Sáng 2/3, tại Hà Nội, Quân uỷ Trung ương - Bộ Quốc phòng tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống Bộ đội Biên phòng (BĐBP), 30 năm Ngày Biên phòng toàn dân (3/3/2019) và trao tặng Huân chương Quân công Hạng nhất cho lực lượng biên phòng.
Tham dự lễ kỷ niệm có Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Các đồng chí Uỷ viên Bộ Chính trị: Trần Quốc Vượng, Thường trực Ban Bí thư; Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Phó Bí thư Quân uỷ Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc Phòng; Trương Thị Mai, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương; Nguyễn Văn Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương; Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an.
Tới dự buổi lễ còn có các đại biểu lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, MTTQ Việt Nam, Quân đội và các ban, bộ, ngành Trung ương, địa phương; đại biểu lão thành cách mạng, Mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, điển hình tiên tiến trong phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia…
Trung thành với Đảng, tận tuỵ với dân
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng nêu rõ: Trong chặng đường 60 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, sự thương yêu đùm bọc của nhân dân, sự quan tâm phối hợp, giúp đỡ hiệu quả của các cấp, ngành và địa phương, lực lượng BĐBP đã được rèn luyện, thử thách trong thực tiễn đấu tranh cách mạng, không ngừng phát triển, trưởng thành về mọi mặt.
Các thế hệ cán bộ, chiến sỹ BĐBP luôn thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ về tinh thần cần kiệm, liêm chính, dũng cảm, trung thành với Đảng, tận tuỵ với dân; nâng cao ý thức tự giác, khắc phục khó khăn, bám trụ nơi tuyến đầu của Tổ quốc, nơi biên giới, biển đảo; đồng cam cộng khổ, đoàn kết một lòng, gắn bó máu thịt với nhân dân; không ngừng phấn đấu vươn lên hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, góp phần bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.
Trong sự nghiệp đấu tranh thống nhất đất nước và bảo vệ Tổ quốc, BĐBP luôn nêu cao tinh thần quyết chiến, quyết thắng, đoàn kết, hiệp đồng chặt chẽ với các lực lượng, chiến đấu ngoan cường, anh hũng hy sinh, bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân, giữ vững từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc.
Bước vào thời kỳ đổi mới, từ năm 1989, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã quyết định tổ chức Ngày Biên phòng. Quốc hội Khóa VI thông qua Luật Biên giới Quốc gia, trong đó lấy ngày mùng 3/3 hàng năm trở thành Ngày Biên phòng toàn dân, nhằm huy động sức mạnh của toàn dân tộc để bảo vệ vững chắc chủ quyền, lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc.
BĐBP đã khắc phục nhiều khó khăn, luôn giữ vững bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức cách mạng, xây dựng ý chí quyết tâm, không ngừng đổi mới phương pháp, tác phong công tác; chủ động phối hợp với các cấp, các ngành, các lực lượng thực hiện tốt ba chức năng về quốc phòng, an ninh và đối ngoại. Tích cực tham gia xây dựng củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở, giúp đỡ nhân dân khu vực biên giới, phát triển kinh tế xã hội, nâng cao dân trí, xóa đói giảm nghèo, khám chữa bệnh cho đồng bào; phòng chống khắc phục hậu quả thiên tai, tìm kiếm cứu nạn.
“Các đồng chí luôn thực hiện tốt phương châm: “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc anh em là ruột thịt”. Luôn là lực lượng gần dân, hiểu dân, thường xuyên bám trụ, bám dân, bám địa bàn; thực hiện cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc; bảo vệ dân, bảo vệ biên giới; được Đảng, Nhà nước, các ban ngành đoàn thể, cấp ủy, chính quyền địa phương và nhân dân khu vực biên giới ghi nhận, tin tưởng và đánh giá cao. Nhiều chương trình, mô hình, phong trào do BĐBP phát động đạt hiệu quả tốt, có tính nhân văn và tính lan tỏa sâu rộng”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.
Theo Thủ tướng Chính phủ, qua việc tổ chức thực hiện Ngày Biên phòng toàn dân, nhận thức của các cấp ủy, Đảng, chính quyền, các tầng lớp nhân dân về công tác biên phòng và nhiệm vụ bảo vệ biên giới quốc gia ngày càng được nâng lên.
