà nước trên mặt trận thông tin tuyên truyền. Với đội ngũ hùng hậu trên 18 nghìn nhà báo được cấp thẻ có tính chuyên nghiệp cao và tiếp cận nhanh với công nghệ báo chí hiện đại, người làm báo thật sự là người chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng, văn hóa như Bác Hồ kính yêu đã dạy. “Ngòi bút của các bạn cũng là những vũ khí sắc bén trong sự nghiệp phò chính, trừ tà”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Đấu tranh chống tham nhũng
Thủ tướng cũng chia sẻ những khó khăn mà báo chí và đội ngũ người làm báo phải đối mặt trong bối cảnh báo chí chính thống bị mạng xã hội cạnh tranh quyết liệt cả về mức độ ảnh hưởng, thị phần thông tin, quảng cáo, tài chính báo chí...
Thủ tướng cho rằng, đất nước ta đang trên đà đổi mới, phát triển và hội nhập quốc tế sâu sộng, mở ra những cơ hội thuận lợi, không gian phát triển rộng lớn nhưng cũng phải đối mặt với không ít khó khăn thách thức. Nhiệm vụ đặt ra là hết sức nặng nề với báo chí cách mạng Việt Nam, cần bám sát sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, bám sát tình hình trong nước và quốc tế, phản ánh đầy đủ, chính xác, kịp thời về đời sống xã hội của đất nước, phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân.
Nhà báo Lê Minh Tuấn thay mặt nhóm tác giả Báo Tiền Phong nhận giải C giải Báo chí Quốc gia 2018. Ảnh: Như Ý
Thủ tướng đề nghị, báo chí cách mạng Việt Nam cần phát huy giá trị cốt lõi của mình như tính cách mạng và tiên phong, phản ánh trung thực hình ảnh đất nước Việt Nam đang phát triển năng động, đổi mới, môi trường sống an toàn, thân thiện, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, uy tín vị thế trên trường quốc tế tiếp tục được nâng cao.
“Thông tin tích cực phải là dòng chủ lưu. Báo chí viết về tham nhũng tiêu cực cũng phải trên tinh thần đấu tranh, xây dựng, chú trọng tuyên truyền về những tích cực, việc tốt, người tốt, điển hình tiên tiến, nhân rộng các phong trào thi đua yêu nước gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và lan tỏa những giá trị tốt đẹp, tạo niềm tin, tạo sự đồng thuận của xã hội, góp phần khơi dậy và nuôi dưỡng khát vọng về một Việt Nam hùng cường, giàu mạnh”, Thủ tướng nói đồng thời nhấn mạnh, cần tăng cường phát hiện, đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, tự diễn biến, sự suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức lối sống và những tiêu cực khác trong đời sống, nhất là trong cán bộ, Đảng viên.
Thủ tướng Chính phủ cũng cho rằng, sự xuất hiện của mạng xã hội bên cạnh mặt tích cực, tình trạng thông tin thiếu kiểm chứng, xuyên tạc, xấu độc, thông tin giả mạo gây hại cho xã hội đang ngày càng gia tăng, có nguy cơ lấn át thông tin chính thống.
“Hơn lúc nào hết, báo chí phải thể hiện những nguyên tắc cơ bản của nghề báo, chính xác, chính thống, nhanh nhạy, có kiểm chứng, khẳng định vai trò dẫn dắt thông tin của báo chí. Cần chú trọng công tác rèn luyện, đào tạo, bồi dưỡng xây dựng đội ngũ người làm báo vững vàng về bản lĩnh chính trị, tinh thông nghề nghiệp, bắt kịp công nghệ báo chí hiện đại, có đạo đức nghề nghiệp trong sáng và phải coi đây là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu”, Thủ tướng nói đồng thời đề nghị Hội Nhà báo phải phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý và cơ quan báo chí quán triệt và triển khai hiệu quả quy hoạch báo chí nhằm xây dựng nền báo chí cách mạng chuyên nghiệp, lành mạnh, góp phần định hướng tư tưởng, nâng cao dân trí, giữ gìn bản sắc, phát triển văn hóa con người Việt Nam trong giai đoạn mới.
Báo Tiền Phong đạt giải C
Tại lễ trao giải, Ban Tổ chức đã trao giải C cho loạt bài “Thấy gì qua một vụ bê bối mạng xã hội” đăng trên báo Tiền Phong từ ngày 8 đến 12/5/2018 của nhóm tác giả Dương Phương Vinh, Lê Minh Tuấn. Ngoài ra, loạt bài “Tôi đi làm công nhân Samsung” của tác giả Trịnh Quỳnh Nga (bút danh Ngọc Linh) đăng trên báo Tiền Phong tháng 3/2018 được chọn vào vòng Chung khảo Giải báo chí quốc gia lần thứ XIII - năm 2018.