Bộ GTVT nói gì về thu phí trên Quốc lộ 5?

Trạm thu phí trên Quốc lộ 5 ùn ứ do lái xe dùng tiền lẻ qua trạm.
Trạm thu phí trên Quốc lộ 5 ùn ứ do lái xe dùng tiền lẻ qua trạm.
TPO - Chiều 12/12, lãnh đạo Bộ GTVT đã có phản hồi chính thức với báo chí về việc thu phí trên Quốc lộ 5 (QL5) để thu hồi vốn cho đầu tư cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, và việc một số tài xế phản đối trạm thu phí này bằng cách đưa tiền lẻ khi qua trạm.
Thứ trưởng GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết, Dự án BOT cao tốc Hà Nội - Hải Phòng có đặc thù khác các dự án khác. Theo đó, nhà nước dùng quyền thu phí trên QL5 để góp vốn với chủ đầu tư làm cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, thay vì nhà nước trả một phần tiền mặt cho chủ đầu tư. 

Do đó, theo ông Đông, dù quyết định trao quyền thu phí QL5 cho chủ đầu tư cao tốc Hà Nội – Hải Phòng thủ tướng ký từ năm 2007, nhưng tới năm 2016 chủ đầu tư mới được thu phí chính thức. Còn trước đó, việc thu phí trên QL5 là để nộp ngân sách nhà nước.

Hiện Bộ GTVT đã nghiên cứu các phương án giảm phí trên QL5, đã xong dự thảo và chuẩn bị trình Thủ tướng xem xét quyết định 3 phương án. Tuy nhiên, thẩm quyền quyết định liên quan tới dự án này là Thủ tướng, Bộ GTVT không thể quyết.

Tổng cục trưởng Đường bộ Nguyễn Văn Huyện cho biết, trước mắt, trên cương vị cơ quan quản lý nhà nước, Tổng cục đã chỉ đạo đơn vị thu phí phân luồng giao thông. Theo đó, tạo riêng 1 làn giữa để các xe ưu tiên, xe cấp cứu, xe trả phí tháng qua lại thông suốt. Những xe khác, xe cố tình gây cản trở sẽ có các làn phía ngoài.

Ông Đào Văn Chiến, Chủ tịch HĐQT Tổng Cty Phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính (Vidifi) – chủ đầu tư BOT cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, đơn vị đang thu phí QL5 cho biết: Những ngày qua, chỉ có vài xe cố tình qua trạm thu phí và trả bằng tiền lẻ. Những xe này qua trạm vài trăm mét lại quay đầu ngược lại vào trạm để cố tình gây ùn tắc. Mỗi xe này dừng ở trạm thu phí khoảng 30 phút, và thường chọn giờ cao điểm sáng - tối để qua trạm gây ùn tắc.

Theo ông Chiến, hợp đồng nhà nước ký với Vidifi, nhà nước phải hỗ trợ 39% tổng vốn dự án cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, khoản tiền này hiện mới nằm trong kế hoạch vốn 2016-2020. Ngoài ra, nhà nước hỗ trợ thêm 4.000 tỷ đồng để giải phóng mặt bằng, Thủ tướng đã ký quyết định, nhưng tới này Vidifi cũng chưa nhận được tiền.

Trước đó, ngày 11/12, một số tài xế đã dùng tiền lẻ để thanh toán phí qua trạm trên QL5, gây ách tắc giao thông trên tuyến đường này.
MỚI - NÓNG