Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thắng cho biết, theo quy hoạch, dự kiến tổng nhu cầu vốn đầu tư hạ tầng giao thông vùng Đông Nam bộ khoảng 738.500 tỷ đồng, trong đó giai đoạn 2021 - 2025 cần khoảng 342.000 tỷ đồng, giai đoạn 2026 - 2030 nhu cầu khoảng 396.500 tỷ đồng, tập trung đầu tư vào các dự án trọng điểm, liên kết vùng, tạo động lực lan tỏa. Bộ GTVT đề xuất 5 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cần triển khai nhằm thu hút nguồn lực xây dựng mạng lưới giao thông của vùng.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, cần sớm hoàn thiện các quy hoạch tỉnh, quy hoạch vùng Đông Nam bộ, trong đó tích hợp đầy đủ, thống nhất và đồng bộ với 5 quy hoạch chuyên ngành GTVT đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trên cơ sở đó, xây dựng danh mục dự án ưu tiên kêu gọi đầu tư, huy động tối đa các nguồn lực ngoài ngân sách, sử dụng hiệu quả ngân sách nhà nước với mục tiêu “lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư nhân”, tập trung các dự án giao thông trọng điểm, có tác dụng lan tỏa, tạo ra liên kết vùng.
Lãnh đạo Bộ GTVT kiến nghị, cần nghiên cứu đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù có tính đột phá, vượt trội để đẩy mạnh phát triển vùng Đông Nam bộ, thúc đẩy liên kết vùng tương tự như một số cơ chế, chính sách thí điểm của TPHCM đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết 98.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trao đổi với các thành viên Hội đồng điều phối vùng Đông Nam bộ. Ảnh: Ngô Tùng |
Tại hội nghị, TS Trần Du Lịch cho biết, từ lâu ông và nhóm nghiên cứu đã ấp ủ khát vọng đưa vùng Đông Nam bộ phát triển xứng tầm, trong đó có tư duy xây dựng tứ giác phát triển: TPHCM - Bình Dương - Đồng Nai - Bà Rịa-Vũng Tàu như một cực tăng trưởng. Với Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị, chuyên gia này khẳng định: “ước mơ đó đã bắt đầu đi vào hiện thực” bởi nghị quyết trên đã mở ra không gian phát triển cho vùng với hướng phát triển đi vào những lĩnh vực, những ngành kinh tế tri thức, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và đặc biệt là hướng tới tham gia những công đoạn cao nhất trong chuỗi giá trị toàn cầu, phù hợp với xu hướng phát triển của thời đại. Về không gian đô thị, nghị quyết này cũng đề ra toàn bộ hệ thống giao thông kết nối vùng để làm nền tảng hình thành vùng đô thị như nhiều nước trên thế giới.
“Việc thành lập Hội đồng điều phối có sự tham gia của Thủ tướng Chính phủ sẽ là một quyết tâm chính trị rất cao để biến ước mơ phát triển vùng thành hiện thực”, TS Trần Du Lịch khẳng định.
Hệ thống đường cao tốc đóng vai trò là xương sống trong liên kết vùng. Trong ảnh: Nút giao Quốc lộ 51 - cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây. Ảnh: Huy Thịnh |
Chuyên gia này kiến nghị hội đồng vùng theo dõi, điều phối, đôn đốc hỗ trợ để triển khai đồng bộ các đề án, dự án đã phân công. Theo ông Lịch, hiện nay chưa có quy hoạch vùng, trong khi các địa phương trong vùng đang quy hoạch kinh tế - xã hội. Vì vậy, Hội đồng điều phối cần tính toán, các quy hoạch địa phương phải nằm trong tổng thể định hướng quy hoạch vùng và đặc biệt các tiểu vùng trung tâm gồm TPHCM - phía Nam Bình Dương - phía Tây Đồng Nai phải có quy hoạch trong tổng thể cũng như cần nhanh chóng phối hợp trong quá trình xây dựng và phê duyệt các đề án quy hoạch các địa phương để hình thành rõ nét cơ chế kinh tế vùng.
Theo TS Trần Du Lịch, Nghị quyết 98 của Quốc hội đã có một nội dung rất mới là mô hình TOD (phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông). Ông đề xuất áp dụng hệ thống giao thông mà vùng đang làm, từ hệ thống đường sắt, đường nối kết, bên cạnh việc tận dụng TOD để phát triển giao thông vùng mà không phải nghiên cứu thêm. “Nếu làm tốt TOD, quỹ đất đô thị hoá sẽ là “con gà đẻ trứng vàng” cho ngân sách”, TS Trần Du Lịch nói.
“3 động lực” gắn với “3 đột phá”
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng Đông Nam bộ đánh giá, vấn đề tổ chức điều phối và liên kết là điều quan trọng được đặt ra và coi trọng trong Nghị quyết 24 về phát triển vùng này. Và, việc ra đời Hội đồng điều phối vùng Đông Nam bộ là cách thức nhằm phối hợp, điều phối, liên kết trong vùng.
