Theo ghi nhận của phóng viên, thời điểm trên đồng loạt một số người điều khiển ô tô con qua trạm, dùng tiền lẻ các mệnh giá 200, 500, 1000 đồng trả phí đường bộ khiến thời gian trả tiền của khách và trả lại tiền lẻ cho khách của nhân viên trạm thu phí kéo dài. Trong khi chờ đợi, hàng loạt ô tô khách, xe cá nhân, ô tô tải và xe máy xếp hàng dài hàng trăm mét chờ đợi gây ra cảnh ùn, giao thông tê liệt khoảng 30 phút.
Một tài xế (xin giấu tên) cho biết, sáng cùng ngày anh trả 40.100 đồng để trả phí qua trạm 40.000 đồng. Nhân viên trạm không có tờ mệnh giá 100 đồng trả lại nên đưa lại 200 đồng nhưng anh không chấp nhận, chỉ lấy đúng số tiền thừa. Tài xế, trú ở Hưng Yên, hằng ngày đưa đón con đi học qua trạm, cả lượt đi lượt về phải trả tổng cộng 80.000 đồng nên rất bức xúc. Giữa tháng 10, UBND tỉnh Hưng Yên gửi văn bản kiến nghị di dời trạm thu phí số 1 trên quốc lộ 5 và miễn, giảm phí cho các phương tiện. UBND tỉnh Hưng Yên cũng đề nghị các cơ quan chức năng xem xét di dời trạm thu phí số 1 hiện tại về vị trí tiếp giáp giữa tỉnh Hưng Yên và thành phố Hà Nội hoặc giữa tỉnh Hưng Yên và tỉnh Hải Dương. Trong khi đó, giữa tháng 10, Tổng cục Đường bộ đã có văn bản gửi Bộ GTVT đề nghị giảm 12-15% cho tất cả các phương tiện lưu thông qua quốc lộ 5; miễn phí cho người dân sinh sống trong bán kính 5 km quanh trạm thu phí. Tuy nhiên đến nay, việc này chưa được thực hiện.
Trao đổi với Tiền Phong, ông Nguyễn Văn Huỳnh - Giám đốc Ban quản lý trạm BOT quốc lộ 5 cho biết, trong buổi sáng 11/12 có 3 lái xe sử dụng tiền lẻ qua trạm. Sau đó, không có thêm tài xế sử dụng tiền lẻ, giao thông thông thoáng. Sau khi xuất hiện tình trạng này, ban quản lý đã đổi tiền lẻ mệnh giá 100 đồng để trả cho khách. Tuy nhiên để đảm bảo an ninh trật tự, giao thông giờ cao điểm buổi chiều, Công an tỉnh Hưng Yên huy động hàng chục cán bộ, chiến sỹ CSGT, CSCĐ, CSTT hỗ trợ phân luồng khi hàng loạt tài xế sử dụng tiền lẻ trả phí.
Về phản ánh của tài xế cho rằng, sử dụng tiền lẻ để phản đối phí cao đối với người dân gần trạm trong khi đường cũ, không nâng cấp, ông Nguyễn Văn Huỳnh giải thích, trạm được xây dựng từ năm 1998 khi quốc lộ 5 được đầu tư, đi vào hoạt động. Sau khi tiếp nhận phản ánh của người dân, đơn vị đã kiến nghị Bộ GTVT miễn giảm đối với những xe thuộc nhóm 1. Đây là những xe của hộ gia đình không hoạt động kinh doanh tại khu vực gần trạm. Theo thống kê, mỗi ngày có khoảng 18.000-19.000 lượt phương tiện qua trạm, trong đó khoảng 60% là ô tô con, còn lại là các phương tiện khác.
Chủ đầu tư không muốn “kéo co” cùng tài xế.
Trao đổi với Tiền phong về việc ngày 11/12, một số lái xe trả tiền lẻ, đòi trả lại tờ tiền 100 đồng gây ách tắc trạm thu phí QL 5 , lãnh đạo Vidifi (Tổng Cty Phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính Việt Nam - chủ đầu tư cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, đồng thời vận hành 2 trạm thu phí QL 5 để hoàn vốn cho cao tốc) cho biết: Sau thời điểm BOT Cai Lậy tình hình có căng thẳng hơn với các trạm thu phí BOT. Với các trạm thu phí trên QL 5, việc lái xe trả tiền lẻ đã xảy ra nhiều tháng nay nên lãnh đạo Vidifi không bất ngờ.
