Sáng 13/12 tại Hà Nội, Đại học Kinh doanh và Công nghệ tổ chức lễ kỷ niệm 20 năm thành lập và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất.
Dự và phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng biểu dương những thành tích mà Đại học Kinh doanh và Công nghệ đã đạt được, đặc biệt là những đóng góp, cống hiến của GS. Hiệu trưởng Trần Phương, người có nhiều kinh nghiệm lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội của đất nước với trọng trách là Phó Thủ tướng Chính phủ. Sau khi nghỉ hưu nhưng GS. Trần Phương vẫn rất tâm huyết, trách nhiệm với sự nghiệp trồng người, đã xây dựng và phát triển Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội to đẹp như ngày hôm nay.
Được thành lập từ năm 1996, Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội là một trong những trường đại học ngoài công lập đầu tiên ở nước ta theo chủ trương xã hội hóa giáo dục đào tạo của Đảng và Nhà nước.
Qua 20 năm xây dựng và trưởng thành, từ 3 ngành học khi mới thành lập, đến nay Trường đã có 20 ngành ở 4 khối đào tạo đại học, 4 ngành ở trình độ thạc sĩ và 1 ngành học tiến sĩ. Trường xây dựng được đội ngũ cán bộ giảng dạy có trình độ cao, trong đó có với gần 200 giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ và trên 600 thạc sĩ, bảo đảm có trên 70% giảng viên đạt trình độ từ thạc sĩ trở lên. Trường đã tiếp nhận 117.000 sinh viên, trong đó có 1.000 sinh viên Lào, Campuchia; đã cấp bằng tốt nghiệp trên 64.000 cử nhân, kỹ sư, kiến trúc sư, hàng ngàn thạc sĩ.
Cùng với đội ngũ của nhà trường, cơ sở vật chất kỹ thuật của Trường đã tăng lên 10 lần so với lúc được thành lập.
“Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội có mô hình tổ chức quản lý theo cơ chế phi lợi nhuận và chú trọng chất lượng đầu ra. Những kết quả đạt được của Trường đã khẳng định sự đúng đắn đường lối xã hội hóa giáo dục của nước ta”, Thủ tướng nhìn nhận và đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu, tổng kết, cùng với những mô hình thành công khác trong xây dựng cơ sở giáo dục đại học để rút kinh nghiệm tiếp tục hoàn thiện và nhân rộng.
Thủ tướng thăm Khoa Y của Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ. Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Thủ tướng đặt ra 5 yêu cầuNhân dịp này, Thủ tướng mong muốn Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ tập trung thực hiện có hiệu quả một số nhiệm vụ trọng tâm.
Đó là thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện nội dung, phương thức đào tạo để phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất của người học; học đi đôi với hành, lý luận gắn với thực tiễn, đây là thế mạnh của Trường, cần đặc biệt chú trọng, phát huy. Đào tạo phải gắn với nhu cầu thị trường lao động. Đội ngũ sinh viên tốt nghiệp có đủ năng lực, trình độ thực tiễn, đáp ứng tốt nhu cầu của nhà tuyển dụng, không chỉ là các doanh nghiệp trong nước, đáp ứng được nhu cầu nhân lực kỹ thuật cao của nhà đầu tư nước ngoài.
Thứ hai, Trường cần tiếp tục phát huy thế mạnh của mình, xây dựng đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý ngày càng vững mạnh. Đồng thời, cần đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, thực hiện các đề tài nghiên cứu, tham gia phản biện và nghiên cứu góp phần hoàn thiện thể chế, chính sách của Đảng và Nhà nước, phải gắn kết chặt chẽ giữa hoạt động giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Nếu chỉ có giảng dạy mà không nghiên cứu thì cũng chỉ là giảng dạy những lý thuyết, ngược lại, nếu chỉ có nghiên cứu mà không giảng dạy thì không truyền tải được kết quả nghiên cứu, khiến cho nghiên cứu không có giá trị học tập và ứng dụng. Các nghiên cứu phải gắn với thực tiễn đời sống kinh tế xã hội, giải quyết được những vấn đề mà nền kinh tế, doanh nghiệp và xã hội đặt ra, đặc biệt là có khả năng công bố quốc tế.
