Sáng nay, 17/10, tại tỉnh Long An, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dự Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Long An 2016 với chủ đề “Hợp tác - Phát triển bền vững”.
Tới dự có nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, lãnh đạo các bộ, ngành và khoảng 400 nhà đầu tư trong và ngoài nước.
“Tôi đánh giá cao sáng kiến và nỗ lực của lãnh đạo tỉnh Long An trong việc chủ động tổ chức Hội nghị có ý nghĩa thiết thực này”, Thủ tướng nói, đồng thời hoan nghênh nỗ lực của tỉnh Long An trong việc phát triển kinh tế - xã hội thời gian qua. Đây là địa phương có tốc độ phát triển kinh tế cao nhất cùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và nằm trong tốp tăng trưởng cao của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Chỉ số PCI tỉnh Long An xếp thứ 9/63 tỉnh, thành phố cả nước, đứng thứ 2 vùng ĐBSCL. Lãnh đạo tỉnh Long An đã có các cam kết mạnh mẽ về cơ chế, chính sách nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trên tinh thần "Thủ tục nhanh gọn - kinh doanh an toàn - đầu tư hiệu quả - phát triển bền vững".
“Với tiềm năng lớn như vậy, Chính phủ cũng như bản thân tôi đặt kỳ vọng Long An sẽ vươn mình trở thành một trong những đầu tàu kinh tế mạnh nhất cả nước trong nhiệm kỳ này”, Thủ tướng bày tỏ.
Để đạt được tầm nhìn mạnh bạo này, điểm then chốt là xây dựng được niềm tin để các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư mạnh mẽ vào Long An. Do vậy, hội nghị hôm nay có ý nghĩa rất quan trọng.
Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ sẽ trực tiếp chỉ đạo từng bộ ngành tạo những điều kiện tốt nhất có thể để Long An có điều kiện phát triển thời gian tới.
Thủ tướng gợi ý một số đòn bẩy
Nhân dịp này, Thủ tướng đã gợi ý cho Long An một số đòn bẩy để có thể thực hiện được tầm nhìn nói trên.
Thứ nhất, chúng ta có chính quyền quản lý xã hội tốt nhưng phải liêm chính, phục vụ người dân, doanh nghiệp. Đây là nền tảng quan trọng nhất để xây dựng niềm tin của doanh nghiệp. Động lực nào để từng người cán bộ luôn tâm niệm làm việc là để phục vụ người dân và doanh nghiệp. Việc gì vướng mắc là mình hết sức tìm mọi giải pháp để gỡ cho nhà đầu tư. Nhưng làm thế nào để từng người cán bộ có được thái độ như thế? Không có cách nào khác ngoài việc chúng ta phải thay đổi cách đánh giá kết quả công việc của từng đơn vị, từng cán bộ. Lấy sự hài lòng của doanh nghiệp, của dân làm thước đo kết quả công việc.
Long An cần xây dựng mô hình chính quyền điện tử gắn với thực hiện việc xây dựng mô hình trung tâm hành chính công tập trung nhằm áp dụng tối đa công nghệ thông tin vào phục vụ người dân, doanh nghiệp và các nhà đầu tư. Long An cần lưu ý ứng dụng tối đa công nghệ thông tin để phục vụ doanh nghiệp và người dân trong thực hiện thủ tục hành chính cũng như xây dựng hệ thống quản lý thông tin để lãnh đạo tỉnh có thể theo dõi sát sao và chỉ đạo kịp thời, bảo đảm thực hiện nghiêm túc cam kết với doanh nghiệp và người dân.
Thủ tướng nhấn mạnh, Chính phủ và chính quyền Long An cùng cam kết xây dựng khung pháp lý minh bạch, môi trường cạnh tranh lành mạnh, công bằng, bảo đảm quyền tài sản của doanh nhân; không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự. Đặc biệt, cần phải đặt doanh nghiệp vào vị trí trung tâm của sự phát triển mà các chính sách của Chính phủ và chính quyền Long An phải hướng tới, phải hỗ trợ.
