Phát biểu tại phiên khai mạc, Thủ tướng cho rằng, ngoài vị trí đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế, xã hội của Việt Nam - khi đóng góp gần 41% giá trị sản xuất nông nghiệp, gần 70% kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản, 90% sản lượng gạo xuất khẩu (khoảng 7-8 triệu tấn/năm) - Đồng bằng sông Cửu Long còn cung cấp khoảng 1/5 sản lượng gạo thương mại toàn cầu. Vì thế, các tác động tiêu cực đến khu vực này sẽ ảnh hưởng rõ nét đến giá lương thực chung của thế giới.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên khai mạc Diễn đàn Đồng bằng sông Cửu Long năm 2016 ngày 27/6. Ảnh: Quốc Ngọc
“Hiện nay, chúng tôi đang nỗ lực phấn đấu xây dựng Đồng bằng sông Cửu Long trở thành vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp hàng hóa và thủy sản của cả nước, phát triển nhanh và bền vững, trở thành động lực thúc đẩy phát triển đất nước. Trong quá trình này, Việt Nam đã và đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là biến đổi khí hậu, nước biển dâng và xâm nhập mặn. Theo các nghiên cứu mới nhất, Việt Nam là một trong những quốc gia chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu. Đặc biệt, là vùng đất thấp, với bờ biển dài trên 700km, Đồng bằng Sông Cửu Long được dự báo là một trong 10 vùng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất”, Thủ tướng Phúc nói.
Theo các kịch bản biến đổi khí hậu, đến cuối thế kỷ 21, mực nước biển sẽ dâng một mét và khoảng 40% diện tích Đồng bằng sông Cửu Long bị ngập, ảnh hưởng đến sinh kế của gần 55% dân số của vùng, đến an ninh lương thực của Việt Nam và thế giới. Hiện nay, tác động của biến đổi khí hậu nhanh và mạnh hơn dự báo; tình trạng nước biển dâng, xâm nhập mặn, hạn hán gây ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất và đời sống của nhân dân vùng Đồng bằng Sông Cửu Long. Phạm vi xâm nhập mặn vào sâu trong đất liền từ 100 đến 120 km; trên 230 nghìn ha lúa Đông Xuân, 9,4 nghìn ha cây ăn quả, trên 5 nghìn ha nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng; 250 nghìn hộ dân thiếu nước ngọt sinh hoạt; tổng sản lượng lúa vụ Đông Xuân vừa qua giảm trên 400 nghìn tấn.
Nhận rõ thách thức trên, Thủ tướng cho biết, cùng với sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực chỉ đạo thực hiện công tác ứng phó biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, tăng trưởng xanh, thân thiện với môi trường, phù hợp với các cam kết tại Hội nghị COP 21. Trong đó, tập trung thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp cụ thể như: huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; hoàn thiện thể chế, ban hành chiến lược, kế hoạch hành động; thành lập Ủy ban quốc gia về ứng phó với biến đổi khí hậu; tăng cường các nguồn lực đầu tư; lồng ghép các yêu cầu ứng phó biến đổi khí hậu vào các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; sử dụng bền vững tài nguyên nước…
Riêng đối với Đồng bằng sông Cửu Long, Chính phủ Việt Nam đã phối hợp với Chính phủ Hà Lan xây dựng “Kế hoạch Đồng bằng sông Cửu Long” theo hướng tiếp cận tổng thể, tăng cường liên kết vùng trong ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng tránh thiên tai và dành nguồn lực lớn, bao gồm cả vốn ODA, triển khai thực hiện các dự án quan trọng, cấp bách như: chuyển đổi nông nghiệp bền vững; chống chịu khí hậu tổng hợp và sinh kế bền vững Đồng bằng sông Cửu Long…
Diễn đàn Đồng bằng sông Cửu Long năm 2016 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các bộ, ngành và địa phương đã phối hợp với Ngân hàng Thế giới và các đối tác quốc tế tổ chức nhằm đề xuất các chiến lược, biện pháp, phương án cụ thể ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, xâm nhập mặn, hạn hán, trong đó có triển khai thực hiện Kế hoạch Đồng bằng Sông Cửu Long. Diễn đàn diễn ra trong 2 ngày 27-28/6 tại TP. HCM.