Thủ tướng Đức Olaf Scholz. Ảnh: EPA-EFE |
Trước đó một ngày, hôm 14/2, ông Scholz đã có chuyến thăm Ukraine. Việc Thủ tướng Đức thăm liên tiếp Kiev và Mátxcơva là một phần trong chính sách ngoại giao của phương Tây nhằm ngăn chặn nguy cơ bùng phát xung đột khi Nga bị cáo buộc điều 100.000 quân đến biên giới Ukraine.
Đức là đối tác thương mại số một của Nga ở châu Âu, và là khách hàng tiêu thụ khí đốt tự nhiên lớn nhất của Nga. Một quan chức Đức nói rằng Berlin không kỳ vọng đạt được “kết quả cụ thể” trong chuyến công du lần này của ông Scholz, nhưng ngoại giao là việc cần làm.
Thủ tướng Đức cho biết ông sẽ truyền tải đến Nga những thông điệp từ phương Tây rằng họ sẵn sàng đối thoại về những lo ngại an ninh của Nga, nhưng sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt nếu nước này tấn công Ukraine.
“Chúng tôi đã sẵn sàng cho các biện pháp trừng phạt mang tính sâu rộng với sự phối hợp của các đồng minh”, ông Scholz phát biểu tại Kiev hôm 14/2, trước khi trở về Berlin.
Tháng trước, ông Scholz úp mở rằng “sẽ cần thảo luận nếu có can thiệp quân sự” khi được hỏi về đường ống Nord Stream 2 từ Nga đến Đức. Nhưng ông chưa từng tuyên bố sẽ tạm dừng Nord Stream 2, hoặc đưa đường ống này vào các lệnh trừng phạt. Trái ngược, Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố đường ống dẫn dầu sẽ bị đóng cửa nếu Nga tấn công Ukraine.
Trước chuyến thăm Mátxcơva, chính quyền Đức từng nhiều lần kêu gọi Nga rút quân khỏi biên giới Ukraine.
“Tình hình đặc biệt nguy hiểm và có thể leo thang bất cứ lúc nào,” Ngoại trưởng Annalena Baerbock cho biết trong một tuyên bố. “Trách nhiệm về việc giảm leo thang rõ ràng là thuộc về Nga, và Mátxcơva phải rút quân.”
Đây sẽ là cuộc gặp đầu tiên của ông Scholz với Tổng thống Vladimir Putin trên cương vị thủ tướng, mặc dù ông đã từng gặp lãnh đạo Nga trong các vai trò cấp cao trước đó.
Hồi đầu tháng 2, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng đã có chuyến thăm Nga và Ukraine, nhưng không đạt được bước đột phá nào.
Người phát ngôn Điện Kremlin cho biết Nga và Pháp vẫn chưa thể đạt được thỏa thuận về việc giảm leo thang căng thẳng xung quanh Ukraine. Nhưng hai lãnh đạo đã thống nhất về việc cần thiết phải giảm căng thẳng, và cuộc gặp ngày 7/2 đã tạo nền tảng cho các cuộc thảo luận trong tương lai.
Các chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh các quan chức và báo giới phương Tây nhiều lần cáo buộc Nga đang lên kế hoạch tấn công Ukraine, viện dẫn việc Nga liên tục điều động binh sĩ đến biên giới và tổ chức hàng loạt các cuộc tập trận quy mô lớn ở nước này và Belarus.
Mátxcơva liên tục bác bỏ các cáo buộc, khẳng định nước này không có kế hoạch tấn công Ukraine, đồng thời nói thêm rằng việc điều động binh sĩ bên trong lãnh thổ Nga là việc riêng của Mátxcơva.