Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ nói về ChatGPT, Deepfake

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy cho biết, sự phát triển mạnh mẽ của trí tuệ nhân tạo (AI), trong đó có ChatGPT, Deepfake đặt ra các vấn đề đạo đức và pháp lý liên quan đến ứng dụng AI một cách có trách nhiệm ở Việt Nam. Thời gian tới sẽ đẩy mạnh các kỹ năng ứng phó với trí tuệ nhân tạo.

Thứ trưởng Bùi Thế Duy cho biết, thế giới đang ghi nhận sự phát triển mạnh mẽ của trí tuệ nhân tạo mà ChatGPT chỉ là một sản phẩm được trình làng, sẽ còn những sản phẩm khác chưa công bố có khả năng tác động đến toàn thế giới.

Ông cho hay, hành lang pháp lý chung trên toàn thế giới đang bị chậm hơn sự phát triển theo chiều thẳng đứng của công nghệ. Thế giới bắt đầu quan tâm nhiều đến vấn đề pháp lý và đạo đức của AI. Nếu ChatGPT đưa ra câu trả lời sai thì trách nhiệm thuộc về ai. Ví dụ, khi nấu ăn theo công thức ChatGPT nhưng dữ liệu sai, người ăn bị ngộ độc, nghiêm trọng hơn nữa là các câu hỏi về vấn đề y tế, chăm sóc sức khỏe, chữa bệnh, lịch sử, nếu ChatGPT trả lời sai thì như thế nào?

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ nói về ChatGPT, Deepfake ảnh 1

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy chia sẻ về sự phát triển AI ở Việt Nam tại Họp báo chiều 5/4.

Ngoài ra, trong tương lai, các công ty công nghệ về AI sẽ có bức tranh tổng thể về từng cá nhân, thậm chí các chỉ số sinh lý. Lúc đầu mục tiêu của họ là để tư vấn bán hàng, nhưng với bức tranh tổng thể đó, họ có bản sao số của từng người, vấn đề quyền cá nhân, thông tin cá nhân phải được đặt ra. Một nguy cơ khác, chẳng hạn như cuộc gọi Deepfake (cuộc gọi giả mạo giọng nói, gương mặt của người thân để lừa đảo), hiện nay đã xuất hiện ở một số địa phương.

Trước những thực tế AI mang lại, Thứ trưởng Duy cho rằng, xã hội bắt đầu quan đến đạo đức và pháp lý liên quan đến ứng dụng AI ở Việt Nam. Ông Duy cho biết, trong năm nay, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ đề nghị các cơ quan tập trung quan tâm đến kỹ năng ứng phó với trí tuệ nhân tạo.

Về sự phát triển của trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam, Thứ trưởng Duy chia sẻ, chúng ta đã có một số sản phẩm như hệ thống sản phẩm trợ lý ảo khá toàn diện. Nhóm thứ 2 là sản phẩm xử lý ảnh, camera nhận dạng ô tô, biển số xe, người, điểm danh. Nhóm thứ 3 là các sản phẩm trong lĩnh vực ngân hàng tài chính, tự động gợi ý sản phẩm cho khách hàng. AI cũng đang được nghiên cứu ứng dụng trong y học, chẩn đoán sớm tại Việt Nam. Nhóm cuối cùng là xe tự hành.

Ông cho biết, Việt Nam có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển AI. Tuy nhiên thực tiễn số lượng chuyên gia trong lĩnh vực AI tại Việt Nam không nhiều. Chúng ta không có hạ tầng siêu tính toán như ở các quốc gia, chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu khoảng thứ 40. Vì vậy, sự phát triển của trí tuệ nhân tạo ở Việt Nam chắc chắn là khoảng cách rất xa với các nước đi đầu và xu thế còn tăng tiếp. “Vì vậy, chúng ta không quá tham vọng phát triển các sản phẩm hàng đầu thế giới, chỉ đi vào các sản phẩm ngách phục vụ thị trường Việt Nam”, Thứ trưởng Duy nói.

Nhiều người sập bẫy lừa đảo Deepfake.

Thời gian qua xuất hiện cuộc gọi lừa đảo bằng công nghệ Deepfake (sử dụng trí tuệ nhân tạo giả mạo giọng nói, hình ảnh người thân nhờ chuyển tiền để lừa đảo). Tại nhiều địa phương đã ghi nhận một số trường hợp sập bẫy. Chuyên gia AI cảnh báo, các cuộc gọi Deepfake có đặc điểm chung là ngắn, nhòe, chất lượng âm thanh, hình ảnh không tốt và kèm theo đề nghị chuyển tiền. Người nghe cần hết sức thận trọng khi nhận cuộc gọi như vậy.

MỚI - NÓNG
Đề nghị thanh tra toàn diện nhà ở xã hội
Đề nghị thanh tra toàn diện nhà ở xã hội
TPO - “Có ý kiến đề nghị Chính phủ chỉ đạo thanh tra toàn diện công tác phát triển nhà ở xã hội trong thời gian qua, xác định vướng mắc, bất cập, vi phạm, tiêu cực để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu.