Ngày 27/6, đại diện Sở Nội vụ cho biết đã trình UBND TPHCM dự thảo quy định mới về các tiêu chí đánh giá, xếp loại làm cơ sở để chi trả thu nhập tăng thêm cho cán bộ công chức theo Nghị quyết 03 của HĐND TPHCM.
Theo đó, quy định mới đánh giá sát hơn, chặt chẽ hơn và gắn với sự hài lòng của người dân, chất lượng và thời gian giải quyết công việc.
Muốn đạt loại xuất sắc, cán bộ, công chức phải có 20% khối lượng công việc hoàn thành phải vượt thời gian quy định và có điểm số đạt từ 90 điểm trở lên (trước đây là 80 điểm).
Quy định mới sẽ áp dụng chi thu nhập tăng thêm dựa trên thời gian thực tế làm việc và hiệu quả công việc, không giới hạn về thời gian nghỉ (quy định cũ không xếp loại trong quý nếu cán bộ công chức nghỉ quá 22 ngày) nhằm không triệt tiêu động lực phấn đấu của cán bộ công chức trong cả quý.
Quy định đối với thủ trưởng đơn vị còn khắt khe hơn. Thủ trưởng đơn vị nếu có điểm số cá nhân đạt 90 điểm trở lên, cộng với đơn vị đạt tỉ lệ hài lòng 80% trở lên mới được loại tốt, 90% trở lên mới đạt loại xuất sắc.
Đặc biệt, trường hợp thủ trưởng đơn vị đạt 100/100 điểm nhưng tỉ lệ hài lòng của cơ quan đơn vị phụ trách dưới 80% thì không được thu nhập tăng thêm.
Vừa qua, UBND TPHCM cũng quyết định mở rộng đối tượng được chi trả thu nhập tăng thêm. Theo đó, những người được tuyển dụng vào công chức, viên chức đang thực hiện chế độ tập sự sẽ được hưởng thu nhập tăng thêm
Riêng công chức, viên chức được cử đến làm việc tại các cơ quan không thuộc khu vực quản lý nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội, đơn vị sự nghiệp công lập thì không được xem xét chi trả thu nhập tăng thêm.
TPHCM xác định nguyên tắc “đánh giá phân loại theo hiệu quả công việc trên số ngày làm việc thực tế hàng tháng của cán bộ, công chức, viên chức để chi trả thu nhập tăng thêm”. Thu nhập tăng thêm được tính theo công thức: số ngày làm việc thực tế nhân với hệ số chi thu nhập tăng thêm.
Cách tính này được xem là đã tháo gỡ vướng mắc cho một số trường hợp do nghỉ chế độ thai sản, nghỉ hưu, nghỉ việc, chuyển công tác sang đơn vị khác ngoài hệ thống chính trị của TPHCM mà không làm việc trọn thời gian của quý.
Đối với trường hợp nghỉ hè của công chức, viên chức ngành giáo dục đào tạo, UBND TPHCM chấp thuận xác định số ngày làm việc thực tế là số ngày công chức, viên chức được cấp có thẩm quyền cử, phân công bằng văn bản về việc tham gia các hoạt động chuyên môn của ngành và đơn vị.
Theo kế hoạch thực hiện cải cách tiền lương cũng vừa được UBND TPHCM ban hành, thủ trưởng các cơ quan, tổ chức, đơn vị được sử dụng quỹ tiền lương và kinh phí chi thường xuyên được giao hàng năm để thuê chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình.
Lãnh đạo đơn vị cũng được quyền quyết định mức chi trả thu nhập cho người được thuê về làm việc tương xứng với nhiệm vụ được giao.
Ngoài ra, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có quyền xây dựng quy chế để thưởng định kỳ cho các đối tượng thuộc quyền quản lý, gắn với kết quả đánh giá, xếp loại mức độ hoàn thành công việc của từng người.
Đặc biệt, sau khi kết thúc việc thực hiện cơ chế chính sách đặc thù phát triển TPHCM theo nghị quyết 54 của Quốc hội và Nghị quyết 03 của HĐND TPHCM, thành phố sẽ thực hiện cơ chế thí điểm chi thu nhập bình quân tăng thêm không quá 0,8 lần quỹ lương cơ bản của cán bộ, công chức, viên chức.
Theo Nghị quyết 03 của HĐND TPHCM, mức chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức xuất sắc năm 2018 được tăng tối đa 0,6 lần; năm 2019 là 1,2 lần và năm 2020 gấp 1,8 lần mức chi hiện tại.
Dự kiến trong năm 2019, TPHCM chi hơn 7.200 tỉ đồng cho thu nhập tăng thêm. Kinh phí được trích từ các nguồn như cải cách tiền lương năm trước chuyển sang, cải cách tiền lương trích lập từ nguồn thu được để lại hằng năm, ngân sách cấp huyện, thành phố...