Đề xuất cơ chế đặc thù để phát triển vùng Đông Nam Bộ

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Theo lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải, cần nghiên cứu đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù có tính đột phá, vượt trội để đẩy mạnh phát triển vùng Đông Nam Bộ, thúc đẩy liên kết vùng, tương tự như một số cơ chế, chính sách thí điểm của TPHCM đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết 98 của Quốc hội.

Sáng 18/7, tại TPHCM, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị lần thứ nhất Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ.

Theo Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thắng, hiện nay kết cấu hạ tầng giao thông tại vùng Đông Nam Bộ đang có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại, hạn chế, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế và nhu cầu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Đề xuất cơ chế đặc thù để phát triển vùng Đông Nam Bộ ảnh 1

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng trao đổi tại hội nghị. Ảnh: Ngô Tùng

“Mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông cấp vùng, liên vùng còn thiếu và chưa đồng bộ, các tuyến Vành đai 3, 4 TPHCM chưa hoàn chỉnh. Tiến trình xây dựng đường sắt đô thị tại TPHCM còn chậm nên chưa giải quyết triệt để được ùn tắc giao thông nội đô…” - Bộ trưởng Thắng đánh giá.

Tích hợp, liên kết đồng bộ

Ông Thắng cho biết, Bộ GTVT đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 5 quy hoạch ngành quốc gia lĩnh vực GTVT. Trong đó, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông vùng Đông Nam Bộ đã được quy hoạch theo hướng tích hợp, bảo đảm tính liên kết đồng bộ, phát huy lợi thế của từng phương thức vận tải, trong đó cảng biển, cảng hàng không đóng vai trò trung tâm với định hướng kết nối.

Dự kiến, tổng nhu cầu vốn đầu tư hạ tầng giao thông vùng Đông Nam Bộ khoảng 738.500 tỷ đồng. Trong đó, giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 342.000 tỷ đồng (ngân sách Trung ương 60.800 tỷ đồng; ngân sách địa phương 29.700 tỷ đồng; vốn của doanh nghiệp nhà nước 109.000 tỷ đồng; vốn huy động nhà đầu tư 142.500 tỷ đồng); giai đoạn 2026 - 2030 nhu cầu khoảng 396.500 tỷ đồng, tập trung đầu tư vào các dự án trọng điểm, liên kết vùng, tạo động lực lan tỏa.

Từ đó, Bộ GTVT đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cần triển khai nhằm thu hút nguồn lực xây dựng mạng lưới giao thông vùng Đông Nam Bộ. Cụ thể, sớm hoàn thiện các quy hoạch tỉnh, quy hoạch vùng trong đó tích hợp đầy đủ, thống nhất và đồng bộ với 5 quy hoạch chuyên ngành GTVT đã được Thủ tướng phê duyệt.

Trên cơ sở các quy hoạch được phê duyệt, xây dựng danh mục dự án ưu tiên kêu gọi đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đến năm 2030 của vùng. Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Hội đồng điều phối vùng giao Bộ GTVT phối hợp với Bộ KH&ĐT và các tỉnh, thành phố tổ chức hội nghị xúc tiến, kêu gọi đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông của vùng để huy động tối đa các nguồn vốn ngoài ngân sách, sử dụng hiệu quả nguồn ngân sách nhà nước với mục tiêu lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, trong đó tập trung vào các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm, có tác dụng lan tỏa, tạo ra liên kết vùng.

Đề xuất cơ chế đặc thù để phát triển vùng Đông Nam Bộ ảnh 2

Tuyến metro số 1 TPHCM. Ảnh: Phạm Nguyễn

Cơ chế đặc thù

Cũng theo lãnh đạo Bộ GTVT, cần nghiên cứu đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù có tính đột phá, vượt trội để đẩy mạnh phát triển vùng Đông Nam Bộ, thúc đẩy liên kết vùng tương tự như một số cơ chế, chính sách thí điểm của TPHCM đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết 98 của Quốc hội.

Trong đó tập trung vào một số cơ chế như: Thực hiện phân cấp, phân quyền triệt để cho các địa phương có năng lực kinh nghiệm thực hiện đầu tư kết cấu hạ tầng liên vùng, nhằm chủ động huy động, sử dụng các nguồn lực của địa phương, đi đôi với tăng cường kiểm tra, giám sát và bố trí nguồn lực phù hợp.

Song song đó, xây dựng các cơ chế, chính sách tăng tính hấp dẫn và hiệu quả đầu tư của các dự án đầu tư theo phương thức công tư (PPP) như: tăng tỷ lệ phần vốn góp của nhà nước tham gia dự án; khai thác có hiệu quả nguồn lực từ tài sản kết cấu hạ tầng (như nhượng quyền khai thác kết cấu hạ tầng giao thông sẵn có), xây dựng cơ chế ưu đãi để thu hút các nhà đầu tư chiến lược…

Ngoài ra, cần nghiên cứu, triển khai cơ chế tạo quỹ đất để đấu giá lựa chọn nhà đầu tư các dự án đầu tư phát triển đô thị, thương mại, dịch vụ hai bên tuyến đường bộ cao tốc, các công trình nhà ga của tuyến đường sắt qua đô thị gắn với mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông công cộng (TOD).

“Các địa phương trong vùng cần chủ động dành nguồn lực để đầu tư, hoàn thiện, nâng cấp kịp thời các tuyến đường kết nối từ đường cao tốc, giao thông trục chính vào các khu kinh tế, khu công nghiệp, cảng biển, sân bay và cảng thủy nội địa, để đảm bảo khai thác đồng bộ hạ tầng giao thông, không để xảy ra tình trạng cảng chờ đường gây lãng phí nguồn lực” - Bộ trưởng Bộ GTVT nêu ý kiến tại hội nghị.

MỚI - NÓNG