Đại diện Vidifi cũng cho hay, việc tài xế trả tiền lẻ không vi phạm pháp luật nên Vidifi sẽ thu tiền lẻ, chuẩn bị tờ tiền 100 đồng để trả lại cho tài xế. Tuy nhiên, lường trước diễn biến phức tạp của sự việc, lãnh đạo Vidifi cho biết: “Chúng tôi muốn có giải pháp cơ bản, lâu dài chứ không muốn kéo co, mèo vờn chuột với người tham gia giao thông” – ông này nói.
Một trong những biện pháp đang được tính đến là giảm phí trên QL 5. Theo đó, Vidifi đã báo cáo Chính phủ phương án giảm phí hiện nay từ 40.000 đồng xuống còn 35.000 đồng hoặc 30.000 đồng đối với xe cơ sở (loại xe dưới 12 chỗ ngồi, xe tải dưới 2 tấn), các phương tiện lớn hơn cũng sẽ giảm theo. Với các chủ xe có hộ khẩu quanh trạm, phương án được đưa ra là miễn, giảm giá đối với xe nhóm 1 (xe chở người dưới 12 chỗ, xe tải dưới 2 tấn) không kinh doanh và giảm 20% đối với xe kinh doanh vận tải. Phạm vi miễn giảm đối với hộ dân dự kiến là cách trạm tối đa 5 km.
Lãnh đạo Vidifi cho hay, việc thu phí QL 5 nằm trong phương án hỗ trợ của nhà nước đối với việc xây dựng cao tốc Hà Nội - Hải Phòng nếu không tiếp tục thu sẽ không thể duy trì được dự án. “Cao tốc Bắc - Nam hiện nay, nhà nước hỗ trợ 55.000 tỷ đồng, tương đương 40-60% tổng mức đầu tư. Các nước phát triển làm cao tốc đều có hỗ trợ của Nhà nước. Lúc chúng tôi làm cao tốc từ năm 2007, Nhà nước không có tiền mặt nên đối ứng bằng quyền thu phí QL 5. Vì thế, trạm thu phí trên QL 5 chỉ bỏ được khi Nhà nước chuyển sang hỗ trợ chúng tôi bằng tiền” - ông nói.
Theo Vidifi, trước khi làm cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, thời gian di chuyển quãng đường 100 km từ Hà Nội đến Hải Phòng trên QL 5 hết khoảng 3,4 - 4 giờ. Khi có cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, lượng xe phân tán (hiện xe đi cao tốc chiếm khoảng 50%) nên thời gian di chuyển trên QL 5 còn 2 h. Ngoài ra, Vidifi đã và đang bỏ ra 2.500 tỷ đồng để đại tu lại QL 5 (hiện đã đầu tư 500 tỷ đồng, năm 2018 sẽ đầu tư 800 tỷ sửa 30 km) và ước tính khoảng 13.000 tỷ đồng để bảo dưỡng, duy tu QL 5 suốt quãng thời gian 28 năm của dự án.
Trao đổi với Tiền phong, Tổng cục trưởng Đường bộ Nguyễn Văn Huyện cho hay, các lực lượng có liên quan và chủ đầu tư đã bố trí lực lượng để phân luồng, tránh ùn tắc. “Trước mắt, những trường hợp trả tiền lẻ nào gây ách tắc giao thông sẽ được mời ra khu vực khác. Nếu vẫn tắc bắt buộc phải xả trạm rồi sẽ thu phí lại” - ông Huyện nói. Về việc chậm trễ phê duyệt phương án giảm giá trên QL 5, ông Huyện cho hay, do cao tốc Hà Nội - Hải Phòng là dự án do Chính phủ trực tiếp phê duyệt nên phương án giảm giá sẽ do Chính phủ quyết định. Hiện tại, Chính phủ đang lấy ý kiến của 5 bộ liên quan.