Lãnh đạo Công đảng Jeremy Corbyn giờ phải chuẩn bị một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm trong chính phủ, dẫn đến khả năng một cuộc tổng tuyển sẽ diễn ra.
Cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm dự kiến diễn ra đêm nay (giờ Việt Nam).
Cú thất bại lần này là đòn giáng mạnh vào Thủ tướng May, người đã dành hơn 2 năm để xây dựng một thỏa thuận với EU nhằm đưa nước Anh ra khỏi EU vào ngày 29/3 trong trật tự, và mở ra giai đoạn chuyển tiếp kéo dài 21 tháng để đàm phán một thỏa thuận thương mại tự do mới.
Cuộc bỏ phiếu tại Hạ viện lần này đáng ra phải diễn ra vào tháng 12 năm ngoái, nhưng bà May đã trì hoãn để có thời gian giành thêm ủng hộ từ các nghị sĩ.
Nước Anh đang tiến gần mốc thời gian 29/3, nhưng thất bại lần này của bà May khiến con đường ra đi càng trắc trở.
Trong các nghị sĩ Anh đang có nhiều ý muốn khác nhau, từ tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý khác, một đề xuất Brexit nhẹ nhàng hơn, bỏ hoàn toàn chuyện Brexit hay ra đi không có thỏa thuận.
Theo đánh giá của giới phân tích, thất bại này của bà May đã đi vào lịch sử, với tỷ lệ phiếu chống lớn hơn nhiều mức kỳ vọng.
Điểm nghẽn gây tranh cãi nhất là vấn đề dự phòng về Bắc Ireland nhằm tránh nguy cơ quay về thời kỳ khôi phục các chốt kiểm soát biên giới cứng giữa Anh và Ireland.
Khẳng định điều khoản dự phong chỉ là tạm thời, và nếu được kích hoạt cũng chỉ kéo dài trong một thời gian ngắn nhất có thể, bà May hy vọng lôi kéo thêm sự ủng hộ. Nhưng rút cục bà vẫn phải hứng thất bại đau đớn.
Theo lẽ thường, thất bại đối với một đề án quan trọng như vậy của chính phủ sẽ dẫn đến việc thủ tướng từ chức.
Nhưng bà May đã đánh tín hiệu về ý định tiếp tục lãnh đạo bằng một tuyên bố ngay sau cuộc bỏ phiếu: “Hạ viện đã cất tiếng nói và chính phủ sẽ lắng nghe”, bà nói trước các nghị sĩ.
Bà đề xuất đối thoại giữa các đảng để xác định đường hướng Brexit, nếu bà qua được cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm.
Cựu ngoại trưởng Boris Johnson và cũng là người đi đầu trong nỗ lực đòi Brexit, cho rằng thất bại này “lớn hơn tưởng tượng của mọi người, nghĩa là thỏa thuận của bà May giờ ‘đã chết’”.
Nhưng ông Johnson cho rằng Thủ tướng May “có sứ mệnh lớn là trở lại Brussels" để đàm phán thỏa thuận tốt hơn, loại bỏ điều khoản dự phòng về Bắc Ireland gây tranh cãi. Ông cũng nói rằng sẽ ủng hộ bà May trong cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm ngày 16/1.