Ngày Biên phòng toàn dân đã trở thành ngày hội của nhân dân các dân tộc khu vực biên giới. Các địa phương đã xuất hiện nhiều phong trào thi đua trong công tác quản lý bảo vệ biên giới quốc gia như “Quần chúng tham gia tự quản đường biên, cột mốc và an ninh trật tự xóm, bản khu vực biên giới”; “Thanh niên xung kích bảo vệ đường biên”; “Người phụ nữ vì biên giới”... Qua đó, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới, biển đảo; đời sống nhân dân từng bước được cải thiện, quan hệ đoàn kết, hữu nghị với các nước láng giềng được củng cố và tăng cường.
“Đảng, Nhà nước và nhân dân ta ghi nhận và đánh giá cao sự nỗ lực cố gắng vượt qua khó khăn, thách thức và những chiến công vẻ vang, những thành tựu to lớn mà BĐBP đã đạt được trong suốt 60 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành”, Thủ tướng nói.
Dựa vào dân, lấy dân làm gốc
Khẳng định biên giới là phên dậu quốc gia, là thiêng liêng, bất khả xâm phạm, được cha ông ta dày công xây dựng, gìn giữ từ hàng ngàn đời nay, Thủ tướng cho biết Đảng, Nhà nước ta luôn coi trọng và xác định bảo vệ biên giới quốc gia là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng mang tính sống còn đến sự phát triển ổn định, bền vững của đất nước.
“Nghị quyết số 33 của Bộ Chính trị khẳng định bảo vệ biên giới quốc gia là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của cả hệ thống chính trị và cả nước. Dựa vào dân, lấy dân làm gốc, nhân dân là chủ thể. Mỗi người dân biên giới là một cột mốc sống, lực lượng vũ trang nhân dân làm nòng cốt, BĐBP là lực lượng chuyên trách, lực lượng chiến đấu đầu tiên bám trụ đến cùng để bảo vệ và giữ vững biên giới quốc gia”, Thủ tướng nói.
Theo Thủ tướng, trong bối cảnh mới, yêu cầu đổi mới và hội nhập, hợp tác và phát triển đòi hỏi phải tăng cường hơn nữa công tác quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, nhiệm vụ đặt ra là rất nặng nề nhưng cũng rất vẻ vang với những yêu cầu mới cao hơn cho cả hệ thống chính trị và toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, đặc biệt là BĐBP.
Để thực hiện ngày càng tốt hơn nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước, Quân đội và nhân dân giao phó, Thủ tướng đề nghị BĐBP cần chủ động hơn nữa, phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành, các lực lượng và các cơ quan chức năng, thực hiện tốt một số nội dung chủ yếu.
Đó là quán triệt sâu sắc, tập trung thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia theo các Nghị quyết của Đảng, Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia, chương trình hành động, các đề án, các kế hoạch công tác của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP bằng những giải pháp, hành động thiết thực, cụ thể và kịp thời. Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 Khóa 12 gắn với Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị, xây dựng Đảng bộ BĐBP vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Tham gia xây dựng, củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, xây dựng khu vực biên giới vững mạnh, gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh. Xây dựng nền biên phòng toàn dân và thế trận biên phòng toàn dân vững mạnh, ổn định lâu dài trong nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc ở khu vực biên giới.
Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, hệ thống pháp luật về biên giới quốc gia và BĐBP. Đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là trong công tác kiểm soát xuất nhập cảnh. Xây dựng BĐBP có chất lượng tổng hợp cao, vững về chính trị, tư tưởng, giỏi về quân sự, am hiểu về pháp luật, tinh thông về nghiệp vụ, thành thạo ngoại ngữ, nhất là tiếng các nước láng giềng, tiếng đồng bào dân tộc ở khu vực biên giới.
Triển khai công tác đối ngoại quốc phòng, đối ngoại biên phòng linh hoạt, sáng tạo và hiệu quả. Đẩy mạnh các hoạt động giao lưu, kết nghĩa giữa lực lượng bảo vệ biên giới và nhân dân hai bên biên giới. Xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác, phát triển với các nước láng giềng. Thực hiện vừa hợp tác, vừa đấu tranh; kiên quyết, kiên trì, khôn khéo, linh hoạt, mềm dẻo trong giải quyết các tranh chấp chủ quyền, lãnh thổ….