Thủ tướng: Chấn chỉnh công tác cấp phép tài nguyên, khoáng sản

Các đại biểu quyên góp ủng hộ đồng bào lũ lụt miền Trung. Ảnh Như Ý
Các đại biểu quyên góp ủng hộ đồng bào lũ lụt miền Trung. Ảnh Như Ý
TPO - Báo cáo Tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tại phiên khai mạc Quốc hội ngày 20/10, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu luôn được tăng cường và có những chuyển biến rõ nét.

Chỉ số phát triển bền vững của Việt Nam tăng 39 bậc

Báo cáo Tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tại phiên khai mạc Quốc hội ngày 20/10, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu luôn được tăng cường và có những chuyển biến rõ nét.

Trong đó, các quy định pháp luật  được tiếp tục sửa đổi, hoàn thiện hơn; công tác quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường có nhiều chuyển biến; phát hiện và xử lý nhiều vụ việc, cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Tập trung thực hiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; chấn chỉnh công tác cấp phép tài nguyên, khoáng sản, ngăn chặn khai thác cát, sỏi trái phép.

 Trong đó, nhiều chỉ tiêu môi trường đạt và vượt kế hoạch. Công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả, ứng phó các sự cố thiên tai và cứu hộ, cứu nạn được chú trọng. Thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh. Xây dựng và từng bước triển khai các chương trình phát triển bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu các vùng, khu vực, nhất là vùng đồng bằng sông Cửu Long. Chỉ số phát triển bền vững năm 2020 của Việt Nam tăng 39 bậc so với năm 2016, xếp thứ 49/166 quốc gia và vùng lãnh thổ.

 Thủ tướng nhấn mạnh, trong thời gian tới, Chính phủ tập trung đưa ra các giải pháp để quản lý, khai thác và sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên, chú trọng bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó hiệu quả biến đổi khí hậu và phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai.

Trong đó, tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách, quy định pháp luật về quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Ngăn ngừa, giảm thiểu rác thải nhựa; kiểm soát ô nhiễm môi trường biển, xử lý ô nhiễm các dòng sông; nâng cao chất lượng môi trường không khí. Tập trung xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. 

Đồng thời thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống thiên tai, nhất là tại miền núi phía Bắc và miền Trung, bảo đảm cuộc sống an toàn và sinh kế cho người dân; tăng cường hợp tác quốc tế, bảo đảm an ninh, bền vững nguồn nước quốc gia. 

Người đứng đầu chính phủ cũng nhấn mạnh giải pháp xây dựng và thực hiện hiệu quả các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, giải pháp phòng chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu trên phạm vi quốc gia và từng vùng, nhất là vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Cử tri lo ngại về an toàn hồ đập, đê chắn sóng

Ngày 20/10, báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân tại Kỳ họp thứ 10, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn cho biết, từ sau kỳ họp thứ 9 đến nay, đã tổng hợp được 3.365 ý kiến, kiến nghị thông qua các Đoàn đại biểu Quốc hội, hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, các tổ chức thành viên.

Liên quan đến công tác bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, theo ông Mẫn, cử tri và Nhân dân ghi nhận Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, các bộ, ngành, địa phương đã quan tâm hơn đến công tác bảo vệ môi trường, có nhiều nỗ lực trong kiểm soát, xử lý các vi phạm về xả thải ra môi trường.

 Tuy nhiên, tình trạng ô nhiễm tại các làng nghề vẫn diễn ra phức tạp; rác thải sinh hoạt, rác thải nhựa ở các khu dân cư còn nhiều; việc thu gom, xử lý chất thải rắn còn khó khăn; an ninh nguồn nước cần được quan tâm hơn. Tình trạng phá rừng, khai thác gỗ trái phép còn xảy ra ở một số nơi.

 Cử tri và nhân dân đánh giá cao sự chỉ đạo kịp thời của Chính phủ và các bộ, ngành chức năng và địa phương trong việc chủ động đưa ra các biện pháp nhằm hạn chế thiệt hại của tình trạng sạt lở bờ sông, thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn.

 Bên cạnh đó, cử tri và nhân dân phản ánh và lo lắng về an toàn hồ, đập, đê chắn sóng; lũ lụt gây thiêt hại nặng nề về người và tài sản, ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất và đời sống người dân ở một số địa phương. Cử tri mong muốn Nhà nước tiếp tục quan tâm đảm bảo đời sống cho nhân dân vùng bị thiên tai, dành nguồn lực thích đáng trong việc phòng ngừa, chống chịu với thiên tai, đặc biệt trong mùa mưa bão.

MỚI - NÓNG