Yêu cầu Long An tích cực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đẩy mạnh đối thoại với doanh nghiệp, Thủ tướng cho rằng: “Đất có lành thì chim mới đậu. Môi trường tốt thì tự khắc doanh nghiệp sẽ về đây làm ăn”.
Nhấn mạnh quy hoạch phát triển phải bài bản, Thủ tướng nhận định, xây dựng Long An thành một đầu tàu kinh tế như TPHCM và Bình Dương không có nghĩa rằng những gì TPHCM và Bình Dương làm thì mình làm theo. Long An có một lợi thế đặc biệt là có thể học từ kinh nghiệm thành công cũng như thất bại của các địa phương đi trước, từ đó tránh những sai lầm của họ, tiến tới đi nhanh hơn. Trong quy hoạch cần có những nét riêng, tạo ra thế mạnh cạnh tranh khác biệt.
Long An cần có chiến lược bài bản trong việc tạo ra những cụm công nghiệp, dịch vụ hiệu quả. Dựa trên những ngành mà Long An đã có, chính quyền cần suy nghĩ kỹ về hệ sinh thái cho những ngành mà Long An muốn phát triển: Kết nối với thị trường thế nào, ngành công nghiệp phụ trợ ở đâu, thị trường lao động có gì hấp dẫn, tại sao doanh nghiệp lại muốn đầu tư ở Long An chứ không phải ở nơi khác?
Long An cần quảng bá rộng rãi hơn cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước biết được định vị phát triển của mình, để tạo thành một thương hiệu địa phương trong khu vực vùng trọng điểm kinh tế phía Nam.
Tỉnh nên lưu ý luôn cải thiện chất lượng cuộc sống. Các doanh nghiệp quyết định đầu tư ở đâu cũng một phần phụ thuộc vào chất lượng trường học, bệnh viện, công viên, giá cả, an toàn an ninh, tình trạng giao thông của địa phương. Cái này có thể rút từ kinh nghiệm những địa phương đi đầu về kinh tế, nhưng làm quy hoạch không tốt, dẫn đến tình trạng đô thị hóa lộn xộn và quá tải, Thủ tướng nói.
Theo Thủ tướng, đột phá cho Long An sẽ nằm ở liên kết vùng, trong đó, gắn kết phát triển với TPHCM đang là một trọng tâm quan trọng. Long An cần nghiên cứu kỹ để trở thành một trung tâm kinh tế của vùng, tạo ra những trục liên kết với các địa phương lân cận khác, vừa có lợi cho mình, vừa có lợi cho các tỉnh khu vực.
Đừng để dân oán thán về môi trường
Với đặc thù tự nhiên của Long An, tỉnh cần đặc biệt chú trọng đến bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
“Anh phát triển kinh tế ở một địa phương mà gây ô nhiễm, người dân oán thán thì có nên làm không?”, Thủ tướng trăn trở. ”Phát triển kinh tế đi liền với bảo vệ môi trường. Không đánh đổi môi trường lấy kinh tế”.
Thủ tướng cũng yêu cầu Long An coi trọng khởi nghiệp, nhất là hướng vào lớp trẻ, thanh niên nông thôn.
Tỉnh cần ưu tiên phát triển một số cụm ngành với hàm lượng chất lượng cao về khoa học kỹ thuật. Vấn đề này không chỉ được đặt ra trong bài toán định vị và nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh, mà còn trong bối cảnh ứng phó với các tác động lâu dài từ biến đổi khí hậu bởi đất đai của tỉnh khá trũng và dễ bị ngập lụt cũng như bị ảnh hưởng bởi các thiên tai khác.
Tỉnh cần có công cụ để theo dõi tình hình chất lượng không khí, nước, đất, đặc biệt xung quanh các khu công nghiệp. Công bố các chỉ số môi trường công khai và thường xuyên để người dân và doanh nghiệp yên tâm đầu tư, làm việc.