Trên cơ sở đó, Thủ tướng đề nghị bí thư tỉnh ủy các tỉnh, thành trong vùng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghị quyết của Bộ Chính trị và chương trình hành động của Chính phủ, đề nghị các thành viên hội đồng vùng tập trung chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, chương trình, dự án; hoạt động liên kết vùng đảm bảo đồng bộ, nhất quán và hiệu quả.
Giao nhiệm vụ cụ thể, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu từ đây đến cuối năm 2023 cần thực hiện 3 đột phá chiến lược và làm tích cực điều này cả về xây dựng thể chế, về phát triển hạ tầng chiến lược và về đào tạo nguồn nhân lực gắn với 3 động lực tăng trưởng: Tiêu dùng, đầu tư (đầu tư công, đầu tư tư nhân), xuất khẩu.
“Tôi rất mong vùng tập trung cho 3 động lực phát triển trên gắn với 3 đột phá là khu vực tiên phong trong chiến lược bởi chính vai trò, vị trí và đóng góp chiến lược của vùng”, Thủ tướng nêu rõ.
Chiều cùng ngày, đoàn công tác do Thủ tướng Phạm Minh Chính dẫn đầu đã đi khảo sát địa điểm dự kiến sẽ xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ. Theo đề án nghiên cứu, vị trí dự kiến của cảng được đặt tại Cù lao Phú Lợi (huyện Cần Giờ, TPHCM). Tổng mức đầu tư cho dự án khoảng hơn 5 tỷ USD (tương đương 128.000 tỷ đồng) và phân kỳ làm 7 giai đoạn. Trong đó giai đoạn 1, dự kiến khai thác vào năm 2027 và hoàn thành đầu tư vào năm 2045. Sau khi đi vào hoạt động và đạt công suất thiết kế, cảng sẽ đóng góp cho ngân sách nhà nước thông qua thu thuế từ: Hoạt động bốc xếp, lưu bãi của doanh nghiệp cảng; thu nhập doanh nghiệp; các loại phí, lệ phí hàng hải từ tàu vào, rời cảng; phí thuê mặt nước và thuế xuất nhập khẩu hàng hóa, khoảng 34.000 - 40.000 tỷ đồng/năm.
Khẳng định tính cấp bách của nhiệm vụ quy hoạch, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các thành viên hội đồng tích cực đóng góp hoàn thiện quy hoạch vùng Đông Nam bộ “càng sớm càng tốt”, trong đó đặc biệt là quy hoạch TPHCM và quy hoạch vùng.
“Quy hoạch phải lâu dài, phải có tầm nhìn chiến lược, tư duy đổi mới. Quy hoạch phải phát huy tối đa tiềm năng, khác biệt về cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của vùng chúng ta và phải hóa giải được những mâu thuẫn, tồn tại, hạn chế của vùng. Cùng với đó, vùng cần tập trung xử lý 3 vấn đề trước mắt: ách tắc giao thông, bảo vệ môi trường và giải quyết vấn đề nhà ở cho công nhân, người lao động thu nhập thấp”, Thủ tướng khẳng định.
Thủ tướng Chính phủ lưu ý, nhiệm vụ chủ động nghiên cứu, đề xuất về thể chế, cơ chế, chính sách đột phá phát triển cho vùng, thúc đẩy liên kết vùng với tinh thần “đã đột phá thì phải có cơ chế ưu tiên”.
Liên quan đến đề xuất thành lập Quỹ phát triển hạ tầng vùng, Thủ tướng khẳng định, vùng phải có cách huy động nguồn lực, trong đó việc đầu tư của Nhà nước làm sao phải tiết kiệm, đúng trọng tâm, trọng điểm, lấy đầu tư của Nhà nước dẫn dắt đầu tư tư nhân và kích hoạt mọi nguồn lực xã hội trở thành nguồn lực cho vùng; đồng thời cũng thành lập các quỹ đầu tư, phát huy cơ chế hợp tác công tư…
Đề xuất một số cơ chế, chính sách cho vùng, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho rằng việc thành lập Quỹ phát triển hạ tầng giao thông vùng là hết sức cần thiết. Quỹ có nhiệm vụ đầu tư, đảm bảo nguồn vốn cho các dự án trọng điểm mang tính liên kết vùng. “Việc có được một quỹ đầu tư hạ tầng chung cho toàn vùng với cơ chế mở sẽ thúc đẩy quá trình phát triển và liên kết các địa phương trong vùng, đặc biệt là đối với hạ tầng, giao thông mang tính huyết mạch cho sự phát triển và khai thác hết tiềm năng của vùng”, ông Phan Văn Mãi nhấn mạnh và cho biết mới đây, lãnh đạo TPHCM và 5 tỉnh trong vùng nhìn nhận sẽ khả thi và tối ưu hơn nếu thực hiện theo phương án Thủ tướng Chính phủ thành lập quỹ.