Các dự án giao thông gồm: đường vành đai 4 Vùng Thủ đô Hà Nội; đường vành đai 3 TP Hồ Chí Minh; đường cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng; đường cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột; đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu. Các dự án có tổng chiều dài ước tính hơn 500 km.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: NB |
20 năm mới hoàn thành 1.000 km cao tốc
Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, phát triển hạ tầng là 1 trong 3 đột phá chiến lược đã được Đảng, Nhà nước xác định, trong đó có hạ tầng giao thông. Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII đã đặt mục tiêu hoàn thành 2.000 km đường cao tốc trong nhiệm kỳ này. Thời gian qua, Thủ tướng, Thường trực Chính phủ đã có nhiều cuộc làm việc với các bộ, cơ quan, địa phương về 5 dự án này. Đây đều là những tuyến đường quan trọng, huyết mạch, việc triển khai xây dựng liên quan đến nhiều vấn đề, nhiều tỉnh, thành và người dân.
Để thực hiện mục tiêu đã đề ra, Thủ tướng lưu ý, phải thật quyết tâm, nỗ lực, xác định trọng tâm, trọng điểm, tổ chức thực hiện khoa học, hiệu quả. “Chính phủ phải quyết tâm rất cao, các địa phương phải quyết tâm rất cao và các bộ, ngành cũng phải quyết tâm rất cao. Bởi trong 20 năm qua, chúng ta mới hoàn thành được khoảng 1.000 km cao tốc”, Thủ tướng nhấn mạnh, đồng thời lưu ý khắc phục được những tồn tại, hạn chế tại một số dự án cao tốc, dự án đầu tư công đã triển khai như tình trạng manh mún, dàn trải, kéo dài…
Thủ tướng yêu cầu các địa phương phát huy mạnh mẽ tinh thần tự lực, tự cường, chủ động, sáng tạo, không trông chờ, ỷ lại, và chia sẻ với Trung ương trong huy động nguồn lực. Trung ương phân bổ nguồn lực hài hòa, cân đối, hiệu quả trên tinh thần vừa phát huy mạnh mẽ vai trò những khu vực động lực phát triển, vừa thúc đẩy những nơi khó khăn vươn lên để cả nước cùng phát triển. Ngoài nguồn lực nhà nước, cần tăng cường hợp tác công tư để thu hút nguồn lực ngoài nhà nước.
Ðường Vành đai 4 Vùng Thủ đô sẽ kết nối 5 tỉnh, thành phố. Ảnh: IT |
Thẳng nhất, ngắn nhất có thể
Về nguồn vốn, Thủ tướng nêu nguyên tắc, Trung ương bố trí 50%, địa phương cân đối 50% nguồn vốn cho các dự này (gồm nguồn vốn đầu tư công trung hạn, nguồn vốn từ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, các nguồn vốn khác). Đặc biệt, việc bố trí vốn phải linh hoạt, sát tình hình, tiến độ và bảo đảm đủ để hoàn thành 5 dự án trong nhiệm kỳ này.
Thủ tướng giao Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chủ trì chỉ đạo về bố trí, cân đối nguồn vốn; Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chủ trì chỉ đạo về tiến độ, đôn đốc các cơ quan trình các cấp có thẩm quyền. Các cơ quan, các địa phương phối hợp chặt chẽ, đồng bộ trên tinh thần “làm ngày làm đêm”, giảm tối đa thủ tục hành chính, phiền hà không cần thiết.
Về cơ chế, chính sách thực hiện dự án thì kế thừa các chính sách đã được cấp có thẩm quyền đồng ý, cho phép; tiếp tục rà soát, đề xuất các cấp có thẩm quyền xử lý các vấn đề còn vướng mắc. Với các dự án đầu tư công, dự án đi qua địa phương nào thì địa phương đó làm chủ đầu tư. Dự án PPP thì giao địa phương là cơ quan nhà nước có thẩm quyền; các bộ, ngành giúp đỡ, hỗ trợ. Bộ GTVT đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các địa phương trong quản lý đầu tư xây dựng công trình, dự án, gắn với phân bổ nguồn lực hợp lý, nâng cao năng lực cán bộ và đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát chặt chẽ.
Người đứng đầu Chính phủ lưu ý việc triển khai các dự án cao tốc cần đi theo hướng tuyến thẳng nhất, ngắn nhất có thể, không bám theo đường cũ hay khu dân cư. “Qua sông bắc cầu, qua đồng đổ đất, qua núi khoét núi” để giảm khâu giải phóng mặt bằng, giảm chi phí, thời gian và tạo ra không gian phát triển mới… “Nếu đủ vốn mà không hoàn thành là có lỗi với nhân dân, với đất nước”, Thủ tướng nhấn mạnh quyết tâm phải hoàn thành các dự án trong nhiệm kỳ này với cam kết mạnh mẽ từ các địa phương.