Không để tình trạng “ký xong bỏ cho cỏ mọc mưa rơi”
Thủ tướng đề nghị các nhà đầu tư mang gia đình đến Long An sinh sống, điều đó thể hiện các nhà đầu tư tôn trọng vấn đề môi trường ở địa phương và một địa phương thành công khi thu hút được 3 nhân tố. Đó là doanh nghiệp tốt, người giỏi, người giàu. Nếu Long An cải thiện được môi trường kinh doanh sẽ giúp thu hút được doanh nghiệp tốt và người giỏi đến kinh doanh và làm việc, còn nếu Long An cải thiện môi trường sống sẽ giúp thêm được nhân tố thứ ba là người giàu đến ở. Thủ tướng đề nghị các nhà đầu tư nói đi đôi với làm, không để tình trạng “ký xong bỏ cho cỏ mọc mưa rơi”.
“Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ coi thành công của Long An là một phần quan trọng của đất nước. Vì vậy, Chính phủ cam kết tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư vào tỉnh Long An. Tại hội nghị này, tôi giao các bộ, ngành tiếp tục dành sự quan tâm, tạo điều kiện về cơ chế, chính sách và một số công trình hạ tầng quan trọng cho tỉnh Long An trong thu hút đầu tư và phát triển kinh tế - xã hội”, Thủ tướng nêu rõ và “mong các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài nghiên cứu các cơ hội đầu tư hấp dẫn ở đây, hợp tác chặt chẽ với chính quyền tỉnh xây dựng những cụm công nghiệp mạnh, sạch, có tính cạnh tranh cao. Vướng mắc ở đâu mà cần Trung ương tham gia, xin các đồng chí báo cáo Thủ tướng Chính phủ kịp thời”.
Thu hút hơn 3 tỷ USD đầu tư vào Long An
Ý kiến các chuyên gia kinh tế tại hội nghị đã phân tích rõ hơn các điểm, lĩnh vực thu hút vốn đầu tư của Long An cũng như nêu các khuyến nghị giải pháp.PGS.TS Võ Thanh Thu cho rằng, Long An thu hút nhiều vốn đầu tư FDI là do có vị trí thuận lợi, có sẵn các khu công nghiệp nhiều và lớn nhất cùng ĐBSCL, môi trường đầu tư thuận lợi, có điều kiện phát triển nhiều loại hình kinh tế, có nguồn nhân lực đông đảo.
Hoan nghênh chủ trương của Chính phủ về “3 đồng hành, 5 hỗ trợ” với doanh nghiệp, TS. Trần Du Lịch nhìn nhận, đồng hành lớn nhất chính là bộ máy hành chính chia sẻ, cảm nhận được khó khăn, nỗ khổ của doanh nghiệp. “Trong từng lĩnh vực, Long An phải tìm được con sếu đầu đàn, doanh nghiệp lớn để tác động lan tỏa”, ông Trần Du Lịch nói.
Theo Chủ tịch UBND Long An Trần Văn Cần, Long An cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để các nhà đầu tư trong và ngoài nước làm ăn hiệu quả. Quan điểm của tỉnh là đồng hành cùng doanh nghiệp, thành công của doanh nghiệp cũng chính là thành công của tỉnh.
Tại hội nghị, Thủ tướng chứng kiến UBND tỉnh Long An và các doanh nghiệp ký kết bản ghi nhớ đầu tư vào 4 dự án có tổng vốn hơn 3 tỷ USD, trong đó, Dự án sản xuất nhôm cao cấp có tổng vốn đầu tư khoảng 2,5 tỷ USD. UBND tỉnh Long An đã trao 12 giấy chứng nhận đăng ký đầu tư có tổng vốn đầu tư hơn 310 triệu USD. Cũng tại hội nghị, các doanh nghiệp ký kết 6 hợp đồng hợp tác kinh doanh.
Trước đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đã đến tham quan dự án Cảng quốc tế Long An, dự án Thành phố sinh thái Năm Sao.
Dự án Cảng quốc tế Long An có tổng số vốn đầu tư trên 9.000 tỉ đồng. Đây là một trong những cảng biển có quy mô lớn nhất tại khu vực miền Nam.