Ngày 10/8, tại TPHCM, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính - Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng Đông Nam bộ (ĐNB) chủ trì Hội nghị lần thứ tư của Hội đồng điều phối vùng.
TPHCM đặt mục tiêu làm 510km đường sắt đô thị
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho biết, thực hiện Kết luận 49 của Bộ Chính trị về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045, Thành ủy TPHCM đã thành lập Tổ công tác xây dựng Đề án phát triển đường sắt đô thị thành phố, mời tổ tư vấn là các chuyên gia trong và ngoài nước góp ý cho đề án này.
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi trao đổi tại buổi làm việc. Ảnh: Ngô Tùng. |
Đề án đặt mục tiêu dự kiến đến năm 2030, TPHCM sẽ xây dựng thêm 183km đường sắt đô thị. Đến năm 2045, thành phố có thêm 168km, nâng tổng số đường sắt đô thị là 352km, đến năm 2060, hoàn thành mạng lưới đường sắt đô thị của TPHCM với tổng chiều dài là 510km, năng lực vận tải công cộng chiếm 50-60%.
Để triển khai khối lượng hệ thống đường sắt đô thị này, ông Mãi nhìn nhận, TPHCM xác định nguồn vốn trong nước và đầu tư công là chủ yếu. Trong đó, thành phố xác định nhu cầu vốn với các mục tiêu: Đến năm 2035, TPHCM cần khoảng 36 tỷ USD, năm 2045 cần 33 tỷ USD, năm 2060 cần 48 tỷ USD.
Theo ông Mãi, số tiền này được huy động qua nguồn đầu tư công của thành phố bằng cách bố trí hằng năm, tăng thu, tiết kiệm chi; nguồn từ khai thác quỹ đất; nguồn từ Trung ương hỗ trợ qua các dự án trọng điểm; nguồn từ vay trái phiếu chính quyền địa phương và sẽ trả từ các nguồn thu từ ngân sách thành phố.
“Để triển khai đề án này, TPHCM kiến nghị cần có cơ chế vượt trội trong xây dựng đề án, trong giải phóng mặt bằng, trong huy động vốn và quản lý. Nếu không có cơ chế vượt trội mà cứ thực hiện theo quy trình đầu tư công thì thành phố mất 20 năm để làm 20km metro số 1, như vậy để làm 500km sẽ mất hàng thế kỷ”, ông Mãi trao đổi.
Tìm chính sách riêng có phát triển Khu kinh tế Mộc Bài
Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Nguyễn Thanh Ngọc cho biết địa phương đã phối tích cực phối hợp các địa phương trong vùng triển khai các nhiệm vụ được Hội đồng vùng giao cho và đến hiện nay đã cơ bản hoàn thành.
Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Nguyễn Thanh Ngọc thông tin công tác triển khai dự án trọng điểm trên địa bàn. |
Với các nhiệm vụ phối hợp với TPHCM và các bộ, ngành, ông Nguyễn Thanh Ngọc bày tỏ tỉnh Tây Ninh đặc biệt cám ơn Thủ tướng đã quyết liệt để phê duyệt chủ trương đầu tư đường cao tốc TPHCM - Mộc Bài vào ngày 2/8 vừa qua. “Ngay sau khi Thủ tướng phê duyệt chủ trương, dù văn bản chưa về đến tỉnh, địa phương đã họp với các ngành và đã xây dựng kế hoạch rất cụ thể để phấn đấu thực hiện dự án Thành phần 4, hoàn thành việc đền bù, giải phóng mặt bằng để bàn giao trước ngày 30/4/2025 nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án này”, ông Ngọc thông tin.
Cũng theo Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh, đối với đồ án phát triển Khu kinh tế Mộc Bài theo định hướng công nghiệp đô thị - dịch vụ gắn với quốc phòng - an ninh, đến giờ này, với sự giúp đỡ tích cực của các bộ, ngành, UBND tỉnh đã hoàn thành quy hoạch chung và đã trình Thủ tướng ngày 28/6.
Để chủ động triển khai quy hoạch chung này sau khi Thủ tướng phê duyệt, ông Ngọc kiến nghị Thủ tướng với vai trò Chủ tịch Hội đồng vùng cho chủ trương tỉnh cùng với các bộ, ngành nghiên cứu cơ chế, chính sách riêng có cho khu kinh tế này để có thể triển khai tạo động lực phát triển cho khu khi được phê duyệt quy hoạch chung.
Phấn đấu khởi công cao tốc TPHCM - Mộc Bài dịp 30/4/2025
Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính hoan nghênh nỗ lực của các thành viên Hội đồng điều phối vùng cùng các bộ, ngành, địa phương liên quan để hoàn thành 3 nhiệm vụ quan trọng sau hội nghị lần thứ ba.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Ngô Tùng. |
Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng chỉ rõ, quá trình phát triển của vùng ĐNB trong thời gian qua vẫn còn đối mặt với một số hạn chế, khó khăn, trong đó mô hình tăng trưởng chậm chuyển đổi, khả năng chống chịu của nền kinh tế có hạn, động lực tăng trưởng của vùng đang chậm lại… Người đứng đầu Chính phủ nhìn nhận những hạn chế có phần đến từ lý do khách quan, nhất là sau đại dịch COVID-19, đầu tàu kinh tế TPHCM bị ảnh hưởng nặng nề và cần có thời gian hồi phục.
Từ đó, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn rà soát các mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra và quyết liệt nỗ lực, phấn đấu hoàn thành, góp phần vào mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn...
Giao nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành, địa phương được giao chủ trì khẩn trương hoàn thành nhiệm vụ nghiên cứu đối với các dự án vùng và liên vùng, gồm: Đề án Trung tâm tài chính quốc tế tại TPHCM, Trung tâm thương mại tự do tại Bà Rịa - Vũng Tàu, các hệ thống đường kết nối.
Thủ tướng giao TPHCM chủ trì, trình các cơ chế chính sách vượt trội thuộc thẩm quyền Quốc hội đối với Dự án đường Vành đai 4 TPHCM tại kỳ họp của Hội đồng vào tháng 11 tới.
Các địa phương TPHCM, Bình Dương, Tây Ninh, Bình Phước khẩn trương hoàn thành các thủ tục tiếp theo đối với đường cao tốc TPHCM - Mộc Bài, Chơn Thành - Gia Nghĩa, TPHCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, phấn đấu khởi công vào dịp 30/4/2025.