Thủ tướng lưu ý tránh chủ quan, nóng vội muốn nới lỏng giãn cách

0:00 / 0:00
0:00
Thủ tướng Phạm Minh Chính (ảnh Nhật Minh)
Thủ tướng Phạm Minh Chính (ảnh Nhật Minh)
TPO - Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, việc chưa sử dụng triệt để và thống nhất các giải pháp công nghệ đã gây bất tiện cho người dân, tập trung đông người. Có nơi còn nóng vội trong việc nới lỏng các yêu cầu giãn cách khi chưa thật sự kiểm soát được dịch bệnh và chưa đạt độ bao phủ vắc xin cần thiết.

Có nơi nóng vội trong việc nơi lỏng giãn cách

Phát biểu kết luận cuộc họp của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch COVID-19, ngày 11/9, Thủ tướng cho rằng công tác phòng, chống dịch trong tuần qua đã có những kết quả tích cực. Trong số 23 địa phương thực hiện giãn cách và tăng cường giãn cách xã hội, đến nay, có 8 địa phương kiểm soát dịch tốt gồm: Hậu Giang, Bạc Liêu, Vĩnh Long, Phú Yên, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Cà Mau.

12/23 địa phương gồm Cần Thơ, Long An, Tiền Giang, Đồng Nai, Đồng Tháp, Hà Nội, Khánh Hòa, Đà Nẵng, Tây Ninh, Bình Phước, An Giang, Bà Rịa-Vũng Tàu đang tiếp tục lộ trình thực hiện đạt các tiêu chí kiểm soát dịch. TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương cũng đã có nhiều cố gắng, tình hình đang chuyển biến theo hướng tích cực.

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng chỉ ra một số hạn chế như việc giãn cách chưa thực hiện triệt để ở một số địa phương, có nơi, có lúc cực đoan. Có sự khác biệt về quy định đi lại của người dân, lưu thông hàng hóa, tạo ra ách tắc cục bộ, chậm được tháo gỡ. Tốc độ xét nghiệm chậm hơn tốc độ lây lan.

Thủ tướng lưu ý tránh chủ quan, nóng vội muốn nới lỏng giãn cách ảnh 1

Ban Chỉ đạo quốc gia họp về phòng, chống dịch COVID-19 (ảnh Nhật Minh)

Một số các biện pháp chuẩn bị chưa được kỹ lưỡng, thay đổi nhanh, thiếu nhất quán, chưa đánh giá tác động và chưa chuẩn bị truyền thông, gây bức xúc trong xã hội. Chưa sử dụng triệt để và thống nhất các giải pháp công nghệ, gây bất tiện cho người dân, tập trung đông người. Có nơi còn nóng vội trong việc nới lỏng các yêu cầu giãn cách khi chưa thật sự kiểm soát được dịch bệnh và chưa đạt độ bao phủ vắc xin cần thiết.

Thủ tướng yêu cầu tỉnh cần nỗ lực hơn, thực hiện nghiêm, hiệu quả các biện pháp phòng chống dịch, nhất là trong quản lý di chuyển, cách ly, chấp hành giãn cách xã hội. Ông đồng thời yêu cầu lãnh đạo các tỉnh kiểm điểm, rút kinh nghiệm, tổ chức thực hiện thật tốt để kiểm soát dịch.

Đặc biệt, trước diễn biến phức tạp tại Kiên Giang, Thủ tướng cho rằng, tỉnh đã quán triệt không hết, tổ chức thực hiện không tốt các biện pháp đã có đầy đủ, rất cụ thể trong các công điện gần đây của Thủ tướng. Các nguyên nhân gây bùng phát dịch đều đã có các bài học kinh nghiệm từ trước tại các địa phương khác, nhưng tỉnh vẫn chủ quan, lơ là. Khi có dịch lại chưa làm tốt việc xét nghiệm thần tốc để phát hiện, bóc tách F0.

Phòng dịch tốt thì không phải chống dịch

Về phương hướng phòng, chống dịch trong thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh mục tiêu giảm thấp nhất số ca tử vong, nhanh chóng kiểm soát được tình hình dịch bệnh trong thời gian giãn cách. Muốn vậy, phải có tư duy, nhận thức, phương pháp luận, cách tiếp cận thống nhất, không có người dân nào an toàn khi vẫn còn mắc bệnh COVID-19, không có địa phương nào an toàn nếu địa phương khác còn phải chống dịch.

Thủ tướng lưu ý tránh chủ quan, nóng vội muốn nới lỏng giãn cách ảnh 2

Thủ tướng lưu ý tránh nóng vội muốn mở lại ngay hoạt động sản xuất, kinh doanh (ảnh Nhật Minh)

Đặc biệt, ông lưu ý tránh 2 khuynh hướng: Lơ là, mất cảnh giác khi phòng, chống dịch mới đạt được kết quả ban đầu và chủ quan, nóng vội muốn mở lại ngay các hoạt động sản xuất, kinh doanh, khi chưa chuẩn bị tốt, chưa an toàn đã nới lỏng các biện pháp chống dịch.

“Phòng dịch tốt thì không phải chống dịch; một đồng phòng dịch hiệu quả thì không mất hàng triệu đồng chống dịch và nhất là sự mất mát về tinh thần, sức khỏe và tính mạng của người dân”, Thủ tướng nhấn mạnh và yêu cầu phải quán triệt tư tưởng này tới toàn hệ thống chính trị và từng người dân.

Về áp dụng công nghệ thông tin trong phòng, chống dịch, Thủ tướng yêu cầu thống nhất 1 app (ứng dụng) trong phòng chống dịch để thuận tiện nhất cho người dân. Ông cũng giao Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo việc trang bị ngay điện thoại bàn tại các trung tâm chỉ huy phòng chống dịch các cấp.

Thủ tướng giao Bộ Y tế chủ động hơn nữa trong chuẩn bị vắc xin cho năm tới và cho trẻ em. Hoàn thiện chiến lược tổng thể về phòng, chống dịch trong tình hình mới, tập trung vào vắc xin, xét nghiệm và điều trị. Tập trung nâng cao năng lực hệ thống đáp ứng để trở lại trạng thái bình thường mới vào năm 2022.

Người đứng đầu Chính phủ cũng lưu ý các địa phương khi ban hành theo thẩm quyền các quy định về phòng, chống dịch, nhất là vấn đề đi lại của người dân, giao thông, lưu thông hàng hóa, cần cân nhắc kỹ lưỡng cách làm, thời điểm thực hiện, đánh giá tác động, chuẩn bị truyền thông… phải bảo đảm hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với yêu cầu phòng, chống dịch trên địa bàn.

MỚI - NÓNG