Chuyên gia cảnh báo nhiều vấn đề pháp lý khi TPHCM thực hiện 8 tuyến metro

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Theo chuyên gia quy hoạch Ngô Viết Nam Sơn, các sở, ngành TPHCM cần lên một kế hoạch toàn diện để hoàn thiện 180km metro, đồng thời cũng nhìn về tương lai, dự lường được sắp tới khi làm theo mô hình TOD thì thành phố có vướng về mặt pháp lý hay không.

Kiến trúc sư (KTS) Ngô Viết Nam Sơn trao đổi điều này tại phiên họp thứ 5 của Hội đồng tư vấn triển khai thực hiện Nghị quyết 98 của Quốc hội nhằm đánh giá kết quả 1 năm thực hiện và thảo luận những nhiệm vụ trọng tâm để tháo gỡ điểm nghẽn, thúc đẩy triển khai nghị quyết thời gian tới, ngày 3/8 tại TPHCM.

Sử dụng một công nghệ thống nhất cho 8 tuyến metro TPHCM

KTS Ngô Viết Nam Sơn cho rằng, mục tiêu thực hiện 180km đường sắt đô thị vào năm 2035 là điều không dễ dàng đối với TPHCM. Để làm được điều đó, thành phố phải đổi mới đối với 3 vấn đề lớn là: Tư duy, cách tổ chức và pháp lý.

Chuyên gia cảnh báo nhiều vấn đề pháp lý khi TPHCM thực hiện 8 tuyến metro ảnh 1

KTS Ngô Viết Nam Sơn trao đổi tại hội nghị. Ảnh: Ngô Tùng

Theo ông Sơn, dù chúng ta chuyển sang nền kinh tế thị trường rất lâu rồi nhưng đâu đó vẫn còn cung cách quản lý tập trung. Trong khi đó, việc thực hiện dự án theo mô hình TOD (phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông công cộng - PV) thì tư duy kinh tế thị trường là điều cốt lõi, trong đó cần đảm bảo hài hòa lợi ích cho số đông. Đồng thời cũng cần đảm bảo lợi ích tài chính, tức là nguồn thu cộng thêm cho ngân sách, để không phụ thuộc nguồn Trung ương mà phải lấy từ bản thân dự án.

Đối với việc đổi mới phương pháp tổ chức, ông Sơn cho rằng sắp tới có một nhiệm vụ khó khăn khi thành phố đứng trước kịch bản đến năm 2035 phải hoàn thành 8 tuyến metro với chiều dài 180km.

Để làm được điều này, KTS Ngô Viết Nam Sơn cho rằng tất cả các sở, ban ngành có liên quan phải xắn tay vào làm và cam kết tiến độ. Từng sở, ngành sẽ phụ trách từng nhóm công việc cụ thể. “Chỉ cần một mắt xích bị đứt là nguyên dây xích không dùng được”, ông Sơn nêu rõ.

Với kế hoạch thành phố đưa tuyến metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) vào sử dụng vào cuối năm nay, dưới góc độ một chuyên gia quy hoạch kiến trúc, KTS Ngô Viết Nam Sơn cho biết ông rất băn khoăn. Theo ông, hiện thành phố chỉ mới xong metro, còn lại vẫn ngổn ngang những nhiệm vụ khác: Xe buýt nối vào còn “kém quá”, hạ tầng hai bên, bãi xe chưa thấy được bao nhiêu, các dịch vụ thương mại xung quanh cũng chưa có gì, những quỹ đất Nhà nước có thể thu hồi để phát triển dự án cũng chưa thành hình.

Dẫn câu nói của người xưa “nếu có 8 giờ để chặt cây thì hãy bỏ ra 4 – 6 giờ để mài rìu”, KTS Ngô Viết Nam Sơn góp ý: Nếu chúng ta có 11 năm để làm 180km metro thì nên mạnh dạn bỏ ra 3 – 4 năm để tập trung làm tuyến metro số 1 cho ra một tuyến TOD metro đàng hoàng, rõ ràng, trong đó có kết nối tốt xe buýt, thu hút đông đảo người dân sử dụng hằng ngày và đem lại hiệu quả kinh tế, xã hội thiết thực cho thành phố. Từ đó nhân rộng mô hình này sang các tuyến còn lại.

