Thứ trưởng Giao thông: Thêm phương án thu phí trên Quốc lộ 5

TP - Chiều 12/12, lãnh đạo Bộ GTVT chính thức họp báo nói về việc thu phí trên Quốc lộ 5 (QL5) để thu hồi vốn cho đầu tư cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và việc một số tài xế phản đối trạm thu phí này bằng cách đưa tiền lẻ khi qua trạm.
Thứ trưởng Giao thông: Thêm phương án thu phí trên Quốc lộ 5 ảnh 1

Tài xế trả tiền lẻ qua trạm thu phí BOT Quốc lộ 5. Ảnh: Như Ý.

Thứ trưởng GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết, Dự án BOT cao tốc Hà Nội - Hải Phòng do Tổng Cty Phát triển Hạ tầng và Đầu tư tài chính (Vidifi) làm chủ đầu tư, có đặc thù khác các dự án khác. Theo đó, nhà nước dùng quyền thu phí trên QL5 để góp vốn với chủ đầu tư làm cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, thay vì nhà nước trả một phần tiền mặt cho Vidifi. Do đó, theo ông Đông, chỉ khi cao tốc đưa vào sử dụng, chủ đầu tư mới được thu phí trên QL5. “Quyết định trao quyền thu phí QL5 cho Vidifi vào năm 2007, khi đó các văn bản pháp luật cũng chưa bỏ trạm thu phí nhà nước trên các tuyến quốc lộ. Phải tới năm 2012, khi Quỹ Bảo trì đường bộ ra đời mới không còn trạm thu phí nhà nước”, ông Đông nói.

Vậy khi có Quỹ bảo trì đường bộ và đã bỏ các trạm thu phí nộp ngân sách nhà nước, chúng ta có hồi tố hay không?

Năm 2013, Bộ GTVT đã thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, rà soát toàn bộ hệ thống thu phí toàn quốc. Sau đó, bộ đã kiến nghị Thủ tướng loại bỏ toàn bộ các trạm thu phí nộp ngân sách nhà nước, một số trạm thu phí đặt chưa đúng vị trí trong dự án BOT thì chuyển về đúng dự án, như trạm thu phí Bắc Thăng Long (thu phí để thu hồi vốn đường tránh Vĩnh Yên - PV); trạm thu phí Tào Xuyên (thu phí để thu hồi vốn tuyến tránh TP Thanh Hóa - PV). Sau khi lấy ý kiến các bộ ngành, Thủ tướng đồng ý bỏ toàn bộ các trạm nộp ngân sách nhà nước, trừ các trạm thu phí dự án BOT đang hiện hữu, hoặc đã cam kết, ký hợp đồng với nhà đầu tư BOT. Vì vậy, việc thu phí trên QL5 để hỗ trợ dự án cao tốc Hà Nội – Hải Phòng vẫn giữ nguyên như hợp đồng đã ký với nhà đầu tư từ năm 2007. Điều này được áp dụng trên nền tảng pháp luật khi đó, các cam kết nhà nước với nhà đầu tư. 

Vidifi kiến nghị 2 phương án về thu phí trên QL5, nhưng cả 2 phương án ngân sách đều phải tăng mức hỗ trợ chủ đầu tư, vậy Bộ GTVT có ý kiến gì với các đề xuất này? 

Hiện bộ đã nghiên cứu các phương án này và đã xong dự thảo và chuẩn bị trình Thủ tướng xem xét quyết định 3 phương án. Ngoài 2 phương án về giảm phí do Vidifi đề xuất, bộ bổ sung phương án miễn, giảm cho những xe khu vực quanh trạm thu phí. Tuy nhiên, thẩm quyền quyết định liên quan tới dự án này là Thủ tướng, Bộ GTVT không thể quyết được.

Nếu giảm phí QL5 nhưng người dân vẫn không ủng hộ, Bộ GTVT sẽ tính sao?

Chúng tôi mong người dân ủng hộ, vì nếu không làm BOT thì chúng ta sẽ rất khó có đường tốt để đi.

Với căng thẳng tại các trạm thu phí BOT hiện nay, Bộ GTVT có tính tới chuyện bỏ Quỹ Bảo trì đường bộ để quay lại với việc nhà nước thu phí trên các tuyến đường đầu tư bằng ngân sách như trước đây, và chuyển các trạm BOT về đúng tuyến?

Nếu bây giờ hồi tố, bỏ các trạm thu phí BOT, kể cả với phần dự án nâng cấp, cải tạo tuyến đường cũ để thu phí kết hợp, nhà nước sẽ phải bỏ tiền mua lại toàn bộ. Số tiền bỏ ra sẽ rất lớn và không còn vốn cho đầu tư giao thông trong 5-7 năm tới. Vì nhà đầu tư BOT đã ký hợp đồng tín dụng với các tổ chức tài chính, phương án tài chính được xây dựng theo hợp đồng ký với nhà nước. Trong các hợp đồng BOT, thường có điều khoản phá vỡ hợp đồng khi có trục trặc, khi đó nhà nước sẽ phải mua lại dự án để đảm bảo nguồn tài chính cho các tổ chức tín dụng cho vay. Có như vậy các tổ chức tài chính mới dám cho vay làm đường BOT.

Các dự án BOT giao thông nhà nước đã ký hợp đồng được thực hiện phù hợp với quy định pháp luật thời điểm đó, cũng không ai làm trái. Nếu làm trái quy định, sẽ chẳng còn ai ngồi đây nữa. Ngoài ra, các dự án BOT cũng đã nhiều lần được thanh kiểm tra, kiểm toán.

Cảm ơn ông.

Tổng cục trưởng Đường bộ Nguyễn Văn Huyện cho biết, thống kê những ngày xảy ra căng thẳng trên trạm thu phí QL5, chỉ có khoảng 10 xe cứ qua trạm lại quay đầu để gây ùn tắc tại trạm thu phí. Trước mắt, trên cương vị cơ quan quản lý nhà nước, Tổng cục đã chỉ đạo đơn vị thu phí phân luồng giao thông. Theo đó, tạo riêng 1 làn giữa để các xe ưu tiên, xe cấp cứu, xe trả phí tháng qua lại thông suốt. Những xe khác, xe cố tình gây cản trở sẽ có các làn phía ngoài. “Chúng tôi làm vậy không phải để bênh vực nhà đầu tư, chỉ thực hiện đúng chức năng quản lý nhà nước là đảm bảo giao thông thông suốt”, ông Huyện nói.

MỚI - NÓNG