Đến sáng nay, Điện Biên là địa phương quyết định cho toàn bộ học sinh nghỉ học, nâng số địa phương cho học sinh nghỉ học lên 61. Tuy nhiên đa số các địa phương này đều mới chỉ cho học sinh tạm nghỉ 1 tuần.
Ông Nguyễn Hữu Độ cho biết, trong tình huống này, Bộ GD-ĐT đã có hướng dẫn các sở GD-ĐT chỉ đạo các nhà trường chủ động xây dựng kế hoạch dạy học bù cho học sinh sau đợt tạm nghỉ học phòng dịch. Kế hoạch dạy bù căn cứ vào khung thời gian năm học.
Cụ thể, các nhà trường có thể bố trí học bù vào buổi thứ hai (sau buổi học chính khóa) hoặc học bù vào thứ bảy, chủ nhật và sử dụng tuần đệm trong thời gian năm học để điều chỉnh lịch dạy học, kiểm tra đánh giá thường xuyên đối với học sinh.
Trong trường hợp đặc biệt, các địa phương có thể sẽ phải cho học sinh nghỉ học kéo dài, thì có thể kéo dài thời gian kết thúc năm học. “Theo quy định, thời gian kết thúc năm học trước 31-5, nhưng nếu học sinh phải nghỉ dài vì dịch bệnh thì năm học sẽ kết thúc muộn hơn thời gian này”, ông Độ nói.
Cũng theo ông Độ, kỳ thi THPT quốc gia dự kiến tổ chức cuối tháng 6 nên việc học sinh nghỉ học hiện nay có thể sẽ không ảnh hưởng. Việc nghỉ học bao nhiêu ngày hiện nay do UBND cấp tỉnh quyết định. Họ sẽ căn cứ vào tình hình thực tế và khuyến cáo của tổ chức y tế.
Tuy nhiên, ông Độ cho rằng, Bộ GD-ĐT luôn ưu tiên việc đảm bảo sức khỏe của học sinh. Nhưng trước diễn biến dịch bệnh hiện nay, mỗi người cần bình tĩnh, tỉnh táo, chủ động ứng phó. Nếu dịch bệnh trong tầm có thể kiểm soát, thì học sinh có thể trở lại trường.
Bộ GD-ĐT đề nghị các nhà trường phải sẵn sàng đón học sinh trở lại trong môi trường tốt nhất, có kế hoạch phòng ngừa dịch cụ thể. Trong đó, đảm bảo thực hiện triệt để các nguyên tắc: học sinh đi học đeo khẩu trang (cho tới khi công bố hết dịch bệnh) và rửa tay trước khi vào lớp, sau giờ giải lao, giờ ăn…Trong các phòng học đảm bảo sạch sẽ, được khử khuẩn định kì.