Cũng theo ông Ngô Viết Nam Sơn, Nghị quyết 98 và những nghị quyết của Trung ương tiếp theo chỉ mới giúp thành phố có định hướng phát triển TOD. Tuy nhiên, để làm được thì cần đổi mới rất nhiều nền tảng pháp lý, luật pháp, từ việc đấu giá đất, thu hồi đất đem lại nguồn thu cho thành phố...

“Điều này là trách nhiệm không phải của một sở nào, mà là của tất cả các sở”, ông lưu ý và cho rằng cần lên một kế hoạch toàn diện để hoàn thiện 180km metro, đồng thời cũng nhìn về tương lai, dự lường được sắp tới khi làm theo mô hình TOD thì thành phố gặp vướng điều gì về mặt pháp lý.

PGS.TS Vũ Anh Tuấn – Giám đốc Trung tâm nghiên cứu giao thông – vận tải Việt Đức (Trường Đại học Việt Đức) cho rằng – để sớm thực hiện hệ thống đường sắt đô thị, ngoài đề án đề xuất Bộ Chính trị để có cơ chế, chính sách đặc thù thì trước mắt TPHCM cần chọn cụ thể một số tuyến đường sắt đô thị để xác định nhà ga phát triển TOD, để có va chạm thực tế và tháo gỡ.

Chuyên gia cảnh báo nhiều vấn đề pháp lý khi TPHCM thực hiện 8 tuyến metro ảnh 2

PGS.TS Vũ Anh Tuấn góp ý tại buổi làm việc.

“Thành phố có tuyến metro số 1 sắp vận hành có 3 nhà ga tiềm năng có thể phát triển ngay cơ chế TOD, lấy nguồn thu để đưa vào quỹ phát triển đường sắt đô thị thành phố, có thể bù cho các tuyến phát triển kém hơn mà không cần chờ chính sách từ Trung ương. Qua đó giúp phát triển khu vực cửa ngõ phía Đông và Bến xe Miền Đông mới cũng không còn hiu quạnh, tạo ra nhiều giá trị cho thành phố”, Ông Tuấn gợi mở.

Nghĩ đến “TOD mới”

Chuyên gia cảnh báo nhiều vấn đề pháp lý khi TPHCM thực hiện 8 tuyến metro ảnh 3

TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam chia sẻ tại buổi họp. Ảnh: Ngô Tùng

Thông tin thêm, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan cho biết, liên quan đến TOD, trong Nghị quyết 98 đã nói đến hai dự án rất rõ ràng là đường sắt đô thị và Vành đai 3. Dù vậy, ông Hoan cho rằng cần suy nghĩ đến “TOD mới”, tức là những dự án, công trình mới, kể cả những dự án đã có và những dự án mới.

Ông Hoan nêu rõ, triển khai làm TOD là thực hiện các dự án phát triển đô thị gắn với phát triển hạ tầng giao thông một cách đồng thời, do đó không thể làm giao thông xong rồi mới nghĩ tới TOD. “Bây giờ không chờ một dự án nào cả mà phải định hướng quy hoạch phát triển không gian và trên định hướng này thì sẵn sàng hạ tầng chuẩn bị cho TOD”, ông Hoan nói.

Ngoài ra, TOD cũng có định hướng là tách phần bồi thường ra khỏi dự án thành một dự án độc lập. Theo Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan, việc này thành phố làm chưa được, do đó ngành quy hoạch và giao thông phải tham mưu UBND thành phố một đề án phát triển TOD tổng thể gồm bao nhiêu dự án lớn và giải pháp cũng như cách thức triển khai.

MỚI - NÓNG