Thứ ba, Thủ tướng mong muốn các em sinh viên cần có quyết tâm cao để học thật giỏi, rèn luyện đạo đức, nhân cách, nêu cao tinh thần yêu nước, tinh thần dân tộc, có những ước mơ, hoài bão lớn; năng động sáng tạo trong học tập, nghiên cứu và hoạt động thực tiễn, trang bị kiến thức cùng với các kỹ năng mềm thật tốt, chuẩn bị hành trang thật đầy đủ để vào đời một cách bản lĩnh và tự tin. Sau khi tốt nghiệp, dù công tác ở lĩnh vực nào, các em sinh viên phải luôn phấn đấu trở thành những công dân gương mẫu, tạo lập nền tảng kinh tế vững chắc cho bản thân và gia đình, đóng góp tích cực cho sự phát triển và tiến bộ xã hội.
Thủ tướng thăm Phòng Công nghệ thông tin của Nhà trường. Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Thứ tư, Thủ tướng đề nghị Nhà trường tiếp tục quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật phục vụ dạy và học (phòng học, thư viện, trang thiết bị thực hành...); ưu tiên dành phần thặng dư ngân sách hàng năm có được để tái đầu tư như thời gian qua trường đã làm. Cấp nhiều học bổng cho sinh viên xuất sắc, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, sinh viên học các chuyên ngành sư phạm ở vùng sâu, vùng xa, thuộc các dân tộc thiểu số.Thứ năm, Trường cần không ngừng hoàn thiện mô hình tổ chức, hoạt động để trở thành một điển hình tốt về cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập; tích cực đóng góp, đề xuất các cơ chế, chính sách liên quan với các cơ quan chức năng để tiếp tục hoàn thiện mô hình giáo dục đại học ngoài công lập và hệ thống giáo dục nói chung.
Bốn câu hỏi lớn về đại học tư thục
Nhân dịp này, Thủ tướng cho biết ông và Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo muốn lắng nghe quan điểm của Đại học Kinh doanh và Công nghệ về một số vấn đề then chốt.
Một là vấn đề tuyển sinh. Nhiều trường đại học tư thục gặp khó khăn trong vấn đề tuyển sinh, kinh nghiệm thành công trong tuyển sinh của trường là gì? Thủ tướng đề nghị Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội mạnh dạn đề xuất mô hình và giải pháp đột phá trong tuyển sinh của trường nói riêng cũng như cho tất cả các trường đại học nói chung. Có cần sự tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong công tác tuyển sinh cao hơn nữa hay không?
Hai là vấn đề tự chủ đại học. Là một trường đại học tư thục, Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội có được trao quyền tự chủ tối đa trong quản trị đại học hay không? Thủ tướng muốn nghe các đề xuất từ phía trường trong vai trò là một trường đại học tư thục về những chính sách và giải pháp để nâng cao tính tự chủ trong quản trị đại học của trường nói riêng, các trường tư thục nói chung thời gian tới.
Vấn đề thứ ba là huy động nguồn lực, nguồn viện trợ, tài trợ trong vai trò của mình. Từ góc nhìn của nhà trường, Chính phủ cần làm gì, bằng cơ chế và chính sách nào để người dân không chỉ có người giàu, bất kỳ người Việt Nam nào, trong nước hay nước ngoài, đều có thể đóng góp sức người, sức của, tiền bạc, vật chất, trí tuệ, vốn… vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam nói chung, giáo dục đại học Việt Nam nói riêng.
Thứ tư là vấn đề đất đai và cơ sở hạ tầng. Tiếp cận đất đai và đầu tư cơ sở hạ tầng đối với trường tư thục thường khó khăn và tốn kém đối với nhiều trường đại học. Với vị trí là một trường đại học tư thục, Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội có gặp khó khăn này không? Không chỉ trước mắt mà trên cơ sở định hướng phát triển lâu dài của mình, đâu là cơ chế và chính sách liên quan đến đất đai và vấn đề đầu tư cơ sở hạ tầng mà được cho là rào cản của Nhà nước nói riêng cũng như đối với các trường đại học tư thục hiện nay? Nhà trường có đề xuất gì để tháo gỡ các khó khăn này, không chỉ cho nhà trường mà cho cả khối trường đại học tư thục nói chung.
“Tôi rất mong có được những chia sẻ thẳng thắn, chân tình”, Thủ tướng bày tỏ.