Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Phải bảo tồn nguyên trạng cầu Long Biên

Cầu Long Biên (ảnh chụp chiều 27/2/2014). Ảnh: như ý
Cầu Long Biên (ảnh chụp chiều 27/2/2014). Ảnh: như ý
TP - Tại cuộc họp Chính phủ thường kỳ ngày 28/2, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu bảo tồn nguyên trạng, không dỡ cầu Long Biên như một số đề xuất trước đó. Thủ tướng giao Bộ GTVT và TP Hà Nội phải thống nhất phương án làm cầu đường sắt mới.

Không động đến cầu Long Biên

Đề cập dự án đường sắt đô thị số 1, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng than phiền việc thực hiện dự án quá chậm, nhiều phương án, ý kiến nhưng chưa kết luận được. Bộ trưởng Thăng khẳng định, quan điểm của Bộ GTVT là thống nhất theo phướng án làm cầu mới cách cầu Long Biên 30m, không động đến cầu Long Biên. 

Đây là phương án chi phí ít nhất, giải phóng mặt bằng thấp nhất. Tuy nhiên, Hà Nội lại có phương án khác, đề nghị hội thảo lại nên lại xảy ra rắc rối. Còn phương án xây cầu mới cách cầu Long Biên 186m là không khả thi “đảm bảo không giải phóng mặt bằng được. Hàng nghìn hộ dân, phố cổ như thế giải phóng sao được, như thế rồi lại tắc”. Bộ trưởng Thăng đề nghị Thủ tướng chủ trì cuộc họp và có quyết định sớm phương án.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho biết, Chính phủ đã xem xét phương án xây cầu mới cách cầu Long Biên 186 m, tuy nhiên sau đó Hà Nội lại đề nghị phương án khác do lo ngại khó khăn trong giải phóng mặt bằng. “Không rõ Hà Nội muốn gì trong dự án này?”, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đặt câu hỏi. Tham gia phiên họp có Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Hồng Khanh nhưng ông Khanh không đăng ký phát biểu.

“Cầu dịch đi chỗ khác bảo tồn nghe hơi lạ”

Đó là nhận xét của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về phương án di chuyển cầu Long Biên. “Lấy cây cầu dịch lên trên, đem đi chỗ khác bảo tồn nghe hơi lạ”, Thủ tướng nói và cho rằng không nên bàn ý tưởng tháo dỡ cây cầu này.

Thủ tướng cho biết, khi làm việc với Tổng thống, Thủ tướng Pháp, họ đều muốn Việt Nam giữ lại cầu Long Biên và sẽ góp phần tài trợ bảo tồn. Thủ tướng khẳng định, quan điểm từ trước tới nay là giữ nguyên cầu Long Biên, còn làm cầu đường sắt mới chỗ nào tốt nhất, hay nhất thì các bên phải ngồi lại với nhau. “Đối với cầu Long Biên, phải có phương án phục hồi cụ thể, sử dụng theo công năng cho phù hợp. Còn đối với cầu vượt sông phục vụ tuyến đường sắt số 1 cũng phải bàn cho cụ thể, cách 30, 50 hay 200 m thì Bộ GTVT và Hà Nội ngồi lại tính toán”- Thủ tướng chốt lại nội dung này.

MỚI - NÓNG